Tập nói cho bà

Chia sẻ

Đến bây giờ, mỗi khi đi qua con phố ấy, Giang vẫn tự trách mình sao không nhớ nổi ngôi nhà đặc biệt mà năm xưa cô từng liên tục ghé qua một thời gian dài. Nơi đó có bà già, nơi đó đẹp như bà, nhưng cũng cô đơn và lạ lùng như bà.

Nơi đó có một bà già - người phụ nữ lớn tuổi được Giang giúp tập nói sau cơn đột quỵ… Hai thế hệ phụ nữ gặp nhau trong hoàn cảnh chưa ai nghĩ đến bao giờ, với Giang, có những khoảng lặng cô chưa từng hiểu nổi, về bà…

Giang được gặp bà qua một lời đề nghị của người anh họ: “Một người bạn của anh đang tìm người đến tâm sự và tập cho mẹ của anh ấy nói trở lại. Bà bị đột quỵ, giờ đi lại cũng khó khăn. Chẳng con cái nào ở gần, các cháu thì càng không. Em chỉ cần đến chơi và tập cho bà nói lại, mọi việc khác đã có bác sỹ vật lý trị liệu và người giúp việc lo…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Giang đang khá rảnh, chỉ làm thêm vài buổi trong tuần để chờ kết quả thi học bổng du học. Có lẽ, Giang nhận được sự tin cậy nhờ vả của anh kia cũng là vì cô rất hoạt bát, năng nổ, từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, cộng đồng. Thế nhưng, tập nói cho một người già – là điều Giang chưa từng nghĩ đến. Giang không biết phải bắt đầu thế nào cả, liệu có phải xây dựng hẳn một “giáo án” không? Liệu người phụ nữ già kia – với những tính khí thay đổi của tuổi xế chiều, có chấp nhận và để yên cho Giang ở cùng trong vài tiếng mỗi tối không? Dù có nhiều băn khoăn, nhưng cuối cùng Giang vẫn đồng ý nhận làm, vì cái tính tò mò càng lúc càng khiến cô hăng hái.

Căn hộ chung cư cao cấp chìm trong nắng chiều vàng vọt. Sau này, Giang mới biết, đối diện căn chung cư bà ở, là căn hộ của vợ chồng con trai bà. Nhưng nó gần như luôn khóa kín bởi ai cũng bận rộn, vì thế, rất rất lâu, bà mới được thấy cửa sổ, cửa ban công của căn nhà ấy mở ra, để bà được nhìn sâu hơn nơi ở của con, cháu mình.

Giang bước vào căn nhà, không tiếng người đáp lại. Người giúp việc gặp Giang chóng vánh ở hành lang, nói “cứ vào với bà đi, cô ra chợ một lát rồi về”. Nhưng căn nhà không hề lặng lẽ, vì xung quanh treo đầy ảnh bà và gia đình. Bà đẹp quá, thời trẻ ấy! Ông cũng đẹp, con bà cũng đẹp. Một gia đình hoàn hảo từng hiện hữu – Giang nghĩ thầm. Bà đang ngồi cạnh cửa ban công, nhỏ nhắn, lọt thỏm trên chiếc xe lăn hiện đại.

Giang tần ngần không biết phải làm gì. Chưa bao giờ, cô gái hoạt bát, năng nổ, tự tin này lại lóng ngóng đến vậy. Buổi đầu “đi làm”, Giang chỉ biết ngần ngại lại gần bà, xoa bóp chân tay, và lật dở mãi cuốn sách Tiếng Việt lớp 1. “Dạy” bà nói thế nào đây…

Bà cũng không hợp tính với người giúp việc. Chị cứ lầm lũi làm, xong việc dọn dẹp của bà là thôi. Bác sỹ vật lý trị liệu thì ngày nào cũng đến, khoảng 1 tiếng là về. Thành ra, Giang dường như là người gần gũi với bà nhất. Nếu không tìm ra cách để kết nối 2 bà cháu, thì chính Giang còn là người khó chịu hơn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy là, Giang mạnh dạn kể chuyện của mình cho bà nghe. Từ chuyện gia đình, bố cô yêu thương hai chị em Giang thế nào, đến những chuyến đi từ thiện xuyên Việt mà Giang đã trải qua, những công việc cô từng làm, những con người Giang gặp… Giang thấy bà chăm chú nghe, đôi lúc ánh mắt bà tươi hơn như đang cười, có khi môi bà mấp máy, dù chỉ là những tiếng ú ớ…

Giang nhận ra bà thích hát, rất thích là đằng khác. Bà thích xem những chương trình ca nhạc truyền thống trên tivi. Bà đung đưa người, mắt long lanh và trông bà khi ấy, như rời hẳn khỏi không gian im lìm, lặng lẽ của một nơi có người già sống.

