“Tấm gương” chiếu ngược

Chia sẻ

Suốt 1 tháng qua, kể từ ngày Dung chuyển sang làm việc tại phòng Tài vụ, chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong hội nhân viên rỗi rãi có lẽ là về chị Lam - trưởng phòng mới của cô. Ấn tượng ngay từ đầu của Dung về chị sếp này quả thật cũng không mấy thân thiện.

Còn nhớ buổi chiều của ngày đầu tiên tới phòng nhận nhiệm vụ, để tạo không khí vui vẻ với đồng nghiệp, Dung đã đặt ship về trà sữa và một ít bánh ngọt mời mọi người. Ai ngờ, vừa xách đồ lỉnh kỉnh từ dưới cổng lên đến cửa phòng cô đã bị sếp dội cho gáo nước lạnh:

- Như này Dung nhé - chị Lam ngồi giữa phòng, nhướn ánh mắt qua cặp kính đã trễ xuống tít sống mũi, giọng đanh lại: Chị nhắc lần đầu cũng là lần cuối, chị không đồng ý việc nhân viên tự do đi ra ngoài làm việc riêng trong giờ hành chính như vậy.

Nụ cười của Dung còn chưa kịp đậu trên môi đã vội tắt ngóm. Cô khe khẽ “vâng”, đặt cốc nước và chiếc bánh nem nép ở góc bàn mời chị Lam rồi bước vội về chỗ ngồi, đến thở cũng rón rén. Mấy đồng nghiệp thấy vậy còn rúc rích cười, nhắn tin bồi thêm mấy câu: “Nhớ nhé, cứ nhấc mông khỏi ghế, kể cả đi vệ sinh cũng phải báo cáo sếp đầy đủ, nghe chưa”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mấy hôm sau, Dung lại dở khóc dở cười vì “đụng độ” với sếp khi làm công vụ. Cơ quan phát động chương trình ủng hộ quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19, và quỹ Vì biển, đảo Việt Nam, mỗi nhân viên đều đóng góp tối thiểu 1 ngày lương cho 1 loại quỹ. Dung là thành viên tổ công đoàn cơ quan nên được giao nhiệm vụ thu tiền. Đi khắp cả phòng, ai cũng vui vẻ đóng góp, thậm chí có bạn còn ủng hộ gấp đôi so với tiêu chuẩn. Riêng sếp Lam một mực ra lệnh: “Hôm nay chị chỉ nộp đúng 1 loại quỹ, muốn thu tiếp thì mai em lại sang”… khiến Dung khóc dở, mếu dở trong lòng.


Tính cách độc đoán của chị Lam khiến Dung ngày càng e dè mỗi khi phải tiếp xúc với sếp. Cô cũng nhận ra không chỉ mình mà mọi nhân viên trong phòng đều chung cảm xúc như vậy. Trừ lúc trao đổi công việc, chẳng có ai chủ động trò chuyện hay cười đùa với chị Lam. Có lần, một nhân viên mới về cùng đợt với Dung phải thốt lên: “Không hiểu sống chung cùng người vợ “khó ở” đỉnh cao như vậy, chồng chị ấy thấy thế nào? Em cũng phục khả năng chịu đựng của anh ấy. Phải em thì “ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây” rồi”. Nghe vậy, Dung chỉ cười trừ nhưng trong bụng thầm đồng ý với suy nghĩ của đồng nghiệp.

Trớ trêu ở chỗ cuộc sống vốn có nhiều chuyện không như chúng ta tưởng tượng. Nếu không phải tận mắt chứng kiến, Dung cũng không thể nghĩ chị Lam vốn “hít-le” với đồng nghiệp lại vô cùng cam chịu trước chồng. Ngặt nỗi, anh Tuấn - chồng chị Lam không hề chiều chuộng, nâng niu vợ.

Ấy là trong một chuyến đi du lịch về Mộc Châu, Sơn La của phòng Tài vụ. Tiêu chuẩn mỗi người được đi cùng một người nhà và anh Tuấn đương nhiên đi cùng chị Lam. Lúc đầu, nhìn hai người quấn quýt nhau không rời, Dung còn nghĩ bao suy đoán trước đây đều sai toét rồi. Chồng chị Lam quấn vợ đến mức lúc nghỉ trưa tại nhà sàn, dù đoàn đã phân rõ nữ nằm một dãy, nam nằm một dãy nhưng anh Tuấn một mực sán vào nằm cạnh vợ. Trên xe đi về, cả đoàn rôm rả kháo nhau: “Anh Tuấn tình cảm với vợ làm bọn em đến xấu hổ. Đấy, các anh nhìn mà học tập nhé. Vợ chồng phải yêu nhau như anh Tuấn, chị Lam, bằng không thì… vứt”.

