Tháng 3 mưa bụi - hoa sưa
Cứ mỗi độ xuân về, cùng với mưa bụi, hoa sưa phủ trắng trời Hà Nội mang đến cảm giác lâng lâng, lãng mạn cho những ai thả bước trên những con phố Hà thành.
Nếu nhà văn Băng Sơn ví hoa sưa tựa hồn một cô gái ngàn xưa kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ xuân về lại nhớ tình lang nên hiện ra mơ hồ, thoáng ít ngày ngắn ngủi lại bay về hư ảo “Nói những lời im, bay tà áo mỏng, tung tóc vào trời mưa phấn, phô cái gáy nõn nà mây trắng phất phơ đôi sợi tóc mềm lả lướt nắng bạc hiếm hoi… để ngẩn ngơ những ai yêu Hà Nội, yêu đến bứt rứt một kiếp người…” thì nhà thơ Nguyễn Đình Huân lại ví hoa sưa như những đám mây, nhuộm trắng Thăng Long trong mưa phùn và cái lạnh se se để tâm hồn chàng trai Hà thành lang thang trong nỗi nhớ người thương: “Anh âm thầm quay về nơi phố vắng/ Hà Nội mùa này nhuộm trắng hoa sưa/ Cái lạnh se se phố lất phất mưa/ Sắp hết tháng ba vẫn chưa vào hạ/ Những giọt mưa xuân xuyên qua kẽ lá/ Hoa sưa từng chùm trắng xóa như mây/ Phố cổ chiều buông ướt đẫm hàng cây/ Anh lang thang lòng chứa đầy tâm sự/ Nhớ về em nhớ hoa sưa ngày cũ/ Trời mưa phùn cây ủ rũ buồn ghê/ Nơi góc phố xưa có quán café/ Mình bên nhau hẹn thề say đắm…”.
Hoa sưa từ lâu đã trở thành một biểu tượng riêng, thầm lặng của đất Thủ đô và đi vào tâm thức của thế hệ cha ông nơi đây.
Ảnh minh họa
Hoa sưa chỉ xuất hiện vào mùa xuân, ngay độ Giêng- Hai, chừng vào cuối tháng 2 và kéo dài hết tháng 3 dương lịch. Hoa sưa mang một màu trắng tinh khiết, từng chùm kết lại phủ trắng trên cành cây, tạo ra trên khoảng không những vòm hoa lớn tựa những đám mây lãng mạn. Hoa có mùi hương thơm dịu nhẹ, khác hẳn mùi hương nồng nàn, âm ấm của hoa sữa - một loài hoa nổi tiếng, được xem là đặc trưng cho các loài hoa của Hà Nội, nở vào dịp cuối thu đầu đông. Hơn 10 năm trở về trước, hoa sưa được biết tới ở những con phố cổ như phố Hàng Dầu, Điện Biên Phủ (gần trước lăng Bác), cổng vườn Bách Thảo, tượng đài Lê Nin trên đường Điện Biên Phủ… Nhưng những năm trở về đây hoa sưa bỗng nhiên được quan tâm đặc biệt, không chỉ trở thành thú chơi, thú săn ảnh của đông đảo giới trẻ, khách du lịch mà còn là nguồn gỗ quý hiếm khiến những kẻ săn tìm cây sưa tìm mọi cách chặt trộm: nếu không đốn được cả cây thì sẽ… chặt trộm cành khiến Hà Nội phải làm những hàng rào dây thép gai hay khung bảo vệ kèm hàng loạt camera theo dõi. Bởi vậy, những cây sưa cổ thụ lâu ngày im lìm trong công viên Lê Nin bên hồ Bảy Mẫu thơ mộng hay những cây sưa già ở vườn Bách Thảo cũng được dân tình lần mò ra và được bảo vệ hết sức kiên cố.
Cây sưa vì sao bị săn lùng bởi “sưa tặc” và ở thời điểm này nó không còn là loài cây “độc quyền” của Hà thành nữa? Bởi cây sưa từ rất lâu đã là cây gỗ tốt, có mùi hương tựa trầm hương và được xem là loại dược liệu tốt từng được vua chúa Trung Hoa lùng tìm để đóng đồ nội thất hoặc đóng quan tài ướp xác. Nhưng nó còn bị gọi là… cây trắc thối vì gỗ cây để tự nhiên thì thơm nhưng khi đốt lên thì có mùi khó chịu. Ngoài tên gọi cây sưa, trắc thối, nó còn có tên là hoàng đàn hay huỳnh đàn. Vì đặc điểm quý hiếm và giá thành đắt đỏ nên người dân Việt Nam ở một số nơi như Bắc Ninh, Quảng Ngãi (Nghệ An) và một số nơi khác đã phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cây sưa, thậm chí ngay trong vườn nhà, trên lối đi cũng trồng cây sưa thay cho các loài cây khác. Với loài hoa trắng thơm, đẹp vào mùa xuân, lá xanh mướt vào mùa hạ, thân gỗ có giá trị nên cây sưa được nhiều nơi chọn làm cây xanh đô thị, tô điểm cho phố phường và được bảo vệ kĩ lưỡng.
Trên các trang xã hội, mấy năm về trước các bạn trẻ yêu loài hoa này đã ví hoa sưa Hà Nội như hoa anh đào của Nhật Bản và lập ra các nhóm bầu chọn hoa sưa làm loài hoa đặc trưng cho mùa xuân phố cổ Hà thành với lễ hội xuống phố mùa mưa bụi cùng với hoa ban trắng - hoa ban tím. Nhưng có vẻ như ở thời điểm đó hoa sưa còn ít và các nhóm bầu chọn chỉ mang tính hứng khởi nhất thời nên giờ đây hoa sưa vẫn chỉ là loài hoa được yêu mến, được biết tới nhiều hơn trước nhưng vẫn đang còn âm thầm trên các vòm lá…
THỤC NHI