Thu về

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mùa thu thường có bạn đồng hành là trăng thanh, gió mát, trời trong, nắng vàng, gió heo may nhè nhẹ, khí trời mát mẻ dễ chịu. Cảnh sắc thu được nhiều người ghi nhận là đẹp nhất trong năm và là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ca.

Bỗng dưng trời trở heo may

Hồn như ngõ vắng rụng đầy lá thu

Hàng cau bảng lảng sương mù

Bờ tre đưa võng khẽ ru ngày buồn

Đồng xa vẳng tiếng cu cườm

Gió đưa mùi ổi ngoài vườn chín cây

Ngỡ cầm được nắng trên tay

Nhìn hoa cúc chợt dại ngây bần thần

 Mùa đang nhón gót tới gần

Dùng dằng tơ nhện buộc chân tháng ngày

Lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay

Cành xoan giơ cánh tay gầy không khô

 Hình như trong cõi mơ hồ

Mong manh tiếng giọt sương mờ tỏ rơi

Đêm khuya tiếng vạc lưng trời

Nỗi chi thao thức dạ bời bời thu

                                           Tân Quảng

Thu về - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Thu đã khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ Tân Quảng (1948 - Bắc Giang), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - sáng tác bài thơ "Thu về" rất ấn tượng, được nhiều bạn đọc yêu thích.

Qua những tập thơ “Mưa không quá ngọ”, “Bóng quê”, “Lá như chân chim”, “Buồn… leo lẻo”, “ Viết rồi lại xóa”, “Rơm vàng rối trước ngõ” “Mượn câu lục bát làm thuyền” cho thấy nhà thơ Tân Quảng có biệt tài trong việc sử dụng thể thơ truyền thống và ngôn ngữ thuần Việt dung dị mà sâu sắc trong biểu đạt. Bài này cũng vậy, tác giả dùng thể lục bát có âm hưởng nhịp nhàng, êm ái để tái hiện phong cảnh mùa thu thanh nhã là rất sáng suốt.

Những câu mở đầu cho thấy dường như mùa thu đến với con người khá bất ngờ: "Bỗng dưng trời trở heo may/ Hồn như ngõ vắng rụng đầy lá thu/ Hàng cau bảng lảng sương mù/ Bờ tre đưa võng khẽ ru ngày buồn". Với cái nhìn của một họa sỹ - nhà thơ Tân Quảng đồng thời là chủ nhân của một cây cọ rất có hồn - ông đã lựa chọn được những hình ảnh đặc trưng tiêu biểu nhất của mùa thu nơi quê nhà để họa nên bức tranh thu bằng ngôn ngữ giàu sức gợi.

Phép tu từ so sánh giúp người đọc hiểu cụ thể  hơn tâm trạng "hồn như ngõ vắng" đầy bâng khuâng của nhà thơ trước mùa thu. Cảnh sắc thiên nhiên lúc này được đón nhận bằng thị giác: Ngõ vắng, lá rơi, bờ tre và hàng cau bảng lảng trong màn sương sớm hư ảo. Cảm xúc của chủ thể trữ tình: "Bờ tre đưa võng khẽ ru ngày buồn".

Nỗi buồn ở đây chỉ xao xuyến, nhẹ nhàng, một nỗi buồn đẹp phù hợp với mùa thu. Nghệ thuật nhân hóa  khiến cảnh vật cũng có tâm hồn, cho thấy mùa thu nơi làng quê yên ả, thanh bình mang vẻ đẹp trang nhã, thơ mộng. Song hành với thị giác, cảnh thu được cảm nhận qua cả thính giác và khứu giác nữa: "Đồng xa vẳng tiếng cu cườm/ Gió đưa mùi ổi ngoài vườn chín cây/ Ngỡ cầm được nắng trên tay/ Nhìn hoa cúc chợt dại ngây bần thần".

Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác giúp người đọc cảm nhận cụ thể hơn nắng, gió thiên nhiên. Mùa thu nơi làng quê ở đây không tĩnh lặng mà có âm thanh của sự sống. Đó là tiếng của đôi chim cu cườm gù nhau. Trong gió thu, hương ổi lan tỏa thoang thoảng khắp vườn, nắng vàng cộng hưởng với sắc vàng của hoa cúc làm cho không gian mùa thu càng thêm tươi tắn, sáng trong. Hàng loạt âm thanh, hương vị và sắc màu đó tiếp tục điểm tô cho bức hoạ mùa thu thêm sống động.

Trong toàn bài, nhà thơ sử dụng đắt giá nhiều từ láy: Bảng lảng, bần thần, chuồn chuồn, ngẩn ngơ, dùng dằng, mong manh, thao thức, bời bời khiến cho thi phẩm vừa giàu nhạc điệu, vừa tái hiện được những nét đặc sắc nhất của mùa thu. Hình ảnh “Mùa đang nhón gót tới gần” khiến người đọc thật thú vị bởi người viết hình dung mùa thu như một cô gái tinh nghịch, nàng đang khẽ khàng “nhón gót” bước tới – dường như để chơi ú tim cùng thi nhân chăng? Thu đến song người và cảnh vật vẫn còn luyến lưu với mùa hạ nên mới “Dùng dằng tơ nhện buộc chân tháng ngày”.

Bài thơ khép lại với những tâm trạng và suy ngẫm dự cảm mơ hồ, xa xôi: “Hình như trong cõi mơ hồ/ Mong manh tiếng giọt sương mờ tỏ rơi/ Đêm khuya tiếng vạc lưng trời/ Nỗi chi thao thức dạ bời bời thu”. Màu sắc ảnh thu, âm thanh mùa thu và cả hồn thu nữa đã và đang tồn tại trên lá cây ngọn cỏ, ngập tràn không gian, ùa vào cả lòng người. Những câu thơ đã nói hộ cảm xúc bâng khuâng của chủ thể trữ tình cũng như của những ai yêu mến mùa thu.

Bốn khổ trong bài thơ lục bát rất hài hòa cân xứng, đẹp như một bộ tranh tứ bình mang đậm sắc thu và hơi thở yên bình của cuộc sống nơi thôn quê.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.