Ngay sau đó 1 tuần, Dung và chị Lam cùng đoàn công tác cơ quan về Nghệ An làm việc. Nhân chuyến đi, cả đoàn quyết định tạt té vài nơi trên đường về Hà Nội, vì thế có về trễ hơn so với lịch trình dự kiến gần một tiếng. Xe dừng ở sân cơ quan, chị Lam còn đang chân trên chân dưới thì anh Tuấn lao tới. Chưa ai kịp nói gì đã nghe… “đốp” một tiếng, rồi thấy chị Lam lấy tay che vội một bên má đang đỏ lên vì rát. Đứng ngay phía sau sếp, Dung bị cái tát của anh Tuấn làm cho hồn bay phách lạc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến tận hôm sau, khi chính tai mình nghe chị Lam trò chuyện, nói xin lỗi về cách hành xử của chồng và bảo cô đừng để bụng… Dung mới “hoàn hồn” trở lại. Căn nguyên dẫn tới hành động của chồng chị Lam, theo lời phân tích của đồng nghiệp Dung là bởi anh ấy quá yêu vợ nên ghen tuông vô cớ, dẫn tới việc không kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình.

- Vậy thường ngày, anh ấy cũng ghen “bất chấp” như thế với chị Lam sao? - Dung rón rén hỏi mấy chị đồng nghiệp.

- Ghen quá trời luôn. Em để ý thì thấy, ngày nào sếp Lam cũng chuẩn chỉnh quần âu, áo sơ mi dài tay đóng thùng đi làm. Không phải là chị ấy đam mê, thích mặc như vậy hay gì đâu, chẳng qua vì sợ nếu mặc bộ đồ khác, tối về lại bị anh Tuấn “truy vấn” tới mất ngủ về việc cả ngày đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai. Mấy lần cơ quan tổ chức chương trình văn nghệ buổi tối, tụi chị phải đích thân tới nhà đón, đích thân đưa về… Và buổi tối ra ngoài cũng vẫn phải mặc đồng phục cơ quan.

Dung nghe các chị kể thêm mà mắt tròn mắt dẹt: “Sếp Lam nhà mình ngày nào cũng ngồi lỳ trong phòng làm việc là vì sợ chồng. Anh Tuấn cài sẵn định vị trên điện thoại của vợ, giám sát từ xa 24/24. Chỉ cần chị Lam “lệch” khỏi quỹ đạo phòng mình quá 15 phút là chuông điện thoại sẽ lập tức reo, còn gọi hẳn video để “check” cho chuẩn. Nhà đó chồng đi ô tô, chỗ làm gần trường học con trai nhưng lại cứ để vợ lọc cọc xe máy, đường vừa xa vừa ngược tất tả đưa đón con đi học. Thật sự không hiểu đấy là vợ chồng yêu nhau hay tra tấn”.

Vừa nghe vừa ngẫm, Dung phần nào hiểu được vì sao sếp mình lại có tính khí kỳ quặc như vậy. Dù có chút cảm thông nhưng vốn không mấy thân thiết nên Dung cũng chỉ định bụng “nghe cho biết như vậy rồi thôi”, cho đến khi cô gặp con trai năm nay học lớp 6 của chị Lam. Bữa đó cơ quan làm việc với thanh tra tài chính, vì công việc quá nhiều nên sau khi đón con, chị Lam buộc phải chở cu cậu về cơ quan.

Thằng bé đến phòng làm việc của mẹ mà không chào hỏi ai, vừa ngồi xuống ghế đã nghênh ngang gọi điện cho bố, báo cáo tình hình của mẹ, xem trong phòng có bao nhiêu người cùng ở lại “tăng ca”. Đồng nghiệp nữ thì thôi, chứ đồng nghiệp nam tới gần là cậu bé quắc mắt nhìn. Làm đến 7 giờ tối cu cậu giục giã ầm ĩ, nói là bố đã về nhà rồi nên mẹ phải bỏ công việc lại và về nhà luôn…

Mọi người trong phòng có lẽ đã quen với câu chuyện nhà chị Lam nên không ai phản ứng. Nhưng là một người mẹ, nhìn một đứa trẻ đang tuổi lớn lại có những lời nói, cách ứng xử, suy nghĩ… chưa phù hợp, lòng Dung cứ thấy gờn gợn không thôi. Cô không thể hiểu nổi, rõ ràng chị Lam là người có học thức, có địa vị xã hội, gia đình kinh tế khá giả, lại ở ngay giữa Thủ đô… vậy mà vẫn để cuộc sống diễn ra như thế. Không hiểu với chị Lam, đó là tình yêu hay là sự cam chịu, giống như nhân vật Mỵ trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, vì quen với cái khổ rồi nên không còn biết, không còn nghĩ mình khổ nữa.

Dung không biết đã từng có đồng nghiệp nào góp ý với chị Lam chưa, nhưng có lẽ một lúc nào đó, cô sẽ lựa lời tâm sự với sếp mình. Bởi điều Dung trăn trở không phải là cách sống kỳ quặc của chị Lam mà là tương lai những đứa con của chị, chúng đang “sao y” bản chính của bố, mẹ mình mà không biết phiên bản ấy “lỗi” ở đâu. Bản thân chị Lam đã trở thành “hình ảnh” chiếu ngược lại từ chính lối sống gia đình. Nếu cứ tiếp tục như vậy, các con của chị chắc chắn rồi sẽ trở thành những bản copy tiếp theo.

PHÙNG THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.