THIỆT THÒI DO THIẾU KIẾN THỨC PHÁP LUẬT

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhiều người khi kết hôn cho rằng “quan trọng gì cái tờ giấy đăng ký, quan trọng là tình yêu thương và mong muốn được ở với nhau, chứ khi đã không còn tình cảm, tờ hôn thú cũng không giữ được người ở lại”. Điều này không sai, nhưng không hoàn toàn đúng, nhiều người “sống dở chết dở” với việc chung sống… mà không đăng ký kết hôn.

 Câu chuyện của một phụ nữ ngoài 40 tuổi đến văn phòng tư vấn tâm lý hôn nhân của chúng tôi được chia sẻ sau đây là một minh chứng.

Chị Hà lấy chồng năm 20 tuổi, sau 10 năm chung sống, anh chị có ba đứa con, nhưng chị chưa một ngày hạnh phúc. Chồng chị đẹp trai, cao ráo, ăn nói giỏi, ngoại giao tốt, chịu khó làm ăn, không rượu chè, cờ bạc. Cái bệnh nặng nhất của anh là “ngoại tình kinh niên”. Vợ mang bầu, anh có bạn gái. Ngày vợ sinh con, bố mẹ anh gọi điện báo, anh bảo anh “dở chút việc” và nhờ bố mẹ đưa vợ đi sinh. Sau này chị Hà biết cái “dở chút việc” của chồng là vừa mới đưa bạn gái đi chơi, ăn uống, chưa “làm ăn gì được”. Chồng chị còn dan díu với cả cô em họ, ngày bố chồng cô ấy mất, anh còn hẹn hò, gạ gẫm cô ấy “vui vẻ tí chút”, khi bị cô ấy từ chối với lý do “nhà đang có tang, việc nhiều, làm sao em có tâm trạng để vui vẻ được” thì bị anh mỉa mai rằng “con dâu có hiếu nhỉ, có tang thì phải “nhịn” chuyện đó à, bao nhiêu người nhà có tang, chắc vợ chồng họ cũng kiêng 49 hay 100 ngày?”. Chị Hà đau đớn và thất vọng về người chồng không phân biệt được đâu là lẽ phải, đạo lý, chỉ có dục vọng là phát triển khi chị khám phá ra những tin nhắn hẹn hò với những người phụ nữ khác nhau mà anh chưa kịp xóa hoặc không biết xóa trong điện thoại. Chị làm đơn ly hôn chồng năm 30 tuổi, sau mười năm “chung sống nhục nhã” như lời chị kể. 

THIỆT THÒI DO THIẾU KIẾN THỨC PHÁP LUẬT - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ly hôn xong, chị đưa một đứa con trai út theo mình về ở với bố mẹ đẻ, còn hai đứa, một trai một gái đã lớn, ở với bố và ông bà nội. Vì ngôi nhà đang ở là của bố mẹ chồng, chồng chị hầu như không có tài sản gì, nên tòa chỉ phân xử rằng chồng chị phải “hỗ trợ cho chị kinh phí để ổn định nơi ăn ở sau ly hôn”. 

Sau ly hôn, chị cảm thấy cuộc sống không dễ dàng. Bố mẹ đẻ của chị cũng luôn nhắc chị sai lầm khi quyết định ly hôn, làm ông bà “mất mặt” với mọi người. Chị thì thương và nhớ hai đứa con lớn khi chỉ sống với ông bà nội là chính chứ bố chúng mấy khi ở nhà. Mới có vài tháng mà gặp các con chị không cầm được nước mắt, tóc tai bù xù, áo quần hôi hám, da đen nhẻm. Đã vậy, bố mẹ chồng lại thiết tha xin chị quay về chăm sóc con cho chúng nó có anh có em. Bố mẹ chồng chị bảo kệ chồng chị muốn đi với ai thì tùy, chỉ là ăn vụng, ăn trộm, chứ trong lòng bố mẹ chỉ coi chị Hà là “con dâu duy nhất”. Họ cũng phân tích rằng chị về với các con, nơi ăn chốn ở ổn định, ông bà nội hỗ trợ trông coi con cái cho chị đi làm, thiếu thốn thì ông bà sẽ giúp chút đỉnh bởi cả hai ông bà đều có lương hưu, cũng “cao hơn người khác”. Nghe đôi bên bố mẹ phân tích, cộng với sự trống trải sau ly hôn, rồi tình thương con, khiến chị đã đồng ý dọn về nhà chồng cũ để ổn định cuộc sống “bình thường mới” sau ly hôn.

