Tấm gương của nữ nhà giáo thương binh

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG - CÚC TÚ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là thương binh hạng 4/4, thương tật 31% sức khỏe, nhưng bà giáo Bùi Thị Nguyên (sinh năm 1943, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Dẫu đã về hưu bà vẫn không ngừng cống hiến, đóng góp nhiệt tình cho các công tác đoàn thể ở địa phương, để mỗi giây phút trong cuộc sống đều có ý nghĩa.

Xung phong vào chiến trường làm nhiệm vụ giáo dục

Bà giáo Bùi Thị Nguyên năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh, đôi mắt vẫn tỏ tường. Theo lời kể trầm ấm của bà, những thước phim về một thời cách mạng hào hùng của dân tộc như được hiện lên sáng rõ. 

Bà giáo Bùi Thị Nguyên sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội). Bố mẹ bà từng nuôi giấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong số 8 anh chị em thì có 3 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có bà và em trai Bùi Trọng Hưng đều là thương binh.  

Năm 1965, cách mạng miền Nam phát triển thuận lợi, quân đội ta giải phóng hàng loạt vùng đất, bọn ngụy quân, ngụy quyền co cụm trong một số thành phố, thị xã. Trước tình hình đó, Trung ương quyết định đưa 1 số bộ phận cán bộ các ngành, trong đó có ngành giáo dục vào chiến trường B để bổ sung thêm cán bộ cho các địa phương trong vùng giải phóng. Lúc đó, cô giáo trẻ Bùi Thị Nguyên vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm đã tình nguyện xung phong lên đường. “Bố mẹ tôi sợ con gái phải vượt Trường Sơn vào chiến trường ác liệt sẽ cực khổ, vất vả nên nhất quyết không cho đi. Nhưng tôi mạnh dạn nói: Người ta đi được, con cũng sẽ đi được! Để thuyết phục, tôi nhờ người viết thư động viên bố mẹ, đồng thời cố gắng bình tĩnh làm sao cho gia đình yên tâm về mình” - bà Nguyên kể lại. 

Tấm gương của nữ nhà giáo thương binh - ảnh 1
Gia đình hạnh phúc của bà giáo Bùi Thị Nguyên

Cô giáo Bùi Thị Nguyên được phân công về công tác tại tỉnh Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay). Đoàn về Quảng Đà có 11 người, chủ yếu là những cán bộ trẻ. Từ Hà Nội vào Quảng Đà, đoàn công tác đi đêm, ngày nghỉ để tránh máy bay địch, vượt qua rất nhiều khó khăn, có lúc xe suýt lao xuống vực vì trượt 1/2 bánh xuống hố bom, hay phải đẩy xe vượt qua những đoạn đường lầy lội bùn đất, bị vắt cắn… nhưng vẫn luôn giữ tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vào đến Quảng Đà, cô giáo trẻ Bùi Thị Nguyên được phân về làm Hiệu trưởng trường Sư phạm sơ cấp tỉnh, nhận nhiệm vụ dạy và đào tạo giáo sinh và giáo chức để họ dạy phổ cập cho học sinh các lớp 1, 2, 3. Những năm này, địch bắn phá, công kích vô cùng ác liệt. Đầu năm 1967, khi đang mở lớp bồi dưỡng cho giáo viên ở xã Thạch Mỹ, huyện Đại Lộc thì cô giáo Nguyên bị sốt rét ác tính. “Tôi phải điều trị suốt 6 tháng liền, tưởng không thể qua khỏi. May mắn, nhờ nghị lực cùng sự giúp đỡ của mọi người nên tôi đã chiến thắng được bệnh tật” - bà Nguyên nhớ lại. Khi sức khỏe đã hoàn toàn bình phục, bà trở lại Ban Tuyên giáo của tỉnh để tiếp tục làm nhiệm vụ. “Từ căn cứ trên núi xuống đồng bằng phải qua một số tuyến đường chiến lược của địch. Có khi lính Mỹ, ngụy cho quân phục kích, có khi cầm canh tuần tra, giao liên phải trinh sát rất kỹ mới cho mọi người đi qua. Có lần, một mình tôi đi công tác xuống huyện Điện Bàn thì gặp lúc địch càn quét. Phía trên đầu thì máy bay địch quần lượn, trước mặt thì xe tăng quần bộ, một số lính ngụy đang tuần tra, tìm kiếm. Không có hầm bí mật, tôi phải men theo con kênh đào ở gần đó, nắm lấy 1 thân tre ngả xuống nước rồi giấu mình dưới nước kênh từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối mới dám bò lên để tìm đường về…” - bà Nguyên nhớ lại.

