Tấm lòng của các bác sỹ tự nguyện hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Chia sẻ

Hiện nay, số bệnh nhân Covid-19 (F0) không triệu chứng, điều trị tại nhà ở Hà Nội và các tỉnh khá đông. Cùng với hệ thống y tế cơ sở, nhiều bác sỹ tại các bệnh viện và nhà thuốc đã tình nguyện tham gia hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các F0 vào bất cứ thời gian nào trong ngày.

“Bệnh nhân hỏi, chúng tôi sẵn sàng hồi đáp”

Là F0 điều trị tại nhà, tuy không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng không phải bệnh nhân nào cũng được tâm lý thoải mái, bình tĩnh. Việc điều trị Covid-19 còn mới mẻ nên trong quá trình F0 điều trị tại nhà không thể tránh được có một vấn đề xảy ra chưa có tiền lệ khiến bệnh nhân, người thân hỗ trợ gặp lúng túng và lo lắng. Mỗi bệnh nhân lại có một thắc mắc riêng trong quá trình điều trị: người thì chưa quen với kỹ thuật đo chỉ số SpO2; người là F0 đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn triệu chứng ho; một số nữ bệnh nhân đang mang bầu đã có kết quả âm tính nhưng vẫn ở cùng nhà với F0 nên lo lắng sợ rằng sẽ bị tái nhiễm lần nữa… Hay có người vợ lo lắng khi chồng là F0 lại gặp phải có triệu chứng bị co thắt cơ lưng, không ngồi dậy được... Tất cả những thắc mắc trên, bệnh nhân và người nhà rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các y bác sỹ để họ có thêm kiến thức, kỹ năng, cách điều trị, giúp họ vững tin, giữ được bình tĩnh, lạc quan và yên tâm điều trị tại nhà.

Thượng tá. BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga đang tư vấn cho bệnh nhânThượng tá. BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga đang tư vấn cho bệnh nhân

Xuất phát từ thực tế trên, để “gỡ rối” cho các F0 và người nhà, ngày 15/12/2021, Thiếu tá - TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình, tái tạo (bệnh viện Bỏng quốc gia) đã có thành lập nhóm “Bác sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” trên mạng xã hội facebook. TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn cũng là người từng tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị F0. Vì vậy, khi thành lập nhóm “Bác sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”, TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn mong muốn có thêm kênh tư vấn, hỗ trợ tin cậy; người bệnh không phải nghe theo những tư vấn không đúng chuyên môn. Điều đáng mừng, ý tưởng tốt đẹp của TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn đã lan toả rất nhanh và nhận được ủng hộ nhiệt tình của nhiều đồng nghiệp. Chỉ sau vài tiếng thành lập nhóm, tối cùng ngày, đã có hơn 10 bác sỹ ở các chuyên ngành khác nhau, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị F0 tại các điểm dịch lớn tự nguyện tham gia nhóm để hỗ trợ F0. Sau 10 ngày, con số này đã lên đến hơn 30 bác sỹ ở các chuyên ngành như sản, nhi, tim mạch, huyết học, nội tiêu hoá, ngoại tiêu hoá tiết niệu… Cùng với đó, số lượng thành viên tham gia nhóm cũng tăng rất nhanh theo từng ngày. Ở ngày 25/12, nhóm thu hút sự quan tâm của 45.000 thành viên và đến 30/12/2021, con số này đã lên hơn 54.500 thành viên; số lượng câu hỏi và các vấn đề bệnh nhân F0, người hỗ trợ F0 quan tâm trao đổi với các bác sỹ cũng rất nhiều, được cập nhật theo giờ. Và, mỗi câu hỏi được đăng tải trên nhóm luôn được các bác sỹ giải đáp kịp thời, bất kể thời gian nào trong ngày.

Không chỉ tư vấn, với kinh nghiệm của mình cùng những tài liệu của Bộ Y tế, kiến thức được cập nhật từ CDC Hoa Kỳ, các bác sỹ đã tổng kết thành các nhóm vấn đề, cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích để bệnh nhân tham khảo như chuẩn bị cách ly điều trị F0 tại nhà; bà bầu chiến thắng Covid, chữa trị F0 là trẻ em; thuốc Đông y hỗ trợ điều trị Covid; chữa Covid kèm bệnh nền; thuốc chữa Covid; bà mẹ cho con bú trị Covid; hướng dẫn vệ sinh khi gia đình có F0… Vì vậy, dù lượng tương tác của nhóm rất lớn nhưng các F0 và người thân dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin.

“Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới ngày càng tăng, số bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cần hỗ trợ ngày càng nhiều hơn nhưng nhiều nguồn thông tin về cách điều trị, các loại thuốc chưa được kiểm chứng khiến người bệnh không khỏi hoang mang. Chính quyền và các cơ quan cũng đang cố gắng hết mình nên chúng tôi rất mong mọi người hết sức bình tĩnh khi phát hiện mình thành F0, nếu không có triệu chứng nặng cần tìm các kênh hỗ trợ nhé - chúng tôi luôn sẵn sàng!” - TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ.

Lan toả những nghĩa cử cao đẹp của những chiến sỹ tuyến đầu

Công việc chuyên môn thường ngày của các bác sỹ tại cơ sở y tế vốn dĩ đã rất nhiều nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các chiến sỹ khoác áo blouse trắng luôn sẵn lòng trợ giúp khi bệnh nhân cần tư vấn. Theo TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn, hàng ngày các bác sỹ phân công nhau phụ trách trả lời trên nhóm, nghe điện thoại, trả lời tin nhắn qua mạng xã hội zalo của các F0. Có những thời điểm trong ngày, một số bác sỹ chưa thể nghe được điện thoại, bệnh nhân chỉ để lại tin nhắn, các bác sỹ sẽ hỗ trợ ngay.

Bác sỹ chuyên khoa cấp 2 Nguyễn Thị Thanh Hải - Phó Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường Bệnh viện 198 (Bộ Công an) sẵn lòng hỗ trợ bệnh nhân có bệnh nềnBác sỹ chuyên khoa cấp 2 Nguyễn Thị Thanh Hải - Phó Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường Bệnh viện 198 (Bộ Công an) sẵn lòng hỗ trợ bệnh nhân có bệnh nền

Trung bình mỗi bác sỹ trong nhóm hỗ trợ cho 20-30 gia đình có F0, trong đó nhiều gia đình, các thành viên cùng là F0. Đã có từ 3.000 – 4.000 F0 thể nhẹ điều trị tại nhà được tư vấn, trong đó, có khoảng 1.000 ca khỏi bệnh và rất nhiều gia đình (có cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi) đã cùng về âm tính. Với các bác sỹ tuyến đầu, không có gì vui mừng và hạnh phúc hơn khi hàng ngày nhận được tin nhắn thông báo kết quả điều trị thành công. Đây chính là động lực tiếp sức để họ tiếp tục gắn bó, hỗ trợ tư vấn cho các bệnh nhân, dù cuộc điện thoại hay tin nhắn gửi đến điện thoại khi đã đêm khuya.

Một ngày trung bình tiếp nhận hơn 30 cuộc điện thoại của những người cần hỗ trợ điều trị nhưng Thượng tá. BS chuyên khoa 1 Nội tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng đến từ Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) luôn là người chủ động gọi điện lại cho từng bệnh nhân. Từ ngày tham gia nhóm, điện thoại của bác sỹ Hoàng nhận được rất nhiều tin nhắn, để không để sót bệnh nhân, ngày nào cũng vậy, dù có thời điểm rất bận, tuy mệt mỏi nhưng bác sỹ đều cố gắng đọc hết tất cả tin, cố gắng trả lời một cách dễ hiểu, chi tiết, nhất là việc dùng thuốc phù hợp, tránh tác dụng phụ với bệnh nhân có bệnh nền.

Không chỉ tư vấn, hỗ trợ điều trị, qua các tương tác của các thành viên nhóm, các bác sỹ nhận thấy có một số bệnh nhân F0 có hoàn cảnh khó khăn nên khi mắc bệnh họ rất vất vả. Vì vậy, khi có một số nhà hảo tâm có mong muốn hỗ trợ thuốc điều trị cho các F0 có hoàn cảnh khó khăn, các bác sỹ của nhóm đã kịp thời tạo nhóm, kết nối hỗ trợ để mọi người đều được tiếp cận biện pháp điều trị tốt nhất và cùng nhau vượt qua đại dịch. Điều đáng quý của nhóm là không chỉ có bác sỹ, nhiều F0 đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay để mọi người cùng tham khảo, xử lý khi gặp tình huống tương tự. Hoặc khi một thành viên nào đó hoang mang, lo lắng khi trở thành F0, nhất là người cao tuổi, gia đình có trẻ nhỏ, bà bầu… thì các F0 đã khỏi bệnh cùng vào động viên, chia sẻ kinh nghiệm bản thân, hỗ trợ liên hệ với bác sỹ để người bệnh vững tâm. Những việc làm thiết thực của các bác sỹ và những thành viên trong nhóm đã và đang góp phần lan toả những điều tốt đẹp, nhân văn, tạo chỗ dựa tin cậy cho những người bệnh F0, đảm bảo cho tất cả người mắc bệnh đều được tiếp cận chăm sóc, tư vấn y tế kịp thời, đầy đủ; hướng đến mục tiêu: chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.