Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Người phụ nữ ngót 50 tuổi hỏi đi hỏi lại rằng: “Anh ấy muốn em phải đi làm thủ tục ghi tên anh ấy vào tất cả các giấy chứng nhận sở hữu như sổ đỏ, nhà ở, xe ô tô thì mới tin rằng em yêu anh ấy thật. Em thì có tình cảm với anh ấy, nhưng em thấy cách hành xử đó khiến em thấy “sao sao”. Em nói rằng cái nhà, mảnh đất em đang có là một phần mồ hôi công sức của chồng cũ, nó sẽ là của các con em, thì anh ấy giận, mấy hôm nay ở trong đơn vị, không ra thăm em nữa. Em nhớ anh ấy lắm, nhưng em cần nghe ý kiến của các anh, chị, là những người khách quan, để em có thể vững tin hơn trong quyết định của mình”.

Chị Liên, vị khách nữ tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý - hôn nhân của chúng tôi từ một thị xã cách trung tâm Hà Nội hơn 40km. Chị Liên đã ly hôn cách đây 5 năm với người chồng mà chị cho là “đáng tiếc”. Chồng cũ của chị là cán bộ công chức cấp xã, lương tháng vài triệu đồng, chỉ đủ để đi ăn đám cưới, mừng đám ma người quen trong xã. Chị là giáo viên tiểu học, lương cũng tạm, nhưng có thêm nghề kinh doanh, thu nhập gấp ba, bốn lần lương giáo viên. Lúc đầu chỉ là tham gia làm nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ, hưởng hoa hồng từ những hợp đồng mình ký được. Sau đó chị chuyển sang bán hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, một kiểu kinh doanh đa cấp, thu nhập khá tốt.

Khi đã dấn thân vào kinh doanh, nhận thấy mình “có duyên với kinh doanh”, chị theo mấy người tham gia kinh doanh bất động sản. Gọi là “kinh doanh bất động sản” cho có tính thời đại, chứ thật ra chỉ là mua bán đất, nhà ở, căn hộ, chung cư. Khi có tiền, chị được giao lưu, tiếp xúc với những người đàn ông “đại gia cấp huyện”, biết đi nhà hàng, biết chiêu đãi đối tác, biết tặng quà “lại quả”…  tự nhiên chị thấy anh chồng của chị “tội nghiệp và hèn hèn”. Chị khuyên chồng bỏ công tác ở xã, cùng chị tập trung “làm ăn kinh tế”, nhưng anh không nghe. Anh còn nói “giọng đạo đức”, rằng anh không thể bỏ bà con, mọi người đã tín nhiệm, anh phải gắng hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Tự nhiên chị thấy “tức điên”, nói nặng lời xúc phạm chồng. Anh nhẫn nhịn, không nói lại, nhưng rồi tình cảm vợ chồng cứ xa cách dần. Chính chị là người đòi ly hôn, anh đồng ý và hai đứa con, một trai, một gái, đều đã đang là sinh viên và học sinh năm cuối… cũng nói “tùy bố mẹ”, nhưng chúng chọn “ở với bố tại căn nhà cũ”. Chị ra đi, một mình một nhà, bởi kinh tế chị có đủ…

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau ly hôn chị thấy cuộc sống chông chênh, tuy tiếc nuối, nhưng lại không có ý định “làm lại từ đầu”, mà lao vào thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản thân để lấp đi sự trống trải, cô đơn. Chị mua xe ô tô, sắm sửa nhiều tiện nghi cho căn nhà chị đang sống một mình, cũng là nơi tụ họp những anh chị em cùng nghề kinh doanh.

