Thương dáng chị tảo tần

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nắng hè vàng như mật, nhìn dáng chị cả lưng đã còng vẫn cặm cụi ngồi bán nước bên hè mà lòng tôi thêm nhớ những tháng ngày gian nan khó nhọc, chị vất vả bươn chải, tiết kiệm từng đồng để lo cho hai chị em tôi ăn học nên người...

Hàng xóm kể với tôi rằng, cái ngày bố tôi bỏ mẹ con tôi đi là đúng ngày mẹ tôi sinh đứa út. Hôn nhân hạnh phúc viên mãn sau 12 năm tưởng là nhân lên song tất cả chỉ còn lại trong ký ức. Ông bỏ đi, một mình bà phải gồng gánh, xoay vần nuôi mình và 3 cái tàu há mồm còn khát sữa. Bà phải nghỉ việc làm cô giáo mầm non, ngày 2 buổi ngoài chợ với sạp hàng nhỏ bán buôn đủ thứ hàng khô. Tối về bà lại nhận thêm gia công quần áo cho mối ở làng bên kiếm thêm tiền chắt chiu nuôi con. Cuộc sống khốn khó của mẹ con cứ thế thầm lặng theo ngày tháng qua đi.

Thỉnh thoảng bố tôi có ghé qua thăm nhà, đưa một ít tiền gọi là cho con nhưng có thấm vào đâu với 3 đứa nhỏ đang sức ăn sức học. Mỗi lần nghe bố về là mẹ tôi mừng lắm, bà chải đầu đánh phấn tô lại chút môi son, bà còn về chợ sớm hơn ngày thường. Không nói ra nhưng tôi biết bà ngóng ông. Nhưng ông chỉ bước vào nhà đưa ít tiền xong rồi đi ra ngay, không hỏi thăm bà lấy một câu.

Mỗi lần vậy, bà chỉ biết nhìn theo mà nước mắt ngắn dài. Mỗi khi đêm về là mẹ tôi không ngủ được, bà cứ khóc rấm rứt cho nỗi cô đơn buồn tủi của phận đàn bà. Có lẽ vì thế mà tình yêu trong lòng bà dần chuyển thành nỗi hận thù với người đàn ông mình đã từng yêu. Nỗi hận của bà với ông đã khiến bà trở nên cực đoan với cả con mình.

Thương dáng chị tảo tần - ảnh 1
Ảnh minh họa

6 năm sau ngày bố bỏ đi, chị cả tôi 17 tuổi nhất định nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Mẹ thương chị nhưng sức có hạn đành buông xuôi trong nỗi xót xa. Chị nghỉ học theo mẹ học cách buôn bán. Thế nhưng, thời điểm đó cái chợ nhỏ nơi có sạp hàng của mẹ bị đóng cửa, mẹ thì ngã bệnh phải nằm viện. Chị đành chuyển hướng bán xôi và ít đồ ăn vặt hy vọng sớm có chút tiền trước mắt lo cho mẹ, cho em. Vậy nhưng, tính chị hiền lành, ra chợ buôn bán không cạnh tranh nổi sự xô bồ, bát nháo, tranh giành khách ngoài chợ nên ngày nào chị cũng đem thúng xôi ế về ăn thay cơm. Thỉnh thoảng nghỉ hè, tôi chạy ra chợ với chị, cứ nhìn hàng kế bên bán chè mà thèm nhỏ dãi nhưng biết chị không có tiền nên chả bao giờ dám xin.

 Sau này, khi nghe tin bố cùng vợ nhỏ mở cơ sở may quần áo mặc nhà  dần dần khá khẩm, mở rộng sản xuất thu nhận công nhân, chị cả đã xin bố về theo học may để sau này có nghề sinh sống. Phần lương bổng của chị sẽ gửi về phụ mẹ lo cho các em. Nhưng khi nghe chị nói ý định như thế, mẹ tôi nổi trận lôi đình, giận dữ cho rằng chị bỏ bà theo người đàn ông phản bội. Chị mà đi làm ở đó thì bà quyết không nhìn mặt chị. Dù thương mẹ, sợ mẹ, song cuối cùng sau nhiều đêm suy nghĩ chị phải lén bỏ trốn đến nhà bố cách nhà gần 200 cây số để học nghề.

Cứ ngỡ là sẽ học được cái nghề để sau này kiếm sống, nhưng khi lên đó chị bị bà vợ bé của bố không ưa, chỉ cho chị làm việc lặt vặt. Hễ mỗi lần chị ngồi vào bàn máy là bà lại tìm cách cho chị làm việc khác mục đích không cho chị học nghề. Thấy tình hình không mấy khả quan chị định bỏ về, bố thương chị, ông để lại cho chị cái quán bán nước nhỏ mà trước đây khi lấy vợ mới ông không nói với bà. Tránh mặt được bà hai, chị ngồi bán nước ngoài chợ mà lòng nghĩ về mẹ và các em, mắt lúc nào cũng rưng rưng. Chị tằn tiện chắt bóp từng đồng gửi về cho mẹ nuôi các em.

