Tết Trung Thu 2023 nhiều khám phá và trải nghiệm mới

Bài và ảnh Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vào dịp Tết Trung thu năm 2023, người dân Thủ đô và du khách, nhất là các em nhỏ khi đến các bảo tàng, các khu di sản, các điểm đến trong khu vực phố cổ Hà Nội sẽ có cơ hội được tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm các hoạt động gắn liền với Tết Trung thu.

Khám phá Tết Trung thu xưa và nay trên phố cổ Hà thành

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: Phố cổ Hà Nội nơi bảo tồn nhiều dấu ấn về Thăng Long - Hà Nội, luôn thu hút rất đông người dân và du khách đến khám phá, nhất là vào dịp lễ, Tết, trong đó có Tết Trung thu. Từ ngày 22-29/9 tại khu vực phố cổ sẽ tổ chức chuỗi hoạt động Trung thu truyền thống.

Theo đó, ở Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, Ban quản lý phối hợp với Trung tâm lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giới thiệu bộ ảnh tư liệu mang chủ đề “Trở về Trung thu xưa”. Với gần 80 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, triển lãm sẽ giúp cho công chúng tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung, không khí Tết Trung thu rộn ràng trên phố phường Hà Nội xưa. Tại đây, còn có không gian sắp đặt vui Tết Trung thu cho trẻ qua các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống.

Tại ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây sẽ tái hiện không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu xưa, giới thiệu tục phá cỗ, trông trăng, hướng dẫn làm bánh Trung thu…; tại đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào tổ chức sắp đặt không gian Tết Trung thu, giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay; còn ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm có biểu diễn rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào lúc 20 giờ ngày 28/9.

Tết Trung Thu 2023 nhiều khám phá và trải nghiệm mới - ảnh 1
Các loại đèn Trung thu tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Theo bà Lan, nhiều hoạt động trải nghiệm, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cũng đồng thời được Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội duy trì, phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công đến từ các làng nghề lân cận Hà Nội tổ chức tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội như: Trải nghiệm làm con giống bột với “Lớp học Tò he” cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu đến từ làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội; làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đến từ xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội; các không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống: Mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn.

Ngoài ra, ở không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ có trưng bày, trình diễn, giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu, hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian, trình diễn thời trang trẻ em, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi.

Muôn sắc màu Tết Trung thu

Trong mùa Trung thu năm nay, hàng loạt sự kiện được tổ chức rộn ràng ở khắp nơi. Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung thu 2023 được tổ chức trong 2 ngày 23-24/9 với nhiều hoạt động trình diễn mâm cỗ Trung thu; thử múa lân; làm đồ chơi dân gian: ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy; đèn Trung thu: Đèn kéo quân, ông sao, con thỏ, con tôm, con công, ông sư, mặt nạ giấy bồi, diều rô, tò he, hoa quả bột, phỗng đất, đồ chơi bằng lá, mâm ngũ quả, con giống đất. Chơi trò chơi dân gian: Kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống, ném lon, nhảy dây thừng, nhảy dây chun; rồng rắn lên mây, gánh lúa qua cầu, đi cà kheo, người đi săn và đàn vịt trời...

Tết Trung Thu 2023 nhiều khám phá và trải nghiệm mới - ảnh 2
Mâm cỗ Tết Trung thu trên phố cổ.

Tết Trung thu, tại Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cũng là điểm đến thu hút. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ Hà Nội, Thanh Oai ( Hà Nội); Báo Đáp (Nam Định); Đông Hồ (Bắc Ninh)… phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ các nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán…

Đặc biệt, tại đây sẽ tổ chức tour đêm đặc biệt “Đèn Thu lung linh” vào các tối 27, 28, 29/9/2023 với các hoạt động đặc sắc: Tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền; thưởng thức nghệ thuật múa sư tử; khám phá nhà trưng bày 1.000 năm và báu vật Hoàng Cung; trải nghiệm làm sản phẩm tương tác: Tự tay làm bánh dẻo, đèn ông sao, vẽ mặt nạ giấy bồi, tô tượng, tô mâm ngũ quả trung thu bằng gỗ, làm diều giấy, làm quạt...

Tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2, Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội từ 27-29/9 tổ chức không gian trưng bày ngoài trời với các loại đồ chơi Trung thu truyền thống: Đầu lân sư, mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con giống, trống ếch… đến đây các em còn được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm làm đồ chơi Tết Trung thu, trải nghiệm kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, xiếc…

Tết Trung Thu 2023 nhiều khám phá và trải nghiệm mới - ảnh 3
Trải nghiệm làm đèn kéo quân ở Bảo tàng Dân tộc học.

Đón Tết Trung thu năm 2023, không thể không đến di tích Hồ Văn thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội: Tại đây tổ chức chuỗi các hoạt động Ký ức mùa trăng năm 2023 với chủ đề: “Lý Ngư vọng Nguyệt”. Đây là lần đầu tiên chuỗi sự kiện tương tác, trải nghiệm giáo dục di sản “Ký ức mùa trăng” tổ chức nhiều hoạt động kéo dài từ ngày 23/9 đến 1/10/2023.

Chuỗi hoạt động gồm 5 sự kiện, nổi bật nhất là trải nghiệm “Cá chép vượt vũ môn” với nhiều hoạt động tranh tài, mỗi người thắng cuộc sẽ là những “cá chép vượt vũ môn” trên con đường học vấn và sự nghiệp. Bên cạnh đó còn các hoạt động: Trò chơi thắp sáng ước mơ tri thức; giao lưu ảnh với chủ đề: “Tôi yêu Hồ Văn”; Hội sách khởi động các hoạt động của không gian văn hóa đọc và học tại Hồ Văn với thông điệp “Nhân tri thức, tích tinh hoa”; chuỗi hoạt động tương tác trải nghiệm giáo dục di sản chủ đề Trung thu dành cho đối tượng mầm non, học sinh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

(PNTĐ) - Marwa Al-Mamari, một kỹ sư hàng không vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), không chỉ đạt được thành tựu cá nhân đáng nể mà còn đang nỗ lực truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ trong khu vực theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM).
Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

(PNTĐ) - Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết tới là nơi duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thương hiệu của làng nghề ngày càng được khẳng định.
Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

(PNTĐ) - Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội chuyển biến ngày một phức tạp là một thách thức cần có những giải pháp tổng thể.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

(PNTĐ) - Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng phát triển cả về lượng và chất, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Những thành quả ấy đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, cho thấy sự đúng đắn trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.