Thời đại 4.0 đang “đe dọa” gắn kết gia đình?

Chia sẻ

Cuộc sống hiện đại với nhịp sống gấp gáp, hối hả khiến mỗi thành viên trong các gia đình đều lao vào vòng xoáy của công việc, học tập, vì thế quỹ thời gian dành cho gia đình ngày càng ít đi. Những bữa cơm sum vầy thiếu vắng dần trong các gia đình, nhất là các gia đình trẻ ở thành thị.

Ngày càng vắng những bữa cơm sum vầy

Đã từ rất lâu, gia đình bà Mai Thị Hương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không còn những bữa cơm quây quần giữa các thành viên. Con trai bà làm kinh doanh, còn con dâu làm trong lĩnh vực truyền thông nên cả hai thường về muộn. Hai ông bà tuổi cao thường phải ăn tối trước 19h, các cháu học bán trú cả ngày, chiều tối vội vàng tắm rửa, ăn tạm món ăn nhanh rồi lại đi học thêm. Bà Hương thở dài, ngày xưa gia đình bà còn khó khăn vất vả nhưng bữa cơm nào cũng đông đủ con cháu. Còn bây giờ, kinh tế khá giả hơn, nhưng có khi, cả tuần cả nhà mới có đôi bữa cơm chung đầy đủ thành viên. Một nghịch lý đau lòng là phải đến thời điểm giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, bữa cơm gia đình nhà bà mới trở lại đầy đủ hơn. “Để giữ hạnh phúc gia đình, chất gắn kết không gì bằng chăm lo cái ăn, cái mặc và chia sẻ công việc hằng ngày với nhau. Từ bữa cơm, ông bà, cha mẹ có thể bảo ban con cháu lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử có văn hoá, biết chia sẻ, cảm thông với nhau trong cuộc sống…” – bà Hương nói.

Anh Trần Huy Hoàng (Hà Đông, Hà Nội) là một kiến trúc sư thành đạt. Mới kết hôn được 2 năm, vợ chồng anh Hoàng đã mua đất, xây nhà và chuyển ra ở riêng. Cũng từ đó, vợ chồng anh lao vào làm việc nhiều hơn để sắm sửa trang thiết bị và vật dụng trong nhà sao cho đầy đủ hơn, hiện đại hơn. Anh cho biết, công việc cuốn đi khiến vợ chồng anh ít có cơ hội trò chuyện, chia sẻ. Về nhà thì việc ai người ấy làm. Nhiều khi quá bận rộn, anh không thể giúp đỡ việc nhà với vợ. Có tuần, vợ chồng anh không có một bữa cơm chung. Vô hình chung, giữa hai người dần hình thành một khoảng cách…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tình trạng xa cách của mỗi thành viên trong gia đình không chỉ xảy ra với gia đình anh Hoàng, bà Hương. Nhiều gia đình có điều kiện nên mỗi người đều có một phòng riêng để sinh hoạt và làm việc. Thậm chí, trong một gia đình, mỗi người có một máy tính, điện thoại riêng. Cả ngày đi làm, đi học không gặp nhau, sau bữa cơm tối, ai lại về phòng nấy, hoặc mỗi người ôm cái máy tính, điện thoại để chát chít, xem tin tức đến lúc đi ngủ. Điều này khiến cho sợi dây kết nối giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

ThS Hoa Hữu Vân, chuyên gia về bình đẳng giới, gia đình và trẻ em của Hội LHPN Việt Nam chia sẻ câu chuyện cô bé 8 tuổi với mong ước “bố được ốm mãi” để lúc nào cô bé cũng thấy bố ở nhà. Cô bé viết trong bài văn của mình: “Khi bố đi làm, em chưa ngủ dậy. Bố về nhà khi em đã đi ngủ. Cả tuần, em mới được gặp bố ngày Chủ nhật. Các bạn được bố đưa đi học, còn em, lâu lâu mới được bố đưa đến trường. Hôm nay bố ốm, bố đã ở nhà với em cả ngày. Em ước gì bố em ốm suốt đời để em lúc nào cũng gặp bố…”.

“Báo cáo số liệu gia đình Việt Nam năm 2018, 62% các bậc cha mẹ ở phía Bắc và 57,7% bậc cha mẹ ở phía Nam dành cho nhau chưa đến 30 phút/ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con cái. Chúng ta kiếm tiền để mua cho con bộ đồ đẹp, ăn món ngon, cho con học trường tốt… nhưng quên mất rằng, trẻ cần thời gian và hơi ấm của bố mẹ hơn tất cả. Chúng ta có nhiều cơ hội tăng thu nhập, thăng tiến và thành đạt, song lại không biết cha mẹ già sống cô đơn, cô độc, cô quả đang ngày ngày ngóng đợi con cháu…” – ThS Vân ngậm ngùi.

