Tăng cường điều trị viêm gan C với người đồng nhiễm HIV

Chia sẻ

Việt Nam được đánh giá là nước có gánh nặng về bệnh gan thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương, với khoảng gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C (viêm gan C). Trong số này, tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao.

Để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV.

Đồng nhiễm HIV/ viêm gan C làm tăng nhanh biến chứng về gan

Cụ thể, viêm gan virus, là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và khiến khoảng 1,1 triệu người tử vong mỗi năm (do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan). Trong đó, virus gây viêm gan C lây truyền tương tự như virus HIV, bao gồm lây qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.

Các nghiên cứu gần đây của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan C trên người mắc HIV khoảng 34,4% (26-44%). Đáng nói, virus HIV là nguyên nhân đẩy nhanh diễn biến tự nhiên của quá trình nhiễm virus viêm gan C, làm tăng nhanh tỷ lệ xơ hóa, dẫn tới xơ gan, ung thư gan và bệnh gan giai đoạn cuối so với người nhiễm virus viêm gan C đơn thuần. Đồng thời, virus viêm gan C lại làm tăng độc tính của các thuốc kháng virus HIV cho gan và giảm đáp ứng với điều trị ARV trên nền người bệnh mắc HIV. Đồng nhiễm HIV/ viêm gan C là nhóm bệnh có nguy cơ lây cao và cũng là nguyên nhân dẫn tới tử vong hàng đầu đối với người nhiễm HIV.

Thực tế, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của y học, viêm gan C hiện có thể điều trị khỏi trong vòng 3 tháng bằng phác đồ có các thuốc kháng virus trực tiếp (DAA), với tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 98%, kể cả ở nhóm người đồng nhiễm HIV. Bởi vậy, ngay từ 2016, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia phải tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV, để tăng cường sức khỏe người bệnh, duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV. Tuy nhiên, chính người bệnh đồng nhiễm HIV/ viêm gan C cũng chưa thật sự ý thức được vấn đề này.

Phát thuốc cho bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Ảnh: CDC Đồng NaiPhát thuốc cho bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Ảnh: CDC Đồng Nai

Phòng tránh, điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV như thế nào?

Theo BS Nguyễn Duy Thế - khoa Bệnh Nhiệt đới (bệnh viện 175, TP Hồ Chí Minh): Do có đường lây truyền bệnh tương tự nhau, vì vậy để phòng tránh viêm gan C, người mắc HIV cần thực hiện an toàn trong sinh hoạt tình dục, không tiêm chích ma túy, sử dụng kim tiêm riêng trong mọi trường hợp. Tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan C trong nhóm người mắc HIV rất cao, do đó người bệnh cũng cần chủ động xét nghiệm sàng lọc viêm gan C để điều trị kịp thời trong lúc đã có thuốc chữa khỏi viêm gan C hiện nay.

Liên quan việc điều trị, BS Nguyễn Duy thế cũng cho biết: Dù chưa có vắc-xin ngừa viêm gan C nhưng hiện đã có thuốc kháng virus gây bệnh với hoạt chất sofosbuvir, velpatasvir (myvelpa, velsof…), giúp chữa khỏi viêm gan C mạn tính với hiệu quả cao, ít tác dụng phụ. Thời gian điều trị bệnh cũng giảm từ 3-6 tháng (so với trước kia dùng thuốc tiêm là 6-18 tháng).

Ngoài dùng thuốc điều trị viêm gan C, các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh cần xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống đủ chất, giúp cơ thể tăng đề kháng chống chọi với bệnh. Ngoài ra, người đồng nhiễm HIV/viêm gan C cũng nên hạn chế, tốt nhất là từ bỏ hẳn những thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe gan như: uống bia rượu, hút thuốc lá, thức khuya, nhịn tiểu; Đồng thời nên tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao để tăng cường khả năng tuần hoàn đưa máu nuôi dưỡng gan, đào thải bớt độc chất qua da.

Tại Việt Nam, các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/ viêm gan C đã được triển khai tích cực từ cuối 2018. Theo đó, chi phí thuốc điều trị viêm gan C được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỷ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%. Từ 2021, với sự chung tay hỗ trợ miễn phí thuốc của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét (tại 32 tỉnh/ thành phố trên cả nước), người bệnh đồng nhiễm HIV/ viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị 2 bệnh trên ngay tại cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/ huyện trở lên.

LÝ THANH

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.