Nhưng đáng nhớ nhất là trận bom năm 1970. Lần đó, bà cùng một số cán bộ xuống mấy xã miền Đông của huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Đà cũ) để nắm tình hình giáo dục ở địa phương thì gặp máy bay địch bắn phá điên cuồng. Mọi người vội vã xuống hầm trú bom. Hầm của đoàn công tác không may bị một quả bom tấn công làm sập hầm. Bà Nguyên bị sức ép của bom khiến bị thương ở đầu, tay và chân phải. Tối đến, sau khi sơ cứu vết thương, bà vẫn cùng các đồng đội theo giao liên về lại cơ quan trên hậu cứ để kịp nhận nhiệm vụ. “Sau lần đó, sức khỏe của tôi yếu dần, mặc dù sau này đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, các vết thương lại tái phát, đau nhức” - bà Nguyên cho biết. Từ năm 1970 - 1971 trở đi, tình hình chiến sự ở tỉnh Quảng Đà vô cùng ác liệt, phong trào giáo dục ở vùng giải phóng tạm thời lắng đi. Nhưng giáo dục huyện Điện Bàn lại có sáng kiến mới. Cán bộ vận động giáo dục ở vùng tranh chấp địch tạm chiếm về lòng yêu nước, yêu đồng bào, được nhiều người hưởng ứng. Đây là sáng kiến hay và được báo cáo điển hình tại Hội nghị giáo dục của Khu 5…

Hơn 10 năm công tác ở tỉnh Quảng Đà, bà giáo Nguyên vừa làm công tác giáo dục, vừa làm công tác tuyên huấn. Trong điều kiện chiến tranh rất ác liệt, bà giáo Bùi Thị Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương Giải phóng hạng Nhì (năm 1969) của UBND Cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất năm 1974 của Ban Đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại miền Trung Trung Bộ trao tặng… Đến năm 1974, sức khỏe của bà chuyển biến xấu nên được các bác sỹ cho ra Bắc chữa bệnh. Sau đó, bà Nguyên về lại trường đại học Sư phạm tiếp tục công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1979, bà xây dựng gia đình cùng ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1934, cũng là bộ đội chống Pháp và có 1 con trai. Hiện ông bà sống cùng vợ chồng con trai và hai cháu nội ngoan ngoãn, học giỏi trong khu tập thể trường đại học Sư phạm Hà Nội ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tiếp nối những năm tháng cống hiến

Những ngày này, khi cả nước hướng đến ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 và tri ân những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, bà Nguyên vô cùng xúc động. Bà bảo bà may mắn hơn những người khác là vẫn đang được sống, dù trên cơ thể mang thương tích của chiến tranh. “Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, tôi luôn cố gắng sống vui khỏe, có ích, tham gia đóng góp vào công tác chung của khu dân cư để giây phút nào của cuộc sống cũng có ý nghĩa” - bà Nguyên chia sẻ.  

Chính vì vậy, sau khi nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe bị ảnh hưởng bởi những cơn đau nhưng bà Nguyên vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và đoàn thể, như tham gia sinh hoạt chi bộ, Hội Phụ nữ và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, giữ các vị trí Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, Chi hội phó Hội Khuyến học, Trưởng ban công tác Mặt trận của khu dân cư, hiện nay là Tổ phó Tổ Phụ nữ B6, Chi hội phụ nữ số 3... Dù ở cương vị nào, bà Nguyên cũng đều hoàn thành tốt công việc được giao. 

Tấm gương của nữ nhà giáo thương binh - ảnh 2
Bà giáo Bùi Thị Nguyên

Trong công tác Hội Phụ nữ, bà Nguyên đi sâu, đi sát, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng chị em, quan tâm giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, từ đó vận động các chị em là cán bộ hưu trí vào Hội. Đồng thời, bà còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, nếp sống văn minh cho các hội viên; đổi mới nội dung phương thức tuyên truyền để phù hợp với nhu cầu của các chị em, từ đó, thu hút hội viên trẻ tham gia các hoạt động Hội. Bên cạnh đó, bà đổi mới nội dung sinh hoạt tổ hội, vận động hội viên đóng góp, xây dựng quỹ Hội để có nguồn thăm hỏi và giúp gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tổ có quỹ tiết kiệm cho chị em khó khăn vay không lấy lãi. Việc sinh hoạt tổ được duy trì thường xuyên. 

Với trách nhiệm là Tổ phó Tổ Phụ nữ B6, bà luôn là người gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, các hoạt động nhân đạo từ thiện, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, xây dựng quỹ tình thương, quỹ vì người nghèo; chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; tham gia vệ sinh môi trường, hưởng ứng vệ sinh an toàn thực phẩm… Bà không quản tuổi cao, cùng tập thể Chi hội và phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc vận động chị em tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề về nêu cao những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, nâng cao kỹ năng sống, cách thức tổ chức cuộc sống gia đình; tổ chức các buổi diễn đàn về xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, phụ nữ với pháp luật; xây dựng nếp sống mới, tự tin cho phụ nữ dưới nhiều hình thức như: Tham quan du lịch, giao lưu  học hỏi, sinh hoạt CLB văn hóa thể thao… Nhờ những hoạt động tích cực và sôi nổi đó, Tổ Phụ nữ B6 luôn đạt Tổ Xuất sắc, được UBND phường Thanh Xuân Bắc khen thưởng. Gia đình bà nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa tiêu biểu của phường, quận...

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.