Tháng Giêng

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Bánh xe của tháng Chạp
Lăn qua mỗi ngày gầy
Tháng Giêng về thêu cỏ
Sợi mưa phùn lay phay

Màu chín những trái cam
Ấm dần sang câu đối
Trời đất lại bén duyên
Mùa xuân lo dạm hỏi

Mẹ vẫn nhắc đến em
Ngày thăm quê vất vả
Anh lặng lẽ ra vào
Để giàn trầu thêm lá

                       1/1996

                 Hữu Thỉnh

Tháng Giêng - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH:
Tháng Giêng của nhà thơ Hữu Thỉnh đem đến cho người đọc không gian quê mùa, tâm thế của thôn dân và… cả chuyện tình duyên với một nàng thôn nữ nữa. Nhưng thôi, hãy đọc tuần tự từ thiên nhiên đến con người để xem tháng non tơ nhất trong năm màu nhiệm đến thế nào:

Bánh xe của tháng Chạp
Lăn qua mỗi ngày gầy
Tháng Giêng về thêu cỏ
Sợi mưa phùn lay phay

Một khổ thơ, có hai tháng với sự giao thoa, với ranh giới thời gian năm cũ (tháng Chạp), và năm mới (tháng Giêng) được tạo ra hai hình ảnh đầy ý nghĩa: bánh xe thời gian và tấm thảm cỏ xuân xanh non được thêu bằng muôn vàn sợi mưa phùn. Hai biểu tượng ấy vừa khép lại vừa mở ra một sự biến chuyển mới của đất trời và sự bất chợt của lòng người.

Và, khi ta đọc tiếp:
Màu chín những trái cam
Ấm dần sang câu đối
Trời đất lại bén duyên
Mùa xuân lo dạm hỏi

Thế đấy, cái tài của nhà thơ Hữu Thỉnh là ông luôn duy trì hai mạch cảm xúc: Vừa dẫn dắt thiên nhiên từ ngày gầy đến cỏ được “dệt” mới xanh non, rồi trái chin, rồi “trời đất lại bén duyên” và đến khi tình cảm cũng vào độ chín thì bắt đầu hé lộ chuyện “dạm hỏi”. Mới đọc, ai cũng mong, ai cũng chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ đến nhưng hóa ra, đấy vẫn chỉ là thiên nhiên chứ chuyện con người thì còn xa xôi lắm. Ông viết một khổ kết cho bài thơ như thế này:

Mẹ vẫn nhắc đến em
Ngày thăm quê vất vả
Anh lặng lẽ ra vào
Để giàn trầu thêm lá

Tháng Giêng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một khổ thơ nhưng đầy đủ, gợi nhiều liên tưởng tựa như một bài thơ xinh xắn, gọn ghẽ. Người con gái xa quê, nghe mẹ kể về những lần về thăm. Còn anh thì cứ như thế, chung thủy, kiên nhẫn để “giàn trầu thêm lá”. Đấy là cách nói ý tứ bóng gió của người quê hay là chỗ dựa niềm tin, là hy vọng của anh chăng? Nhưng ngẫm ra, chỉ có mẹ nhắc chứ đâu thấy cô ấy nói gì, nhắn nhủ gì? Anh thì cứ  “lặng lẽ ra vào” mình anh biết, mình anh thầm hứa với lòng mình chứ đâu có tín hiệu vui nào trong cuộc tình duyên này.

Tháng Giêng vừa khấp khởi hy vọng, vừa xa xôi lo âu thế đó. Có chút gì nhang nhác nhưng lại khác biệt so với tâm trạng cô thôn nữ trong Mưa xuân của thi sĩ Nguyễn Bính… Một đằng là cô gái, một đằng là chàng trai của hai đầu thế kỷ.

Trong văn  học Việt có biết bao bài thơ tháng Giêng. Tháng Giêng bao giờ cũng gợi nhớ quê nhà, gợi ký ức về một thuở thanh xuân với những mong ước, hy vọng vả cả những mòn mỏi, ngóng chờ. Tháng Giêng của nhà thơ Hữu Thỉnh nhẹ nhàng với những: “lay phay”, (Ấm)“dần”; “vẫn nhắc”, “lặng lẽ”… một hệ thống tín hiệu đủ để gắn kết các khổ thơ, đủ nói lên sự suy đoán mong manh của con người. 

Hình như bao giờ cũng thế, tháng Giêng về trong sự mỏng mảnh, vi lượng nhưng rất thiết tha trong tâm hồn của những người đang yêu…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.