Cần tăng cường các mối quan hệ gia đình

Hiện nay công nghệ thông tin, sóng phát thanh, truyền hình và các loại trò chơi điện tử hấp dẫn tràn ngập trên mạng xã hội, dễ dàng lôi cuốn các thành viên gia đình từ nhỏ đến lớn. Điều này giúp mỗi người tiếp cận thông tin nhanh, chính xác hơn nhưng nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến việc người trong gia đình trở nên lười giao tiếp với nhau. Do vậy, các giải pháp để giữ “lửa ấm” trong mỗi ngôi nhà vẫn tập trung ở việc vừa củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống vừa phát huy giáo dục, bổ sung thêm các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội.

Theo TS Lê Hoàng Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội, mô hình gia đình Việt Nam đang thay đổi từ cấu trúc gia đình lớn, nhiều thế hệ chuyển sang hình thức chủ yếu là gia đình hạt nhân hai thế hệ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong không gian số, các chuẩn mực đạo đức và hệ giá trị gia đình cũ suy yếu nhường chỗ cho các quan hệ ảo. Vì vậy, mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo hơn, thậm chí vượt ra ngoài sự kiểm soát của pháp luật, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật số ra đời để kiểm soát. Sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân và việc xây dựng gia đình của giới trẻ, xu hướng độc thân, chủ nghĩa cá nhân hoá và chủ nghĩa thực dụng đang làm cho các giá trị gia đình truyền thống đứng trước nhiều thách thức. Trước đây, trong gia đình truyền thống, các giá trị cơ bản là chung thuỷ, yêu thương, bình đẳng, chia sẻ việc nhà thì hiện nay, các giá trị này đang có sự biến đổi trong quan hệ hôn nhân trước sự thay đổi của các điều kiện vật chất xã hội.

“Chuyển đổi số làm thay đổi mối quan hệ gia đình theo hướng lỏng lẻo, ảo hơn và tính cá nhân hoá của mỗi thành viên trong gia đình cao hơn. Đây là thách thức đối với gia đình Việt Nam trong xã hội hiện nay” – TS Lê Hoàng Nam cho biết.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, đại học FPT, giữ hạnh phúc gia đình, nhất là gia đình trẻ hiện nay là điều không hề đơn giản. Điều quan trọng là mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm (tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, học các kỹ năng cần thiết về làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha), biết cân bằng các mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương nhau. Các thành viên hãy dành thời gian cho nhau, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của nhau, bởi vì những điều đó làm nên “ngọn lửa” yêu thương của một gia đình hạnh phúc.

“Chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho công nghệ. Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trẻ chơi, học, giải trí… đều chủ yếu thông qua máy tính, điện thoại, tivi. Bố mẹ cũng phải làm việc trên màn hình máy tính. Có khi cả gia đình đang ở cạnh nhau trong một không gian nhưng mỗi người đang theo đuổi suy nghĩ khác nhau, xem những nội dung và có kết nối khác nhau. “Khi công nghệ đang là xu hướng tất yếu của xã hội, thì cha mẹ không nên cấm đoán con một cách thái quá. Thay vào đó, cha mẹ hãy lập một kế hoạch để cả gia đình có thể tương tác với nhau thường xuyên hơn như: bố mẹ có thể cùng con xem một chương trình truyền hình, chơi một trò chơi trên máy tính… Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dành thời gian để các thành viên cùng trò chuyện, chia sẻ trực tiếp với nhau, đôi khi chỉ 30 phút hay 1 tiếng mỗi ngày nhưng đó là sự kết nối bền vững” – chuyên gia tâm lý Hà Thành phân tích.

Theo chuyên gia Hà Thành, các gia đình cần quan tâm đến xây dựng nếp nhà. Nếp nhà ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và hình thành kỹ năng sống cho trẻ. Bữa cơm gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên nếp nhà và là cơ hội để các thành viên bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau. Cả nhà có thể cùng nhau nấu cơm, bày bàn ăn, cùng trò chuyện, quan tâm nhau trong bữa cơm chung gia đình. Dù bận rộn, gấp gáp đến đâu, nếu các thành viên đều có ý thức vun đắp thì vẫn duy trì được những bữa cơm gia đình ấm áp, hạnh phúc. Giữ mái nhà luôn là tổ ấm, nơi các con cảm nhận rõ nét tình yêu thương, sự quan tâm đến cha mẹ, ông bà…

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.