Và thế là Giang hát cho bà nghe. Giang hát hay và thuộc nhiều bài hát, nhiều thể loại. Giang nhận ra, mỗi khi bà đung đưa người, chính là lúc bà đang vui nhất. Bà còn mấp máy môi theo, như muốn hát cùng Giang. Khi hai bà cháu gần nhau hơn, Giang thấy việc tập nói cho bà trở nên trơn tru hơn, không còn lúng túng, vụng về như trước nữa.

Thường, Giang sẽ đến nhà bà vào cuối chiều, và ở lại với bà tới 9 rưỡi, 10 giờ tối rồi ra về. Từ ngày hiểu nhau hơn, bà muốn Giang ăn tối cùng bà, những hôm Giang đến muộn, quá giờ cơm, là bà sẽ chờ để hai bà cháu cùng nhau ăn bằng được. Sau này, Giang còn nhận ra rằng, vì bà không thích những món ăn của người giúp việc nấu, nên muốn có Giang cùng ăn để thấy vui hơn. Tay chân bà đã cử động linh hoạt hơn, nhưng việc nói của bà cũng còn khá hạn chế. Con trai bà, sau một thời gian dài Giang mới được gặp, nói với Giang rằng, anh không quá hy vọng bà sẽ nói được, chỉ mong có người ở bên bà để bà khỏe hơn, vui vẻ hơn. Vì cuộc sống quá bận rộn, họ cũng chẳng được ở bên mẹ mình là mấy…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Giang cứ băn khoăn, không biết chồng của bà đang ở đâu nhỉ? Bà mới gần 70, chắc hẳn ông vẫn còn sống chứ? Một hôm, khi hai bà cháu đang vui, Giang liều mình hỏi bà, “Bà ơi ông đi đâu rồi ạ?”. Ánh mắt bà đang vui bỗng dưng buồn hẳn, như thể có gì đó đau thương tràn vào. Sau này, Giang mới biết, chồng bà đã định cư nước ngoài, vẫn sống và làm việc, khỏe mạnh. Hai người đã ở hai thế giới khác nhau, không còn liên quan tới nhau nữa.

Đã gần nửa năm ở cạnh bà, Giang nhận ra, cuộc sống của người già cô đơn hơn cô tưởng nhiều. Dù có đầy đủ tiện ích, không thiếu sự chu cấp và giúp đỡ, phục vụ, nhưng hoài niệm vẫn bao trùm lấy họ. Nỗi trống vắng vì thiếu thốn sự quan tâm của con cháu vẫn khiến cho không gian quanh họ cứ lành lạnh, buồn buồn. Người bà mà Giang tập nói, cả ngày quẩn quanh bên toàn người lạ. Con ít đến thăm, cháu thì lại càng hiếm. Lũ trẻ chạy nhảy, quen nô đùa rộn ràng, sao mà hợp với nơi dường như thời gian không chạm đến này. Đôi lần, bà khó nhọc đặt tay mình lên tay Giang, Giang thấy hơi ấm ẩn sau những vết đồi mồi lan tỏa trong tay mình. Giang muốn ôm bà, muốn chăm sóc bà như người bà thật sự của mình, muốn biết thật nhiều, nhiều hơn nữa về bà, trước đây và cả bây giờ. Nhưng khó quá! Cô đến đây vì công việc, sẽ chẳng ai chịu chia sẻ cho cô những điều bí mật ấy cả!

Bà khỏe lên từng ngày, cười tươi hơn với Giang những lần cô đến. Nhưng đó cũng là lúc người anh họ của Giang báo với cô, công việc của Giang kết thúc ở đây được rồi. “Họ sẽ tìm một người mới đến giúp bà thay em…”. Giang còn không có cơ hội tạm biệt bà. Mọi thứ được trả bằng tiền, chuyển khoản, nhanh gọn và thế là sòng phẳng, không còn duyên nợ. Đến lúc này, Giang mới biết mình còn chẳng có số điện thoại của con bà nữa.

Vài tuần sau, Giang bận rộn với thủ tục và lên đường du học. 2 năm sau, Giang trở về. Máy bay hạ cánh xuống quê hương cũng là lúc nắng chiều đổ xuống, thẫm mà buồn. Giang nhớ tới dáng bà ngồi trên chiếc xe lăn, cũng đổ theo ráng chiều, yếu ớt và thật tội. Giờ bà ra sao nhỉ?

Giang muốn tìm về ngôi nhà ấy để gặp bà, nhưng quá lâu rồi, cô không nhớ rõ được gì cả. Kỷ niệm về bà, vẫn chiếm một góc nhỏ trong tâm trí Giang. Để mỗi khi vô tình chạm phải, nó cũng khiến cô bồi hồi, thêm trân trọng tình cảm gia đình, để không ai phải cô đơn, phải buồn thật buồn trong chính tổ ấm mà mình đang sống!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.