Tại sao ChatGPT đang “khuynh đảo” thế giới?
(PNTĐ) -Ra mắt vào tháng 11/2022, ứng dụng trả lời tin nhắn tự động (chatbot) ChatGPT đã nhanh chóng trở thành ứng dụng được hàng triệu người dùng yêu thích.
"Hiện tượng" toàn cầu
Được phát triển bởi OpenAI (công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo), ChatGPT đã nhanh chóng cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng phát hành và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Để so sánh, mạng xã hội chia sẻ video đình đám hiện nay là TikTok cũng cần tới 9 tháng sau khi ra mắt trong khi Instagram phải mất đến 2 năm rưỡi để đạt mốc 100 triệu người dùng. Bên cạnh đó, nhiều dữ liệu cho thấy có khoảng 13 triệu người sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong giai đoạn tháng 1, gấp đôi so với số liệu ghi nhận hồi tháng 12/2022.
ChatGPT sử dụng công nghệ mới nhất được gọi là ''công cụ mô hình ngôn ngữ khổng lồ'', cho phép người dùng đặt câu hỏi hoặc kể một câu chuyện và ứng dụng sẽ trả lời bằng các chủ đề và câu trả lời có liên quan với vẻ tự nhiên nhất có thể. Người dùng đã "thử thách" ứng dụng này bằng cách đặt ra các câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, chẳng hạn như có nên nghỉ việc hay không, tiếp tục yêu đương hay chia tay... thậm chí có sinh viên đã dùng ChatGPT để làm hộ luận văn, câu trả lời của ChatGPT khiến mọi người rất thích thú.
Ứng dụng ChatGPT với kho kiến thức khổng lồ sẽ trả lời bất cứ điều gì được người dùng hỏi bằng ngôn ngữ mang tính chất tự nhiên, đời thường nhất. Đặc biệt, ChatGPT còn có khả năng làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình. Công cụ này hoạt động giống như một cuộc trò chuyện hỏi đáp giữa người với người hơn là trả về một loạt các liên kết (URL) như trên các công cụ tìm kiếm thông dụng hiện tại. Với việc có thể trò chuyện cũng như trả lời nhanh chóng, đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra ở nhiều lĩnh vực, ChatGPT hiện đang được xem là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới thời điểm hiện tại.
Sự xuất hiện và trở nên phổ biến một cách nhanh chóng của ChatGPT đã khiến cuộc đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) nóng hơn bao giờ hết khi Google, Baidu cũng đã ra những công cụ sử dụng AI tương tự.
Ảnh: CNBC
AI thông minh nhưng không nên lạm dụng
Không thể phủ nhận, ChatGPT đã mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng nhưng nếu quá lạm dụng có thể sẽ dẫn tới những tác dụng "ngược" và phát tán thông tin sai lệch. Theo đó, những đối tượng tiếp nhận thông tin, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên, chưa có đủ kĩ năng và kiến thức cần thiết loại bỏ thông tin sai lệch có thể sẽ gặp rắc rối khi ChatGPT đưa ra những câu trả lời khá giống với văn phong của con người và có tính logic cao.
Chính OpenAI cũng khuyến cáo người dùng tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng và áp dụng các thông tin do ChatGPT cung cấp. "Ứng dụng này có thể tạo ra những thông tin sai lệch hoặc đưa ra các hướng dẫn độc hại với nội dung sai trái. Nguyên nhân do AI chỉ đơn giản đưa ra các phản hồi dựa trên thuật toán xác suất chứ không thực sự hiểu toàn bộ nội dung mà nó đang được hỏi", OpenAI cho hay.
Do đó, người dùng chỉ nên sử dụng ChatGPT như một công cụ tham khảo và cần phải có thêm bước xác thực từ các nguồn thông tin chính thống. Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Đại học British Columbia, Muhammad Abdul-Majid cảnh báo, điểm yếu của ChatGPT chính là nó thu thập thông tin dựa trên các dữ liệu đã "lỗi thời", gần nhất là dữ liệu của các năm 2021 trở về trước. "Những thông tin không được cập nhật như vậy có thể sẽ dẫn đến sai sót. Ngoài ra, khi người dùng hỏi các câu hỏi gần tương tự nhau, nó sẽ trả lời với cùng một kết quả giống nhau", Muhammad nói.
Đồng quan điểm, Giáo sư Erik Brynjolfsson từ Viện Nghiên cứu AI thuộc đại học Stanford (Mỹ) đánh giá, ChatGPT giống như một chiếc máy tính bỏ túi dành cho người viết lách. Dù không thể thay thế suy nghĩ và cảm xúc nhưng nó sẽ giúp nâng cao những khả năng đó của người viết. "Xét cho cùng, nếu không có AI, chính những người muốn sử dụng AI phải chịu trách nhiệm về các quyết định và sản phẩm của mình. Do đó, con người phải là nhân tố cuối cùng ra quyết định và sản phẩm của AI chỉ có thể mang tính khuyến nghị", ông cho hay.
Suy cho cùng AI thực chất chỉ là một mô hình "máy học", do đó, nếu dữ liệu đào tạo bị sai lệch, mô hình chắc chắn sẽ bị sai lệch. Đây là thách thức mang tính truyền thống mà hầu hết mọi công cụ AI đều phải đối mặt, và người dùng cần phải thực sự tỉnh táo trước những thông tin mà các công cụ này cung cấp.