Tăng cường truyền thông giảm lựa chọn giới tính khi sinh

Chia sẻ

Giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái…

Áp lực trẻ trai – trẻ gái

Tư tưởng trọng nam, khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như lựa chọn giới tính khi sinh, mất cân bằng giới tính hay tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các gia đình sinh con một bề là gái…

Năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111.5 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi tỉ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Với những cha mẹ đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% sau 10 năm. Nhu cầu sinh con trai đặc biệt cao tại các vùng phía Bắc, thậm chí là trong các nhóm dân số có điều kiện kinh tế và học thức tốt hơn.

Theo các chuyên gia dân số, nguyên nhân chủ yếu làm sự gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là tâm lý ưa thích con trai của đại bộ phận người dân Việt Nam. Điều này xuất phát từ chế độ phụ hệ, con trai lớn trong gia đình phải ở chung nhà và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già. Con trai được thừa kế tài sản nhiều hơn con gái. Hơn nữa, hiện nay, việc tiếp cận các kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính khi sinh tăng nhanh. Mặc dù Việt Nam nghiêm cấm các bệnh viện, phòng khám công khai giới tính thai nhi, song bằng cách này hay cách khác, nhiều gia đình vẫn biết được giới tính của đứa trẻ trong bụng mẹ, Do vậy, các hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở giới vẫn đang tiếp tục diễn ra…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mất cân bằng giới tính để lại nhiều hậu quả nặng nề, tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số trong tương lai theo chiều hướng già hoá và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi, đến năm 2059, con số này sẽ là 2,5 triệu nam giới (bằng 9.5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm. Với chế độ hôn nhân một vợ một chồng như hiện nay, tình trạng dư thừa nam giới sẽ khiến hàng triệu đàn ông không thể kết hôn; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ; tỷ lệ người già neo đơn, không nơi nương tựa, cần sự quan tâm chăm sóc của xã hội ngày càng tăng lên. Nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý, tinh thần, tăng nguy cơ bệnh tật và các tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em, bệnh xã hội… từ đó kéo theo sự bất ổn về chính trị - xã hội…

Tại buổi toạ đàm “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới” do Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Đại sứ quán Na Uy tổ chức, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế cho biết, từ năm 1980, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xảy ra tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Ở Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ 20, các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với các nước châu Á và luôn ở mức cao. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả nông thôn và thành thị. “Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam” – Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Tăng cường truyền thông hướng đến đối tượng nam giới

Trong khuôn khổ Dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở Việt Nam” giai đoạn 2020-2022, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, gia đình và phụ nữ (CSAGA) có nhiều chương trình, chiến dịch truyền thông nhằm thực thi các chính sách chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Dự án cũng hỗ trợ nâng cao kỹ năng đưa tin về bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới cho các cơ quan thông tấn báo chí tại Việt Nam; xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong nước. Cũng trong khuôn khổ dự án, chương trình “Làm cha trách nhiệm” đã được xây dựng nhằm khuyến khích nam giới và trẻ em trai san sẻ gánh nặng việc nhà và sinh con, từ đó góp phần thể hiện sự tôn trọng đối với phụ nữ, đạt được bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ mong muốn có sự tham gia nhiều hơn nữa của nam giới trong việc chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. “Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính trong những năm vừa qua, nhưng tỉ lệ mất cân bằng giới tính vẫn còn cao, cụ thể gần đây nhất là cao thứ ba tại châu Á. Chúng ta cần phải hành động bao gồm cả việc đo mức sinh của cá nhân và cặp vợ chồng trong việc lựa chọn số con; thời gian và khoảng cách mỗi lần sinh phù hợp với nguyên tắc của Diễn đàn quốc tế về Dân số và Phát triển. Sự thấu hiểu của nam giới giúp phụ nữ thay đổi chính cuộc sống của họ, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao vai trò của trẻ em gái trong xã hội” - bà Naomi Kitahara nói.

Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào việc xoá bỏ định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai. Đối tượng truyền thông cần nhắm vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số và các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống. Bà Upala Devi, Cố vấn về Giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, để giám sát và đánh giá thỏa đáng các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cần tăng cường huy động sự tham gia của các đoàn thể và tổ chức xã hội; tổ chức các cuộc đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm, các chiến dịch tôn vinh giá trị của trẻ em gái. Các chương trình truyền thông cần tập trung nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng đặc thù như đội ngũ cán bộ y tế, nhóm tôn giáo, cơ quan truyền thông, phụ nữ trẻ và học sinh, sinh viên. Một trong những thông điệp lớn mà các chiến dịch truyền tải cần tập trung đến vai trò của trẻ em gái và phụ nữ trong xã hội như chia sẻ hình ảnh phụ nữ thành công trong xã hội…

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, nam giới có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. “Truyền thông bắt nguồn từ văn hoá gia đình. Cha mẹ cần đối xử bình đẳng giữa các con trong gia đình về dinh dưỡng, giáo dục và trách nhiệm trong gia đình. Bố mẹ hãy làm gương bằng việc chia sẻ công việc nội trợ với nhau, ông bà đối xử bình đẳng với các con, không tạo sức ép lên con dâu, con gái là phải sinh bằng được con trai… Có như vậy, chiến lược truyền thông giảm lựa chọn giới tính khi sinh, mất cân bằng giới tính mới có kết quả tích cực” – GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.