Tết vui hơn nhờ chi tiêu khoa học, hiệu quả!

HỒNG NHUNG (GHI)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời buổi vật giá leo thang như hiện nay cùng với tình trạng suy thoái kinh tế khiến nhiều người cảm thấy lo lắng khi tất bật với hàng trăm thứ cần phải sắm sửa trong dịp Tết đến, xuân về.

Độc giả Báo Phụ nữ Thủ đô đã có những chia sẻ về kinh nghiệm đón Tết tiết kiệm vẫn an vui của mình năm qua và chuẩn bị cho Tết năm nay.

Bà Nguyễn Thị Tình, huyện Thường Tín, Hà Nội: Tết gọn nhẹ, không mê tín

Vợ chồng tôi có ba con trai, đã lập gia đình. Gia đình con trai đầu và con trai thứ hai ở gần với bố mẹ, còn vợ chồng con trai út đang sống và công tác ở nội thành. Năm nào cũng vậy, Tết đến, vợ chồng con trai út về ăn Tết cùng chúng tôi ở quê, không khí vô cùng đầm ấm, vui vẻ.

Trước đây, Tết của gia đình tôi cũng giống như nhiều gia đình khác trong vùng, đều tổ chức khá dềnh dàng. Trước Tết 3-4 tháng, chúng tôi góp mua chung 1 con lợn rồi chăm nuôi đợi đến 26-27 Tết tổ chức làm thịt, chuẩn bị đồ ăn cho mấy ngày Tết. Khi đã có thịt lợn thì các gia đình lại tổ chức gói, nấu bánh chưng, đi chợ Tết mua sắm đào, cây cảnh…

Chợ Tết lúc nào cũng tấp nập, rộn ràng, trẻ con háo hức nhận quà Tết từ bố mẹ, ông bà, quây quần nấu bánh chưng để được hưởng một chiếc bánh nhỏ từ gạo và thịt thừa lại.

Tết vui hơn nhờ chi tiêu khoa học, hiệu quả! - ảnh 1
Chị Hoàng Thị Thanh Hương

Đó là trước đây, còn ngày nay, đồ ăn, quần áo không còn thiếu thốn như trước. Ngày bình thường cũng có kẹo, thịt, có bánh chưng để ăn, quần áo thì cứ đổi mùa lại có đồ mới. Mấy năm trước, chúng tôi vẫn gói nhiều bánh chưng hay mua nhiều thực phẩm tích trữ trong nhà nhưng không ăn hết, dư thừa nhiều, rất lãng phí.

Chính vì vậy, mấy năm nay, chúng tôi không còn sắm sửa nhiều khi Tết đến nữa. Các mặt hàng cần thiết vẫn phải có như đồ khô, 1 ít miến dong, một số thực phẩm chế biến món ăn truyền thống… nhưng đều mua với số lượng vừa phải. Chúng tôi vẫn gói bánh chưng nhưng chỉ chia cho mỗi nhà 2-3 cái để thắp hương Tết.

Rau thì đã có sẵn ở ngoài vườn. Mâm cỗ cũng gọn gàng, không quá nhiều món. Con dâu cả còn làm mâm cỗ chay vừa nhẹ nhàng, tiết kiệm… ngoài ra, tôi cũng khuyến khích các con không nên quá mê tín, đốt vàng mã chỉ vừa đủ, không nên mua nhiều đốt nhiều gây nguy cơ cháy nổ. Quan trọng là Tết gọn gàng, vui vẻ, mọi người đều có thời gian để vui chơi…

Chị Hoàng Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Mục tiêu của Tết là vui vẻ, tiết kiệm và đầm ấm

Tết đến không chỉ là niềm vui mà còn là nỗi lo của rất nhiều gia đình về vật chất, tinh thần và chi tiêu. Nhất là năm 2023, kinh tế suy thoái, nhiều gia đình cũng gặp khó khăn trong các khoản chi đón tết. Với gia đình tôi, năm nay, chúng tôi có chủ trương Tết “có gì dùng nấy”, tiết kiệm tối đa. Mục tiêu Tết của chúng tôi là không xa hoa, lãng phí mà vui vẻ, tiết kiệm và đầm ấm.

Trong đó, việc sắm sửa biếu Tết hai bên nội ngoại là quan trọng nhất. Chúng tôi chuẩn bị lễ gà rượu, và chút tiền biếu Tết ông bà hai bên. Về phần gia đình tôi thì tuỳ theo sở thích, cái gì thiết thực thì mới mua. Năm nay, tôi dự tính chi tiêu bằng 70% của năm ngoái. Đồ khô thì khoảng 1 tuần trước Tết mới mua, không tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, chỉ mua đủ cho 3 ngày Tết, sau đó ra chợ, đồ ăn vừa tươi ngon và đổi vị.

