Thúc đẩy bình đẳng giới ở nhóm dân tộc thiểu số: Cần sự quan tâm đặc biệt

Chia sẻ

Khoảng cách giới trong các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) với dân tộc Kinh vẫn tồn tại dai dẳng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, nguồn lực do các chuẩn mực xã hội áp đặt.

Phụ nữ DTTS bất lợi trong tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế và việc làm

Trong thời gian qua, nhiều nguồn vốn ưu đãi đã được dành cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi để hỗ trợ phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, mặc dù phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm truyền thống ở vùng DTTS và miền núi, nhưng tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn gần 5 điểm phần trăm so với tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam giới làm chủ hộ là 20,7%. Giá trị khoản vay của hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ thấp hơn so với hộ gia đình DTTS do nam giới làm chủ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Các cơ sở/hộ sản xuất-kinh doanh/dịch vụ do nữ làm chủ có quy mô nhỏ nên chưa có nhu cầu vay các khoản vốn lớn; Năng lực của các nữ chủ hộ DTTS về lập hồ sơ vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế nên chưa tiếp cận được những khoản vay có giá trị lớn; Các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, dịch vụ không có đầy đủ sổ sách, chứng từ giao dịch và báo cáo tài chính nên không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Lao động nữ di cư người dân tộc thiểu số 	(ảnh: Int)Lao động nữ di cư người dân tộc thiểu số (ảnh: Int)

Theo “Báo cáo tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm, nhưng cơ cấu việc làm thể hiện sự bất lợi “kép” từ yếu tố dân tộc và giới tính. Đó là, rất nhiều em gái DTTS đã làm việc như người trưởng thành từ trước khi đủ 15 tuổi. Trong khi ở độ tuổi này, phần lớn các em gái người Kinh còn đang tiếp tục đi học. Lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Có tới 76,4% việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong khi lao động nam DTTS chiếm 70,5% và cao gấp đôi so với lao động nữ cả nước (35,9%).

Thực tế cho thấy, có nhiều rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông-lâm nghiệp và tiếp cận làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp ở địa phương, các khu công nghiệp trong nước, hoặc đi làm ở nước ngoài. Nguyên nhân là do vai trò giới hiện tại, phụ nữ DTTS vẫn gắn với công việc nội trợ và chăm sóc gia đình nhiều hơn nam giới DTTS; Định kiến xã hội về phụ nữ đi làm xa quê hương vẫn nặng nề ở một số nhóm DTTS; Tình trạng nữ DTTS mù chữ, tái mù chữ cao, không giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông, trình độ học vấn thấp… nên thiếu kỹ năng cơ bản để di cư lao động an toàn.

Thừa nhận về tình trạng bất bình đẳng này, tại lễ công bố Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019” và “Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc vào ngày 4/8/2021, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất”.

Gánh nặng công việc không được trả lương đối với phụ nữ và trẻ em gái

Do điều kiện sống, văn hóa của đồng bào DTTS, gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình DTTS đang đặt nhiều hơn vào phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ DTTS chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng DTTS. Số liệu từ “Báo cáo tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các DTTS ở Việt Nam” cho thấy, về vị thế trong việc làm, tỷ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc lao động gia đình không được hưởng lương là 52%, cao gấp 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước 19,4%.

Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS kém phát triển, điện, nước sạch cho sinh hoạt, đường giao thông, chợ, y tế… vẫn còn thiếu thốn và xa nơi ở; các trang bị hỗ trợ công việc nội trợ gia đình còn thiếu nên gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc gia đình của phụ nữ DTTS càng nặng nề hơn. Có 74% phụ nữ DTTS và 5% trẻ em gái DTTS phải thường xuyên đảm nhận công việc đi lấy nước sinh hoạt trong hộ gia đình. Đối với các DTTS theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kinh tế tạo thu nhập, đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm chính trong công việc nội trợ, chăm sóc hộ gia đình.

Phần lớn việc làm của phụ nữ DTTS là làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp. Ảnh: Nguyên ThanhPhần lớn việc làm của phụ nữ DTTS là làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp. Ảnh: Nguyên Thanh

Bên cạnh đó, nhận thức của phụ nữ DTTS và cộng đồng người DTTS bị ảnh hưởng nặng nề của định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ.

Do đó, để thúc đẩy sự chia sẻ gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và cộng đồng DTTS, chúng ta cần tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới. Đối tượng truyền thông bao gồm cả phụ nữ và nam giới, cả trẻ em trai và trẻ em gái DTTS. Thúc đẩy sự chia sẻ trách nhiệm và phân công lại công việc chăm sóc trong hộ gia đình DTTS.

Cùng với đó, chính quyền cần phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả về chăm sóc người già, trẻ nhỏ và người ốm; dịch vụ cung cấp nước sạch tới các cụm dân cư ở vùng DTTS để giải phóng sức lao động của hộ gia đình về công việc chăm sóc không được trả lương.

Cũng như phụ nữ người Kinh, phụ nữ DTTS có sự liên hệ mật thiết với mức độ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường ở từng địa phương cụ thể. Do đó, việc đáp ứng những nhu cầu thực tế của phụ nữ DTTS là cần thiết, để làm nền tảng cho việc đáp ứng những nhu cầu chiến lược và vị thế của người phụ nữ DTTS. Thực tế cho thấy tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại hiện hữu trong các DTTS. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu bất bình đẳng giới và thúc đẩy sự bình đẳng trong cộng đồng DTTS, bên cạnh giải pháp thay đổi chương trình truyền thông và giáo dục về giới, chúng ta cần có sự quan tâm đặc biệt hơn.

Đó là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt là các chính sách liên quan đến cơ hội tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của phụ nữ, góp phần nâng cao địa vị của họ trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ lao động, việc làm và các nguồn vốn sản xuất. Chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ DTTS sau khi được đào tạo. Xã hội hóa các chính sách, chương trình an sinh xã hội liên quan đến phát triển cơ hội của phụ nữ DTTS.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.