Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính để thúc đẩy bình đẳng giới

Chia sẻ

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021. Việc đưa vào những ứng cử viên nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính thông qua bầu cử chính là cơ hội để chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong chính trị, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực.

Tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV

Công bố chính thức của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia vào chiều ngày 27/4/2021 về danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, trong tổng số 868 người ứng cử có 393 là ứng cử viên nữ, chiếm tỷ lệ 45,28%. So với khóa XIV, ứng cử viên khóa XV đã tăng hơn 6% (từ 39% lên 45,28%).

Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, trong tổng số 393 ứng cử viên nữ đại biểu Quốc hội có 45 nữ ứng cử viên, chiếm 22,17% tổng số ứng cử viên do Trung ương giới thiệu. Tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội do địa phương giới thiệu sau hội nghị hiệp thương lần ba là 348 trong tổng số 665 người được giới thiệu, chiếm tỷ lệ 52,33% .

Riêng Hội LHPN Việt Nam, thống kê sơ bộ của Ban Tổ chức trung ương Hội cho thấy, sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số cán bộ Hội được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở cả cấp trung ương và địa phương là 36 người.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành những chính sách để tạo điều kiện cho thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, thế nhưng một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị sau đại hội vẫn không đạt, thậm chí còn giảm đi trong các nhiệm kỳ trước. Điển hình là việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị "về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" trong những năm qua.

Các cử tri nữ cần nghiên cứu danh sách người ứng cử, để chọn ra các ứng cử viên nữ tiêu biểu bỏ phiếu bầu cho họ, để tăng tỷ lệ trúng cử cho ứng cử viên nữ. (Ảnh: VGP)Các cử tri nữ cần nghiên cứu danh sách người ứng cử, để chọn ra các ứng cử viên nữ tiêu biểu bỏ phiếu bầu cho họ, để tăng tỷ lệ trúng cử cho ứng cử viên nữ. (Ảnh: VGP)

Nghị quyết số 11/NQ-TW xác định một số nội dung định hướng quan trọng đối với công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ bao gồm: Xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương; Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để chủ động về nhân sự; Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Nghị quyết cũng xác định một số chỉ tiêu cụ thể phát triển đội ngũ cán bộ nữ đến năm 2020: Tham gia cấp ủy Đảng đạt từ 25% trở lên; Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%; Cơ quan, đơn vị tỷ lệ nữ 30% trở lên nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2020, trong đó xác định 3 chỉ tiêu cụ thể, về cơ bản, bám sát yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-TW. Theo đó, phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND trên 35%, đến năm 2020 đạt 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, thống kê về công tác cán bộ nữ cho thấy, mặc dù sự tham gia của phụ nữ vào công tác lãnh đạo, quản lý đã có xu hướng tăng lên, nhưng so với các mục tiêu mà Nghị quyết 11/NQ-TW và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2020 đề ra, hầu như chưa có chỉ tiêu nào về bình đẳng giới trong chính trị đạt được. Điều này được thể hiện qua nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ cấp ủy Đảng ở cấp trung ương 13,7%, cấp tỉnh 12,6%, cấp huyện 15,5%, cấp xã 20,8%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp: cấp tỉnh 26,6%, cấp huyện 27,5%, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội 26,8% (tại nhiệm kỳ 2016-2021). Trong nhiệm kỳ 2020-2025, kết quả từ Đại hội đảng bộ cấp cơ sở cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 20,8%; cấp trên cơ sở đạt 17%. Đối với các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%.

Vì vậy, sau Hội nghị Hiệp thương lần ba, tỷ lệ ứng cử viên nữ đại biểu Quốc hội tăng lên là một tín hiệu đáng mừng để tăng lệ phụ nữ tham chính, rút ngắn khoảng cách bất bình đằng giới trong chính trị.

Cần nâng cao khả năng trúng cử của nữ ứng cử viên

Mặc dù tỷ lệ nữ ứng cử viên tăng nhưng làm thế nào để tăng tỷ lệ ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mới là điều quan trọng. Bởi chỉ khi được trúng cử, nữ đại biểu Quốc hội mới có thể phát huy được vai trò của mình trong mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Do đó, vấn đề đặt ra trong thời điểm này là làm thế nào để nâng cao khả năng trúng cử của nữ ứng cử viên.

Để đáp ứng được yêu cầu đó, trong thời gian qua, nhiều Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND đã được tổ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh và các đại biểu tại hội thảo (Ảnh: Thanh Chi)Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh và các đại biểu tại hội thảo (Ảnh: Thanh Chi)

Tại Hội thảo khu vực phía Bắc “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và thúc đẩy bình đẳng giới” do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức ngày 19/4 vừa qua, ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhấn mạnh: Các nữ đại biểu Quốc hội có nhiều đóng góp trong Quốc hội và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cử tri cả nước. Đặc biệt, nữ đại biểu Quốc hội giữ vai trò nòng cốt trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn tỷ lệ nữ trúng cử đạt yêu cầu Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp đến, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn để hỗ trợ nữ ứng cử viên kỹ năng vận động tranh cử, thuyết phục cử tri để có nhiều cơ hội trúng cử. Cùng với đó, các nữ ứng cử viên cũng cần xây dựng cho mình những kỹ năng, chương trình hành động rõ ràng, thiết thực, để khi vận động bầu cử, thuyết phục được cử tri tin tưởng bỏ phiếu bầu cao cho mình.

Ngoài ra, các cử tri, đặc biệt là cử tri nữ cần chủ động nghiên cứu danh sách người ứng cử và tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc với nữ ứng viên để khi bầu cử sẽ sáng suốt lựa chọn bỏ phiếu cho họ. Để làm tăng cơ hội cho nữ ứng cử viên trúng cử, mỗi một người cần tự mình đi bầu cử để tránh tình trạng nhờ bầu hộ, không bầu cho ứng cử viên nữ. Cử tri cần xác định rằng, tạo điều kiện cho nữ ứng cử viên trúng cử để họ có cơ hội tham chính trên chính trường thì mới có thể thể hiện được quan điểm trong quyết định các chính sách, thúc đẩy các mục tiêu bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.