Tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việc lựa chọn chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay, trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Rào cản, thách thức trong công tác bình đẳng giới

Mặc dù thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới (BĐG), song vấn đề này vẫn đang còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập khi nữ giới đang gặp phải những rào cản nhất định trên con đường phát triển sự nghiệp. Trong các chính sách vẫn còn tồn tại quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kinh tế của phụ nữ.

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2020 (Global Gender Gap Report 2020), thế giới cần đến 257 năm để có thể hoàn toàn loại bỏ sự chênh lệch về mặt kinh tế giữa hai giới. Chỉ có 55% phụ nữ từ 15-64 tuổi tham gia vào lực lượng lao động, trong khi nam giới chiếm đến 78% và đặc biệt, ở vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu, phụ nữ chiếm ít hơn 1/3 (khoảng 29%).

Việt Nam đang đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới, hiện thu nhập của nữ giới ít hơn trung bình 3 triệu đồng so với nam giới mỗi năm. Tỉ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, trong khi nam giới nắm quyền ở vị trí cấp cao giữ một tỉ lệ vượt trội - 77,6%. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, phụ nữ dành nhiều hơn 14 giờ mỗi tuần so với nam giới để làm việc nhà, chăm sóc con cái và người cao tuổi.

Tại Hà Nội, trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách, chương trình chuyên đề, đặc thù liên quan đến BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ, đó là: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025”; đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019 - 2025”. Hà Nội cũng đã xây dựng Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”…

Tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái - ảnh 1
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cùng đại diện Hội LHPN Việt Nam trao tặng quà cho trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong lễ phát động.

Các chỉ tiêu về BĐG trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác cán bộ nữ tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị để có đủ điều kiện được giới thiệu quy hoạch, tham gia nhiều hơn trong các lĩnh vực. Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động chiếm trên 50%; 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện đều được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản. 100% các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tuy nhiên, công tác BĐG còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Kết quả thực hiện BĐG giữa các vùng chưa đồng đều, tình trạng bất BĐG vẫn tồn tại nhất là ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những hủ tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam, coi thường nữ vẫn còn, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn ở nhiều địa phương; tình trạng bạo lực giới vẫn chưa có chiều hướng giảm nhất là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái…

Ngày nay, với một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, vị thế, năng lực của một quốc gia không chỉ dựa vào những chỉ số, yếu tố kinh tế thuần túy mà thay vào đó là các yếu tố như: Môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và bao gồm cả BĐG đang ngày càng được nhìn nhận, đánh giá có vai trò quan trọng tới sự phát triển chung của từng quốc gia và tới toàn cầu nói chung. Chính vì vậy, phát huy vai trò của phụ nữ trong đó thúc đẩy BĐG có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng

Những năm qua, tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tác động này nghiêm trọng hơn với nhóm đối tượng yếu thế trong đó có phụ nữ và trẻ em. Những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống đã khiến các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng trong thời gian diễn ra đại dịch, đe dọa các thành tựu về công tác bình đẳng giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. 

Phát biểu phát động tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung khẳng định những cam kết của Việt Nam trong đảm bảo BĐG nói chung, tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ nói riêng và nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về BĐG: Để giải quyết bất BĐG ở Việt Nam, bên cạnh luật pháp, chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện BĐG thực chất. Việc triển khai chương trình truyền thông về BĐG đến năm 2030 và thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái - ảnh 2
Tuổi trẻ huyện Mê Linh ra quân hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới. 

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đề nghị và mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và mỗi người dân chúng ta cùng cam kết, tham gia và có các hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả đối với công tác BĐG, vì sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. “Một thế giới hòa bình, không có bạo lực, dịch bệnh, đói nghèo, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tràn ngập tình nhân ái là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay vun đắp với sự hiểu biết, trách nhiệm và tình yêu thương. Sẽ không có BĐG nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Cùng với đó, nam giới cũng cần xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Hà Nội là một trong số các địa phương triển khai hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, để triển khai hiệu quả Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện, tổ chức chiến dịch truyền thông và các hoạt động cao điểm từ ngày 15/11 đến 15/12/2023. Theo đó, 100% các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, vận động hưởng ứng Tháng hành động phù hợp với từng địa phương, đơn vị; tổ chức các hoạt động thiết thực về công tác bình đẳng giới, ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh thực hiện xây dựng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, gia đình không có bạo lực…

“Lễ phát động sẽ là sự khởi đầu, mở màn cho chuỗi các hoạt động, sự kiện tạo hiệu ứng truyền thông trong toàn Thành phố, tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng, giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, qua đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng kêu gọi sự cam kết, tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, mọi người dân Thủ đô nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hàng động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 bằng những việc làm, hành động, cụ thể, thiết thực, ý nghĩa nhất dành cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.