Điều chị Hà quên là anh chị đã có quyết định ly hôn, về mặt pháp luật, anh chị không còn là vợ chồng, việc chị quay về sống ở nhà chồng cũ, chăm sóc con cái là việc làm “tự nguyện”, chị đương nhiên là mẹ của các con mình, nhưng không còn là vợ của chồng cũ nữa.

THIỆT THÒI DO THIẾU KIẾN THỨC PHÁP LUẬT - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đang bị vợ bỏ, nay vợ lại về, tự nguyện chăm sóc cả gia đình thì chồng cũ của chị Hà đương nhiên là đồng ý và rất vui. Cuộc sống của gia đình lại bắt đầu như cũ, ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt vợ chồng cũng đương nhiên là chung. Anh đi làm, chị cũng đi làm, anh cũng góp tiền ăn cho bản thân và có thừa chút đỉnh coi như là tiền nuôi con. Anh ở nhà là chính, nhưng cái bệnh “vui vẻ ở bên ngoài” vẫn còn nguyên. Ngược lại bây giờ chị Hà chấp nhận, coi như không biết, mặc định rằng mình là vợ, những người phụ nữ khác chỉ là “bồ bịch”, chị tin rằng anh ấy đi chán rồi lại về. Chị cũng theo bạn bè đi buôn bán, môi giới đất đai, nhà cửa, mà giờ đây người ta đã gọi với cái tên hay ho hơn là “tư vấn bất động sản”, nên thu nhập cũng khá hơn trước. Mỗi khi giới thiệu được một mảnh đất, chị cũng được hoa hồng có khi lên tới vài trăm triệu. Chị cũng biết mua xe máy tốt để đi, mua sắm quần áo đẹp, hợp mốt cho xứng với “nghề”. Chị cũng đưa cho chồng tiền để anh sắm sửa, tu bổ nhà cửa, mồ mả tổ tiên. Anh cũng đầu tư với bạn một hiệu cắt tóc, gội đầu, thuê nhân viên để làm trực tiếp, còn anh và bạn chỉ là “ông chủ”. Con cái cũng được chăm sóc, ăn uống học hành tốt hơn. Đứa lớn năm nay cũng đã vào lớp 10, hai đứa nhỏ cũng đang học cấp 2. Bẵng đi, anh chị đã “tái hợp” được ngót 10 năm!
Đùng một cái anh báo sẽ cưới vợ hai, người phụ nữ làm cho anh ở quán cắt tóc, gội đầu, trẻ hơn anh 10 tuổi, cô ấy đã có thai. Anh bảo chị Hà vẫn là “vợ cả”, cứ ở lại nhà chăm sóc con cái, coi giữ nhà cho các con cùng ông bà nội. Cô kia chỉ là “vợ hai”, anh chỉ đi đăng ký kết hôn với cô ấy để đứa con sinh ra được khai sinh có bố mẹ tử tế, không phải con ngoài giá thú. Chị Hà không đồng ý, bảo chị sẽ phá đám và kiện, nhưng anh bảo “mình ly hôn rồi mà”. Chị Hà mang câu chuyện của mình đến hỏi các chuyên viên tư vấn.

