Thắp lại lửa lòng đã nguội

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Rất nhiều lần, bà Tuyết dừng đôi đũa đang nhanh thoăn thoắt xào nấu trên bếp, chỉ để ngó ra ngoài sân và ngắm mãi cảnh ông Ninh đang chơi đùa cùng đàn cháu nội, ngoại. Vừa ngắm, trong thâm tâm bà lại vọng về câu hỏi, mà tựa như ước ao: “Cứ thế này thôi có được không?”

Đôi vợ chồng già cuối cùng đều đã về hưu. Bà Tuyết nghỉ hưu trước ông Ninh tận 10 năm, và với bà, 10 năm ấy là cả một chặng đường đau khổ. Ngày nhận quyết định nghỉ hưu, bà Tuyết từng nghĩ, thế là từ giờ mình đã có thế thoải mái dành toàn bộ thời gian bên gia đình, làm những điều mà trước đây vì bận rộn công việc chưa thể toàn tâm toàn ý cho chồng con được. Bà đã nghĩ ra trong đầu rất nhiều kế hoạch, sẽ cùng chồng đi một chuyến du lịch ngắn ngày nào đó, sẽ cùng con gái, con trai nấu nướng, mua sắm thật thảnh thơi. Bà sẽ trang hoàng, sửa sang lại nhà cửa cho đẹp mắt, ấm áp hơn. Sẽ rất nhiều, nếu không có một cú sốc chen ngang: Ông Ninh ngoại tình.

Đau đớn ở chỗ, bà Tuyết vừa không phải là người biết đầu tiên, nhưng lại là người cuối cùng chấp nhận sự thật ấy. Bà không thể quên những ngày mà điều tiếng xáo trộn cuộc sống gia đình bà. Bỗng chốc, bà ra chợ, từ người bán tới người mua nhìn bà, bàn tán về bà nhiều hơn. Bỗng nhiên, trong những buổi tụ tập của hội chị em cùng khu phố, bà thấy có những ánh nhìn ái ngại về hướng bà. Và rồi có ngày bà cũng biết, người phụ nữ đó nhà ở gần cơ quan chồng bà. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ông Ninh sa vào lưới tình lúc nào chẳng hay, rồi nằm gọn trong đó, không muốn, hay không cần thoát ra nữa.

Thắp lại lửa lòng đã nguội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chuyện ông Ninh cặp bồ đến tai bà Tuyết rất nhiều. Hầu như bà liên tục được nghe những tình tiết mới. Nào là ông Ninh toàn tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi gặp cô bồ, hoặc có lần ông bảo bà đi học lái xe ở xa, tối phải ngủ lại kẻo vòng về thì mất công, thì là ông nói dối đấy. Chẳng có học lái xe gì cả, ông ở lại chỗ cô bồ đấy thôi… Bà Tuyết nghe được hết, biết đấy, cảm nhận được đấy nhưng bà cứ cố đinh ninh, cố bắt bản thân phải tin rằng chồng mình không phải là thứ người vô đạo đức ấy. Nhưng rồi chuyện nó cứ xảy ra, đập vào mắt, vào tai bà, chướng lắm không tài nào chịu được. Bà đành đau đớn mà hỏi ông, rồi như thắt hết ruột gan khi ông thừa nhận. Ông Ninh thẳng thừng rằng, “bà chịu được thì chịu”. Ý rằng có muốn ly hôn thì ông cũng thuận tình.

Nhưng cả đời chỉ biết đến chồng, con, làm sao bà Tuyết bỏ chồng, bỏ cái tổ ấm mà bà trân trọng biết bao này được. Kể cả khi cô bồ kia táo tợn đến tận nhà ông bà để đòi… vị trí, danh phận, bà cũng chỉ biết… tuyệt vọng. Ngay đêm hôm ấy, bà dựng cả nhà dậy. Lần đầu tiên trong đời, ông Ninh và hai đứa con thấy vợ, mẹ mình gào khóc đầy đắng cay và oan ức. Bà thét lên với ông, “trước mặt hai đứa con, ông nói đi, vì sao ông phản bội?”.

 Ông Ninh cứ ngồi thừ ra đấy như thách thức bà. Bà xuống bếp, cầm lên một con dao, “ông không nói thì tôi tự tử cho ông xem”. Trong khi hai đứa con hết lời khuyên mẹ bình tĩnh, thì ông Ninh lại tỏ vẻ lạnh lùng, rồi ông bảo vợ mình: “Bà muốn la to lên cho cả phố này nó biết à?”. Thế đấy, người chồng cặp bồ, người vợ kêu khổ thì lại bị nói là làm xấu mặt chồng. Bà Tuyết bất lực và nín lại, bà bỏ con dao xuống, rồi rũ người ra, bà có cảm giác như bị vắt kiệt sức.

