Thức khuya

Chia sẻ

Cả nhà đều đã ngủ
Có tiếng thở đều đều
Đồng hồ kêu tích tắc
Ôi sao mà thân yêu

Thầy dù hay mắng mỏ
Mẹ dù hơi lắm điều
Lòng mình xa xót lắm
Thương hai người bao nhiêu

Một bầy con nhỏ dại
Mái dột, vách nhà xiêu
Ăn như tằm ăn dỗi
Nghịch như là quỷ yêu

Sao mà không đánh mắng
Sao mà không lắm điều?


     (Rút từ tập Con muốn mặc áo đỏ đi chơi (thơ),
        Phan Thị Thanh Nhàn,NXB Kim Đồng, 2016)
                                           Phan Thị Thanh Nhàn

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Chỉ vì bài thơ Hương thầm hay quá mà người đọc cứ mãi ám ảnh về một Phan Thị Thanh Nhàn của thời bom đạn chiến tranh. Thực ra, chị còn là người viết về cuộc sống đời thường rất ấn tượng, hình ảnh cha mẹ, anh chị em, bạn bè… hiện lên trong thơ chị không sáo mòn, ước lệ theo công thức mà sinh động như chính cuộc sống của mình. Thế nên, hãy thử một lần cùng “thức khuya” với chị xem thế nào. Bài thơ mở ra một không gian yên tĩnh trong các ngôi nhà tập thể xưa, vừa đơn sơ, vừa ấm cúng với tiếng quạt máy hay tiếng đồng hồ:

Cả nhà đều đã ngủ/ Có tiếng thở đều đều/ Đồng hồ kêu tích tắc/ Ôi sao mà thân yêu

Thời gian trôi đi trong ngôi nhà sao mà đáng yêu đến thế. Tiếng thở của từng người trong gia đình cũng gần gũi, thân thương. Bốn câu thơ giản dị như lời kể với bạn bè nhưng gợi không khí gia đình để bắt đầu một suy cảm:

Thầy dù hay mắng mỏ/ Mẹ dù hơi lắm điều/ Lòng mình xa xót lắm/ Thương hai người bao nhiêu

Đêm, nghĩ về cha mẹ; đêm, là khi những suy nghĩ chân thật nhất sau một ngày mệt nhọc và không tránh khỏi nóng nảy, sai sót. Giờ là lúc để cô con gái-có thể còn là chị cả-nghĩ và thương cha, thương mẹ. “mắng mỏ” và “lắm điều” hẳn luôn là những gì con cái nhớ nhất ở cha mẹ bởi ở vào cái tuổi ấy còn nông nổi, khờ dại nên chưa nghĩ được nhiều. Thế rồi, cô con gái thảo thơm thử làm một điều mà dường như chính thiên chức của một người phụ nữ mách bảo đó là đặt mình vào hoàn cảnh, vào vị thế của người làm cha, làm mẹ:

Một bầy con nhỏ dại/ Mái dột, vách nhà xiêu/ Ăn như tằm ăn dỗi/ Nghịch như là quỷ yêu

Bốn câu thơ khái quát về một gia đình từ hoàn cảnh đến đặc điểm với hai góc độ. Một là, thời ấy, trong những căn nhà gianh tre, hoặc gỗ lạt đơn sơ (Mái dột, vách nhà xiêu) là bầy trẻ lớn lên sau chiến tranh (Một bầy con nhỏ dại), đôi vợ chồng ấy hẳn phải bươn chải, cực nhọc lắm mới đủ nuôi mấy miệng ăn. Hai là, cũng chính trong gia đình ấy lại đang có những thiên thần lấm lem, nghịch ngợm mà đáng yêu vô cùng: “Ăn như tằm ăn dỗi/Nghịch như là quỷ yêu”. Hình như ngày đó tụi trẻ đều như thế. Tụi trẻ ấy là chính chúng ta hôm nay, những người trung niên đang hồi cố lại. Chỉ có ăn và nghịch nên… ngoan và hồn nhiên. Vậy nên cực nhọc mấy cha mẹ cũng yêu thương.

Thú vị nhất và cũng “quái” nhất là cách mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết hai câu kết:

Sao mà không đánh mắng/ Sao mà không lắm điều?

Mới đọc, thấy đó chỉ là một lần láy lại những “bài ca muôn thuở” của phụ huynh ở phần trên (Thầy dù hay mắng mỏ/Mẹ dù hơi lắm điều), nhưng đọc kĩ, ứng chiếu cả với bản thân mình và ngẫm ra mới thấy hai câu thơ ấy gợi nhiều ý tứ sâu xa: Có thể đó là lúc cô gái thấy thấm thía hơn những lời răn dạy, trách mắng của cha mẹ. Có thể cô nhận ra đằng sau những lời lẽ ấy là một tình thương, sự lo lắng, muốn con cái hiểu lẽ đời mà nên người. Và, để ý kĩ hai chữ được lặp lại (Sao mà… sao mà), ở hai câu thơ thì ta nhận ra: Khi đã có một độ lùi của thời gian, ở vào độ tuổi làm cha, làm mẹ ai cũng mong lại được nghe lời dăn dạy của cha mẹ mà không thể. Có những thứ tưởng như quen thuộc, khó nghe, gay gắt… mà đầy ắp lo lắng, yêu thương, ấy là gia đình, chỉ gia đình mới có.

Bài thơ Thức khuya của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn nhẹ nhàng và sâu sắc như thế đó.

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.