Thương mùi áo cũ

Chia sẻ

Có ai đi thương một mùi áo cũ? Mỗi lúc trong lòng dội lên câu hỏi ấy, tôi lại nhớ bà nội tôi. Người luôn nói, áo cũ có hương thơm đầy day dứt, khiến sống mũi cay và mắt cũng cay.

Những ngày lạnh, mưa lay phay thế này, bà hoặc mẹ luôn ngồi xếp tủ quần áo cho cả nhà, phân loại ra, cái đem vắt sổ lại, cái cắt thành khăn, cái gấp ngay ngắn cho vào chiếc rương kỷ niệm... Lũ trẻ chúng tôi xúm xít xung quanh tấm phản, giữa cơ man quần áo cũ thoảng mùi long não. Gia đình tôi có thói quen giữ gìn quần áo cũ của mọi thành viên, nên khi những chiếc rương chồng chất lên nhau lại chính là lúc căn nhà chỉ còn vài người già ngồi ôn kỷ niệm, chúng tôi, lũ trẻ năm nào đều đã như bầy chim tung cánh khắp muôn phương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi có thói quen ít mang theo áo ấm khi từ phố về quê bởi lòng dạ đã nương tựa, cậy nhờ vào những tấm áo cũ quanh năm ngủ quên trong rương gỗ. Sau khi tìm được chiếc áo trần bông có hình mấy chùm hoa tim tím khoác lên người, tôi thường xuống bếp nhóm lửa, đun một ấm nước sôi. Cái thanh âm reo sôi, ánh sáng bập bùng quyện vào cảm giác ấm từ trong ấm ra như thể trong tấm áo cũ sẵn có trái tim đang loạn nhịp mới thật lạ lùng, nao nức.

Nội tôi, cho đến trước khi bà qua đời, quanh năm chỉ xoay vòng vài manh áo cũ. Đúng độ cuối xuân sang hè, khi đầu óc người già đột nhiên nhức nhối, váng vất vì chuyển tiết, bà sẽ chống gậy trúc ra sân ngóng nắng mới để mang áo ra hong. Ký ức tuổi thơ tôi, hiếm có một hình ảnh nào bình yên hơn thế. Những manh áo nâu sờn rách đặt cạnh những tấm áo mới tinh có khi rất lâu rồi hoặc chưa bao giờ bà mặc đều được giặt sạch, nhí nhách nhỏ nước xuống sân nhà rồi ráo khô trong nắng. Có một thuở, hễ mở tủ gỗ ra, thấy những viên long não đã mòn, mùi hương chỉ thoáng qua thay vì nồng sực, bà lại nhắc điều mà ai cũng biết, đó là trời đang chuyển tiết đông, một năm đã lại vợi dần.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quê tôi có tục lệ hễ ai qua đời sẽ được an táng ở ngọn núi phía bên kia sông. Dòng sông nhỏ chia làng thành hai thế giới âm - dương. Một ngày mùa đông, bà nội tôi cùng những manh áo cũ mới của người đã vĩnh viễn về phía bên kia sông. Đời người đàn bà quê tôi có hai lần rương quần áo theo sau: lần đi lấy chồng, lần rời cõi tạm. Trước hình ảnh ấy, ai mà không khóc. Chúng tôi, lũ trẻ năm nào được bà bao bọc, bênh vực trước đòn roi bố mẹ đều đồng tình rằng mỗi đận về quê, cứ đứng trước dòng sông nhỏ ấy và nhắm mắt lại sẽ luôn thấy những vệt sáng nối đuôi nhau đủ màu sắc, hương thơm xưa cũ từ bờ bên kia lói tận bên này.

MAI MAI

Tin cùng chuyên mục

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.
Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.