Thắp lại lửa lòng đã nguội - ảnh 2
Ảnh minh họa

10 năm ấy, bà Tuyết thấy mình như thể sống không còn là mình nữa. Vì đã về hưu, nên bà không biết làm gì để vơi đi nỗi buồn bị chồng hắt hủi. Ngược lại, ông Ninh vẫn ngang nhiên cái thói lăng nhăng, vẫn đi đi về về với cô bồ một cách công khai, không hề biết ngại ngùng với con cháu. Căn nhà của họ bệ rạc, vì người phụ nữ trong nhà rệu rã, còn người đàn ông thì không còn thiết tha chăm nom. Hai đứa con vì cảnh ấy mà cũng ít ăn cơm ở nhà, cuối tuần còn kiếm cớ để đi đâu đó.

Cảnh ấy cứ tiếp diễn cho đến khi hai con của ông Ninh, bà Tuyết cưới vợ, cưới chồng, sinh cháu cho ông bà. Bà Tuyết coi việc chăm cháu là cái phao cứu sinh cho cuộc đời buồn lê thê của mình. Thậm chí bà đã nghĩ nhiều hơn tới việc ly hôn, để giải thoát cho cả hai ông bà. Chịu đựng nhau thế là đủ. Ấy vậy mà cái suy nghĩ ấy của bà đã bị lung lay, và nó cứ lung lay mãi khiến bà khó quyết định. Đó là khi bà nhìn thấy ông Ninh chơi đùa cùng những đứa cháu.

Cả đời làm nghề giáo, bà Tuyết chứng kiến nhiều cảnh các ông nội, ông ngoại đến trường đón cháu sau giờ tan học. Âu yếm có, nghiêm khắc có, nhưng bà chưa từng thấy thứ tình cảm nào chứa chan như cách ông Ninh dành cho các cháu của mình. Ông dậy sớm, tranh bế cháu, cho cháu ăn để các con đi làm. Cháu đi học, ông nhanh nhanh chóng chóng thu xếp công việc để về đón cháu. Khi về hưu, mỗi buổi chiều, cứ gần tới giờ đón cháu là ông nhấp nhổm, toàn đi sớm trước giờ tan cả tiếng. Mấy ông cháu cứ rổn rảng chuyện trò, chơi đùa rất vui. Lắm lúc, những niềm vui ấy lan sang bà Tuyết, như một hơi ấm làm dịu đi cái lạnh lẽo trong tâm hồn bà.

Thắp lại lửa lòng đã nguội - ảnh 3
Ảnh minh họa

Những đứa cháu cũng làm hai ông bà xích lại gần nhau. Đó là khi họ kể cho nhau nghe về các cháu, hôm nay đứa này ở lớp ngoan thế nào, đứa kia tập đánh vần buồn cười ra sao… Rồi cùng nhau cười khi các con gửi ảnh các cháu qua điện thoại. Có lúc ông bà còn cùng mắng mấy đứa con, khi để cho cháu ốm. Khung cảnh quen thuộc mỗi cuối tuần là khi ông bà hỏi các cháu thích ăn gì, là sẵn sàng lên xe đi chợ mua đồ, rồi cùng nhau vào bếp nấu cho các con, các cháu, cùng nhìn chúng ăn.

Giống như cái cảnh bà Tuyết dừng đũa nấu để ngắm mấy ông cháu nô đùa. Những lúc ấy, bà thấy bình yên lắm. Mấy đứa cháu như liều thuốc chữa lành cho bà vậy. Nghĩ về cháu, lo lắng cho cháu, và nhìn thấy chồng mình yêu thương cháu, khiến bà thấy nhẹ nhàng hơn, thứ tổn thương lâu nay chịu đựng cũng dịu đi nhiều.

Và cũng bởi thế mà bà càng thêm phân vân chuyện có nên ly hôn hay không. Bởi nỗi đau vẫn còn đó, nó chỉ được xoa dịu đi chứ nó vẫn hiển hiện và sẽ có lúc nó bất ngờ đau đớn, bất ngờ làm mình ngã gục. Người đàn bà cả đời chỉ biết hiến dâng cho chồng con khó có thể quên cái cảm giác bị chồng phản bội, chà đạp lên sự hiến dâng cao cả kia. Nhưng hiện thực đẹp tươi bên những đứa cháu cũng làm bà muốn thắp lại lửa lòng, muốn vùi cái suy nghĩ ly hôn kia thật sâu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.