Tôi cho rằng, Tết là lúc để nghỉ ngơi, để mọi người sum vầy bên nhau, chia tay năm cũ và đón năm mới trong vui vẻ, hạnh phúc. Chỉ khi mình bớt đi lo toan, thì mình mới dùng tâm thế tốt để đón chào một năm mới thuận lợi, hanh thông.

Tết vui hơn nhờ chi tiêu khoa học, hiệu quả! - ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Hải

Chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên bán hàng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Tết năm nay, gia đình tôi khác nhiều

Chồng tôi là nhân viên văn phòng, tôi bán hàng ở chợ, thu nhập khá bấp bênh. Năm nay, việc buôn bán của tôi khó khăn hơn các năm trước, trong khi đó, tiền điện, tiền học của con và các chi phí khác lại tăng lên. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, tôi đã cắt giảm khá nhiều khoản chi tiêu cho cá nhân như quần áo, mỹ phẩm, giày dép… mà chỉ tập trung tài chính vào các chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Dự tính năm nay, tôi sẽ đến chợ đầu mối để mua đồ để có giá tốt nhất. Các vật dụng trang trí như những miếng liễn, hoa giả, câu đối có thể tái sử dụng để trang trí nhà cửa trong dịp năm mới. Quần áo có thể mặc tiếp những đồ còn mới. Việc quà cáp cũng chỉ gọn nhẹ, đơn giản, chỉ tập trung đi những mối quan hệ cần thiết.

 Chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi, Công ty Đào tạo tư vấn tâm lý Phúc An: Tết trọn an vui nhờ những bí quyết chi tiêu tiết kiệm

Tiết kiệm là lối sống chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp nhu cầu và điều kiện tinh tế gia đình, không bị hoang phí. Thực hành lối sống tiết kiệm được xem như một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt. Cuộc sống luôn có nhiều biến động rủi ro như: Ốm đau, phá sản, thiên tai… nếu không có kế hoạch cho tài chính của mình thì sẽ có lúc, chúng ta sẽ bị rơi vào trạng thái chật vật, khó khăn.

Tết vui hơn nhờ chi tiêu khoa học, hiệu quả! - ảnh 3
Chị Diệp Chi

Tiết kiệm là việc cần làm trong mỗi gia đình, nhất là ở thời điểm lạm phát gia tăng, nền kinh tế đang suy thoái sau đại dịch như hiện nay. Đôi khi chính giai đoạn này lại giúp cho mỗi người rèn luyện được lối sống tối giản, chi tiêu tiết kiệm mà vẫn hạnh phúc, vui vẻ, bởi cuộc sống vốn không phải định đoạt bởi vật chất hay góc nhìn của người ngoài, mà quan trọng đó là sự bình an nội tại và hài lòng với cuộc sống của chính mình.

Hàng ngày, để tiết kiệm và chi tiêu khoa học, các gia đình cần cân đối chi tiêu dưới hoặc trong mức thu nhập để có thể dành dụm được một khoản nhỏ phòng khi bất trắc; luôn có kế hoạch chi tiêu cụ thể và bắt đầu bằng việc lập kế hoạch hàng ngày, hàng tháng; loại bỏ bớt những khoản không cần thiết và đang lãng phí cho gia đình; thay đổi thói quen mua sắn, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết và tập rèn luyện lối sống tối giản; chi tiêu có mục đích…

Đặc biệt, trong dịp Tết, nhiều người thường có tâm lý “thừa còn hơn thiếu” nên thường mua sắm kiểu tích trữ. Do đó, để vừa tiết kiệm được tiền bạc vừa có những ngày Tết trọn vẹn và đủ đầy nhất, bạn nên lập ra chi tiết danh sách các thứ cần mua với số lượng vừa đủ, ưu tiên mua những thứ thật sự quan trọng và cần thiết để tránh bị “thâm hụt” ngân sách và sẽ giảm thiểu thời gian cho việc đi mua sắm. Bên cạnh đó, càng gần Tết thì giá cả thị trường càng tăng, nên có thể cân nhắc thời điểm sắm tết hợp lý.

Ngoài ra, các gia đình có thể tự làm thực phẩm ngày Tết để tiết kiệm nguồn chi tiêu. Các loại thực phẩm như mứt, bánh kẹo… đều là những thứ mà bạn có thể làm được mà lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Việc tự tay vào bếp nấu một số món ăn đơn giản cho gia đình thay vì mua đồ ăn bên ngoài không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc mà còn giúp chúng ta có thể ước lượng được lượng thực phẩm vừa đủ với nhu cầu trong nhà, từ đó hạn chế được các tình trạng bị dư thừa gây lãng phí…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.