Cứ cuối tháng, gom được tiền chị lại ra bưu điện gửi tiền về nhưng không dám để tên thật sợ mẹ giận mà không nhận. Chị mượn tên của người bà con ở xa để tránh mẹ nghi ngờ. Chỉ có tôi khi nghe mẹ nói có bà con xa thương hoàn cảnh gửi phụ giúp thì biết đó là tiền của chị cả gửi về. Tôi cũng không dám nói với mẹ bởi nếu tôi nói ra bà sẽ nỗi giận, bà không muốn ai nhắc đến cũng như dính líu đến người đàn ông đó. 

Thương dáng chị tảo tần - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một hôm, mẹ bị bệnh nặng phải nằm cấp cứu tại bệnh viện, tôi nhắn tin cho chị. Chị nghe tin liền tức tốc qua nhà bố mượn tiền để về lo cho mẹ nhưng bà vợ bé không đưa. Bố tôi phải lén lấy tiền riêng đưa cho chị. Khi chị về đến bến xe, thấy chị đứng ngoài nắng mồ hôi nhễ nhại, một người đàn bà đưa cho chị chai nước lọc. Cứ ngỡ là gặp được người tốt nên chị tôi uống không ngần ngại mà không hay trong nước có thuốc mê.

Tỉnh dậy chị đã bị lấy hết sạch tiền chị đem theo. Không lẽ đến thăm mẹ nằm trong bệnh viện mà không có tiền thế là chị đành qua nhà người bạn thân mượn một ít tiền đem vào viện đưa cho tôi lo cho mẹ. Vào viện, chị cũng  không dám đi vào sợ mẹ trông thấy mà giận dữ bệnh tình thêm nặng.

Vài tháng sau, tôi lại phải lén mẹ nhắn tin cho chị. Tôi khi đó chưa kiếm ra tiền, đứa em nhỏ bị nhà trường cho nghỉ học vì không đóng học phí đã lâu. Vậy là chị lại gom hết tiền đóng học phí cho đứa út rồi mua ít bút vở gửi về cho hai chị em học. Dù tháng nào chị cũng gửi tiền phụ giúp mẹ, song cảnh nhà vẫn thiếu trước hụt sau. Mẹ đau yếu liên miên thu nhập vừa ít vừa không ổn đinh, vậy là chị em tôi cũng bữa no, bữa đói đến trường. Chị cả thường xuyên viết thư động viên tôi gắng học để sau này bớt khổ.

Thương chị cả tần tảo sớm hôm lo cho các em ăn học, tôi cố gắng học và đậu vào đại học. Người đầu tiên mà tôi báo tin chính là chị. Chị mừng lắm, hai chị em ôm nhau rơm rớm nước mắt. Học xong đại học, tôi có người thương, anh ấy rất thương tôi, anh lo lắng cho gia đình tôi, giới thiệu cho tôi tìm được việc làm. 3 năm sau ngày ra trường, tôi mới quyết định làm đám cưới. Nhà nghèo, chị cả lại là người lo toàn bộ tiệc cưới bởi mẹ tôi lúc ấy đã rất yếu, còn bố không tới vì sợ đụng mặt mẹ tôi.

Thương dáng chị tảo tần - ảnh 3
Ảnh minh họa

Rồi thằng út cũng học nghề ra trường, có người thương và cuối năm vừa rồi cưới vợ. Một lần nữa chị cũng thay mặt mẹ lo hết cho em bằng bạn bằng bè. Mải lo hạnh phúc cho các em mà tuổi xuân chị trôi qua, giờ đầu hai thứ tóc vẫn một mình phòng không chiếc bóng. Hồi còn con gái chị cũng có nhiều người ngỏ lời yêu bởi cái nết hiền lành, ham làm của chị. Thế nhưng chị cứ lần lữa, rồi cái tuổi đuổi cái xuân, chị vẫn lẻ bóng vì gánh nặng gia đình và tuổi tác... Mẹ giờ đã về với tổ tiên.

Chị cũng đã về lại ngôi nhà xưa sinh sống. Thời gian phủ lên mái tóc pha sương của chị, in những nếp nhăn trên khuôn mặt. Tôi nhìn chị càng thêm nhớ ánh mắt lấp lánh niềm vui, nụ cười dịu hiền của chị khi chúng tôi đạt được thành công dù to, dù nhỏ. Và tình thương yêu ấy của chị vẫn như làn nước mát lành chảy mãi, nuôi dưỡng những đứa em trải dài theo năm tháng trong cuộc đời.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sống mãi với ký ức hào hùng...

Sống mãi với ký ức hào hùng...

(PNTĐ) - Sáng 10/10/1954, Hà Nội ngợp trời rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân đổ ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chi hội trưởng “tuổi cao, gương sáng”

Chi hội trưởng “tuổi cao, gương sáng”

(PNTĐ) - Những năm qua, phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, bà Quách Thị Quỳ, dân tộc Mường, là Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, Tổ trưởng tổ Phụ nữ cao tuổi thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì là tấm gương gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Hội Phụ nữ các cấp, của địa phương phát động.
Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều công trình, phần việc ý nghĩa. Qua đó, tạo được phong trào thi đua sôi nổi, cổ vũ cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô

Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô

(PNTĐ) - Những khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thủ đô trước hết đến từ quyết tâm đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc của lãnh đạo Thành phố. Những năm qua, Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư trên 2.144 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), từ ngân sách Thành phố.