Dù biết chị Hà sẽ rất thất vọng, nhưng các chuyên viên tư vấn vẫn phải nhắc lại rằng một đôi vợ chồng đã ly hôn, có quyết định của tòa án, thì khi họ muốn “nối lại tình xưa”, muốn quay về với nhau, cần phải làm thủ tục đăng ký kết hôn lại để có được tờ đăng ký kết hôn mới, còn đám cưới lại hay không, không quan trọng. Khi có đăng ký kết hôn lại, việc chung sống mới hợp pháp, khi có tài sản phát sinh trong thời gian sau này mới là tài sản chung. Trong quá trình chung sống, nếu xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp hay bạo lực, cả hai mới được pháp luật bảo vệ, can thiệp. Thế nên, chị Hà quay về nhà chồng cũ sống thì coi như “ở nhờ” để chăm sóc con cái. Việc chị Hà và chồng nảy sinh quan hệ tình cảm là tự nguyện giữa hai người tự do, không phải là nghĩa vụ vợ chồng. Quyết định ly hôn là giấy tờ hợp lệ để chồng chị Hà (cả chị Hà nữa) làm thủ tục đăng ký kết hôn với người khác. Tiền chị Hà đưa cho chồng mua sắm, coi như “tiền biếu chồng cũ”, dù anh ấy có dùng để mua xe, mua xưởng, kinh doanh, thì tài sản đó là tài sản riêng của anh ấy. Chị Hà không thể ngăn cản chồng cũ lấy vợ hợp pháp, cũng không có gì để tranh chấp.

THIỆT THÒI DO THIẾU KIẾN THỨC PHÁP LUẬT - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chị Hà có hai con đường lựa chọn. Một là chấp nhận 10 năm sống với chồng cũ vừa rồi là sống “gá nghĩa không hôn thú”, nay anh ấy muốn dừng lại để lấy vợ. Chị vẫn có thể ở lại ngôi nhà hiện nay, trông nom con cái và “bố mẹ chồng cũ”, nhưng với tư cách “ở nhờ”, không có quyền sở hữu, người ta có thể mời chị ra đi bất cứ lúc nào. Nếu ngôi nhà hiện nay được bố mẹ chồng và chồng cho các con của chị, căn nhà ấy cần phải được sang tên, đổi chủ mới là con chị, khi ấy chị sẽ ở với con cái đến trọn đời. 

Hai là chị cần “nhìn thẳng vào sự thật” rằng do thiếu hiểu biết pháp luật, nên 10 năm qua chị đã “làm vợ không công” cho chồng cũ. Giờ đến lúc chị phải sống cho mình. Chị có tiền thì mua nhà mang tên mình. Chị không muốn “phục vụ không công” cho gia đình chồng cũ, chị có thể rời đi mà không ai trách chị được. Chị cũng nên dừng việc “quan hệ vợ chồng” với chồng cũ, giờ đã là “chồng người ta”. Giữ gìn sức khỏe, duy trì công việc làm ăn, chăm lo cho con cái và cũng nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Dù thất vọng với chồng cũ cũng không nên kiện cáo, gây sự gì với anh ấy nữa, bởi anh ấy vẫn là bố của các con chị. 

Chị Hà thở dài, nói “em dại quá” và “không ngờ anh ấy lại tệ với em như vậy”.

Yêu nhau, thích nhau là cảm xúc, tình cảm riêng tư, nhưng lấy nhau, kết hôn với nhau là “hiện tượng xã hội”, nên nó phải được công nhận và điều khiển bởi những quy định của pháp luật. Những người phụ nữ hiện đại, bên cạnh tự trọng, tự tin, tự lập, tự quyết, cần trang bị cho mình hành trang kiến thức pháp luật để bảo vệ bản thân và con cái mình. Chị em có thể không cập nhật được kiến thức về luật đất đai, luật doanh nghiệp, nhưng bộ ba “Luật Hôn nhân Gia đình”, “Luật Phòng chống bạo lực gia đình” và “Luật Bình đẳng giới”, chắc chắn chị em cần phải có hiểu và biết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.