Tết này nhớ mẹ

Chia sẻ

Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947, mất ngày 7 tháng 1 năm 2019 đến nay đã ba năm. Anh ra đi là một tổn thất lớn cho văn học, công chúng, những người yêu mến nghệ sĩ tài ba.

Đã hai Tết
Con về nhà
Vắng Mẹ
Cây quanh vườn mồ côi Mẹ hai năm
Màu xanh lá buồn chi ngơ ngác thế?
Lòng bồi hồi ra ngõ ngóng xa xăm.

Như thuở nhỏ đường làng người đi chợ
Những đứa con thắc thỏm ngóng mẹ về
Con tóc bạc đi theo bầy trẻ nhỏ
Mẹ đâu còn để chờ bánh đa kê.

Mẹ đâu còn để đánh thức Giao thừa
Con ngái ngủ giật mình thấy Mẹ về rất tỏ
Thắp nén nhang dâng bàn thờ Tiên Tổ
Bên hình Cha, Mẹ nở nụ cười hiền.

Con thấy Mẹ lom khom vào bếp, ra vườn
Mẹ múc nước giếng nhà trong vắt
Mẹ cho lợn ăn. Mẹ xới thêm luống đất
Mẹ trồng rau. Mẹ hát điệu xa vời…

Rồi Mẹ tiễn con đi về phía cuối trời
Chiếc gậy chống đã vẹt mòn năm tháng
Con ngoảnh lại chốn quê nhà xanh thẳm
Mẹ cười hiền, chống gậy đứng nhìn theo...
                                  Tất niên Tân Mão (2011)
                                         Nguyễn Trọng Tạo

Tết này nhớ mẹ - ảnh 1

LỜI BÌNH:

Vừa là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo vừa là họa sĩ thiết kế, nghệ sĩ là một người đa tài, có những tác phẩm để đời. “Anh mất đi, sau này không dễ gì có được một người như thế” (Nguyễn Thế Kỷ). Trong số nhiều bài hay của thi sỹ tài hoa ấy, tôi rất tâm đắc bài thơ “Tết này nhớ mẹ” tác giả sáng tác tại quê hương Diễn Châu ngày Tất niên Tân Mão.

Khổ thơ mở đầu nói về hiện tại. Đó là những câu thơ tự do, ngắt quãng, tựa như nỗi nhớ thương dâng đầy khiến tác giả không thể trình bày liền mạch, ý nêu rõ thời gian, không gian: “Đã hai Tết/ Con về nhà/ Vắng Mẹ/ Cây quanh vườn mồ côi Mẹ hai năm/ Màu xanh lá buồn chi ngơ ngác thế?/ Lòng bồi hồi ra ngõ ngóng xa xăm”. Nghệ thuật nhân hóa được dùng xác đáng khiến cho cây trong vườn cũng thấy buồn ngơ ngác, lẻ loi côi cút khi “Vắng Mẹ”. Từ dùng “cây quanh vườn mồ côi Mẹ” quả là sự sáng tạo đắc địa. Mặt khác, Mẹ trong cả bài đều được viết hoa đã thể hiện bao niềm kính yêu và trân trọng của người con. Điệp từ “Mẹ” láy đi láy lại tới 14 lần trong bài có tác dụng khắc sâu niềm thương nỗi nhớ mẹ khôn nguôi. Nhìn những đứa trẻ “thắc thỏm đón mẹ về” trên con đường chợ làng thân thuộc, tác giả chạnh lòng bởi “Mẹ đâu còn để chờ bánh đa kê”. Điệp ngữ “Mẹ đâu” còn láy lại hai lần như xác nhận một thực tế phũ phàng. Thời gian trôi, chủ thể trữ tình càng nhớ da diết đến mẹ, nhất là vào những thời điểm thiêng liêng trong năm: “Mẹ đâu còn để đánh thức giao thừa/ Con ngái ngủ giật mình thấy Mẹ về rất tỏ/ Thắp nén nhang dâng bàn thờ Tiên Tổ/ Bên hình Cha, Mẹ nở nụ cười hiền”. Trong bài, sử dụng nhiều hình ảnh, tác giả tái hiện lại chân dung người mẹ rất sống động với những việc làm, hành động cụ thể: Mẹ thắp nhang dâng bàn thờ gia tiên, mẹ nở nụ cười hiền bên di ảnh của cha. Chưa hết, còn đây nữa: “Con thấy Mẹ lom khom vào bếp, ra vườn/ Mẹ múc nước giếng nhà trong vắt/ Mẹ cho lợn ăn. Mẹ xới thêm luống đất/ Mẹ trồng rau. Mẹ hát điệu xa vời…”. Dòng tâm tưởng của người con qua những câu thơ ngắn mang tính liệt kê từng công việc quen thuộc hằng ngày của mẹ, những dấu chấm giữa dòng thơ là tác giả kể chưa hết những việc mẹ làm. Ta thấy người mẹ thật chịu thương chịu khó, hiền dịu, chu toàn và lạc quan. Chân dung người mẹ tác giả thật tiêu biểu cho biết bao bà mẹ Việt khác, luôn hết lòng vì các con và gia đình. Chính vì thế, mẹ đi xa rồi nhưng người con vẫn tưởng như thấy mẹ đang hiển hiện: “Rồi Mẹ tiễn con đi về phía cuối trời/ Chiếc gậy chống đã vẹt mòn năm tháng/ Con ngoảnh lại chốn quê nhà xanh thẳm/ Mẹ cười hiền, chống gậy đứng nhìn theo…”.

Với tác giả, “Thơ là một chớp sáng, là những ám ảnh của tâm hồn”, “tôi nương thân vào chính thơ tôi”. Tư duy nghệ thuật thơ trong các sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo có sự tích hợp nhuần nhị giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, điều này thể hiện rõ qua thi phẩm. Bài thơ khép lại rồi nhưng hình ảnh người mẹ hiền dõi theo bước con đi trong những chặng hành trình cuộc sống và tình cảm của người con hướng về mẹ vẫn sống mãi trong tâm trí bạn đọc.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.