Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - Anh nằm xuống nhưng lửa thì vẫn cháy

Chia sẻ

Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ đi qua cuộc chiến tranh. Trong cả thơ và chính cuộc sống của anh ít nhiều phảng phất chút gì đó ở “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh; “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Đó là sự “lệch pha” nào đó với thực tại trong cuộc trở về. Sau này tôi được biết, anh học K15 khoa Văn của chúng tôi (khi đó còn là Đại học Tổng hợp), nhưng sau ngày giải phóng miền Nam trở về, có những đàn em khóa sau đã thành thày giáo dạy anh. Anh trở lại chỗ ngồi nơi giảng đường với chiếc điếu cày và muôn vàn cật vật, suy tư về kiếp người sau cuộc chiến tranh. Và có lẽ từ giây phút ấy, cuộc đời anh đóng đinh vào thơ, vào một tâm thế hừng hực, bùng cháy, ngang tàng, ngạo nghễ rất sinh viên, anh mãi là nhà thơ sinh viên như thế:

Đốm đèn đường khi tắt
Lụi dần trong thiêng liêng
Tình yêu mình đánh mất
Thôi ta làm anh em
(Vé trở về - trong tập: Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, 2007)

Nhà thơ Hoàng Nhuận CầmNhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Năm 2001, chúng tôi được đón anh đến nói chuyện khi đã thuộc làu các bài thơ của anh được công bố. Kết thúc đêm giao lưu, Nguyễn Quang Hưng, Trần Trọng Dương và tôi có mời anh về ngồi ở một quán ăn đêm khu chợ Xanh (Nhân Chính-Thanh Xuân). Anh thích món tiết bò luộc, hành trần và bia hơi. Anh bảo ăn uống thế cho mát. Tôi có một sở thích khá kì lạ là muốn hiểu được phía sau của một cái tên nên ngồi lặng lẽ quan sát mọi cử chỉ của anh và nghe anh đọc thơ. Hóa ra, anh có những câu thơ lẻ ít người nhắc đến. Thực ra thi sĩ nào cũng có những câu thơ lẻ, hoặc là kết quả của sự dở dang không thành bài, hoặc nó được bật ra giữa những va đập nhưng hay và thật ngậm ngùi. Tôi còn nhớ một câu thơ mà anh đọc: “Tình yêu chớp bể mưa nguồn/ Em châu chấu đá, anh chuồn chuồn bay”. Nhìn anh gầy, khắc khổ nhưng giọng nói thì khí thế, hào hùng, đọc thơ to như quát nhưng rồi bỗng lặng đi. Năm đó anh 50 tuổi ta, ở cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, anh đang là “bác sĩ hoa súng” ở chương trình Gặp nhau cuối tuần, đang làm nhiều kịch bản phim, hẳn là một nhân vật được trọng vọng. Nhưng, anh là con người của sự đơn giản, chẳng có gì găm lại để hiểm hóc, cầu kì, mọi thứ đều tuôn ra bằng những câu thơ không bao giờ uể oải, ưu phiền. Như người lính thời chiến chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, như chàng sinh viên sau chiến tranh dám ném đồng tiền cuối cùng vào hàng sách cũ, anh liều lĩnh với thơ bằng mọi cảm xúc. Người ta yêu thơ Hoàng Cầm - người giữ lửa cho bao thế hệ bằng những bài thơ 8 chữ quyết liệt như thế:
Nhưng chính anh không hay số phận lại điệp trùng
Khi mở mắt Mỵ Châu em ngồi đó
Toa thứ ba ôm cặp ai nức nở
Suốt đời anh mang tội với con tàu
                                         (Viên xúc xắc mùa thu)

Và những:

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
                                            (Chiếc lá đầu tiên)

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi
               (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)

Có lẽ khi đã biết thời gian là thứ sớm muộn cũng sẽ tuột khỏi tay, dẫu được bao thế hệ sinh viên yêu quý gọi bằng anh mãi (Xin đa tạ rất nhiều em gái/ Cho mấy lần tôi được làm anh - Tốt hơn - đừng chết) thì người thơ cũng phải già đi. Anh trở về đối diện với tất cả thực tại mưu sinh, hôn nhân, bệnh tật bằng sự ngạo nghễ, bình thản đến kì lạ. Buồn, mất mát, nỗi đau, già nua và cả cái chết với anh rồi cũng chẳng là gì:

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Nghĩa trang mang tên xóm bụi đời
Giấu mẹ nhé không thì mẹ mắng
Nếu còn tiền mua rượu cho tôi
                            (Tốt hơn - đừng chết)

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm (giữa)Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm (giữa)

Sau này, qua người bạn học Đỗ Anh Vũ, tôi lại được nghe giọng anh vang lên trên sóng radio trong các chương trình thơ. Đọc một status mà Vũ viết sau khi anh mất mới biết anh sống trong cô đơn lặng lẽ, tằn tiện và tha thiết. Con người ấy dễ sống, chịu khổ nhưng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy cái đích của mình giữa cuộc đời này. Chắc hẳn vì trái tim anh luôn phải rượt đuổi với cảm xúc của anh bằng nhịp sống nhanh gấp, chất lượng và ngạo nghễ nên đã mệt. Hoàng Nhuận Cầm chơi với thơ đến cùng, anh đãi đằng bạn bè, phố xá, chiến trường xưa, và người đọc… cũng bằng thơ ca, tuyên chiến với cả nỗi buồn và cái chết:

Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết
Vì Tình Yêu Cuộc Sống tràn đầy
Nếu phải chết cho tôi xin được chọn
Cái chết nào
Lập tức
Phục Sinh ngay!
                                                    (Thơ phục sinh)

Cho đến cuối cùng vẫn là dứt khoát ẩn chứa khát vọng yếu đuối trong thơ và đời Hoàng Nhuận Cầm. Sự yếu đuối của lòng ham sống, dám sống và tha thiết. Phàm là con người, đều có một cái bến để dừng lại, để ra đi. Nếu coi cuộc đời là cõi tạm thì anh đã đến lúc như đàn chim bắt đầu cuộc thiên di của mình, khi tâm hồn đã cất cánh, chỉ có trời xanh và mây trắng chứng giám. Đâu đó, trong một quán vắng, nơi ngõ nhỏ, vẳng tai nghe vẫn tiếng điếu cày khói thuốc lào ai đó hút vẫn vấn vít phố dài ngỡ từ lồng ngực của anh. Trái bàng đêm sân trường vẫn rụng, những mối tình tuổi hai mươi mong manh vẫn hợp mà tan bên dòng đời vội vã.

Chiều nay, trên phố, có những người đi xe máy cà tàng tạt vào chợ mua dăm bìa đậu phụ, mấy quả cà chua, gói mì tôm… bóng dáng nhà thơ những ngày trước đây đều có mặt trong tất cả những tất bật, âu lo của chúng ta. Anh đã sống một đời tận hiến, tận trung với đời thường như thế đó, để hôm qua, thơ đã như đôi cánh đưa anh tự tại và an nhiên về miền cực lạc. Và giờ đây trong vô cùng tiếc nuối, chúng ta lại đọc thơ anh như một sự phục sinh như ngọn lửa trường tồn. Anh đã nằm xuống, nhưng lửa của tuổi trẻ, của thơ và tình yêu thì vẫn cháy…

“Em thấy không tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ”…

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.