Năm năm qua, chị cũng có “làm bạn” với một vài người đàn ông, nhưng không mối quan hệ nào kết thúc có hậu. Người bạn đầu tiên của chị là “trưởng nhóm kinh doanh”, ai cũng nói hai người xứng đôi, nhưng rồi anh lựa chọn lấy một cô gái chưa từng kết hôn. Người bạn trai thứ hai là người đàn ông hào hoa phong nhã, là giảng viên mỹ thuật của một trường cao đẳng đóng trên địa bàn gần nhà chị, chỉ có điều anh ấy vẫn có vợ con ở Lào Cai, và không có ý định tiến xa tới hôn nhân với chị. Người thứ ba là một “cậu thanh niên” kém chị 9 tuổi, người mà chị giúp đỡ rất nhiều trong làm ăn, cũng hỗ trợ “cậu ấy” ít vốn. Tuy nhiên, chị nhận ra cậu ấy chỉ là người giúp chị khuây khỏa nỗi cô đơn của người đàn bà đang tuổi… sắp mãn kinh, chứ không thể là “người bạn đúng nghĩa”. Hiện nay chị đi lại với cậu ấy ít hơn..

Người cuối cùng, cũng là vì người đó mà chị đến với văn phòng tư vấn.

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát - ảnh 2
Ảnh minh họa

Anh là lái xe cho đơn vị bộ đội đóng quân ngay trước mặt nhà chị. Ngoài lương, anh không có thu nhập gì nữa. Anh ly hôn vợ ở một tỉnh miền Trung, có một cậu con trai cũng đã định cư và lấy vợ trong Nam, nên hiện nay là “trai độc thân U50”. Anh vừa là “chàng trai xứ gió Lào cát trắng”, lại được rèn luyện hơn 20 năm trong quân đội, nên rắn rỏi, khỏe mạnh, ăn to, nói lớn, nam tính có thừa và cũng… hơi gia trưởng. Anh chị đã yêu nhau, ăn ở với nhau tại nhà của chị được nửa năm. Anh cũng đưa chị về quê thăm mẹ già của anh, biết những gì anh khai báo về “hoàn cảnh gia đình” đều đúng sự thật. Thủ trưởng đơn vị và anh em đồng ngũ, đồng nghiệp của anh đều ủng hộ hai người tiến xa. Họ đùa là nếu hai người làm đám cưới, họ nhà trai sẽ mặc quân phục 100% và có một đại đội bồng súng trên sân khấu đón cô dâu và chú rể. Tuy nhiên, chị còn nhiều lăn tăn, nhất là vấn đề kinh tế.

Anh không có tài sản gì, chị chấp nhận, chị chỉ cần anh yêu thương, gắn bó với chị, anh sống bằng lương, chị không phải nuôi, còn chị sẽ lo tất cả. Tiếc thay, anh hay đòi hỏi, nhắc nhở chị “gửi tiền về cho mẹ”, trong khi hai người chưa là vợ chồng. Em gái anh ở quê sinh con, cậu em rể mổ chân vì tai nạn, họ nhà anh quyên góp xây nhà thờ họ, thôn nhà anh kêu gọi ủng hộ làm đường nông thôn mới… anh đều nhắc chị gửi tiền cho, biếu, tặng. Chị thấy anh hơi “vô lý”, bởi chị không có nghĩa vụ làm việc đó và tiền chị đâu có nhiều tới mức chi tiêu không cần tính toán như vậy.

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát - ảnh 3
Ảnh minh họa

Khi biết chị có nhà, có xe, có một vài mảnh đất ở vùng đồi, ven đô, anh nói với chị rằng anh sợ chị “cậy của”, nên nếu lấy nhau, những thứ chị có phải cho anh “đứng chung tên”. Chị mua cho anh không thiếu thứ gì, từ quần áo, giầy dép, comple, điện thoại, nhưng anh không tặng chị bất cứ thứ gì trong nửa năm yêu nhau. Chị nói đùa, nhắc nhở thì anh nhăn nhở cười, nói rằng “tấm thân tớ đã là món quà to rồi, cần gì phải vẽ chuyện”. Chị tự ái, nghĩ anh coi thường chị, chỉ cần “tấm thân của anh”. Chị không phàn nàn, chê anh điều gì, ngoài sự lèm nhèm về kinh tế và có chút thực dụng đáng nghi!

Nghe câu chuyện chị Liên chia sẻ, các chuyên viên tư vấn khen chị tỉnh táo, dù rất khát khao có cuộc sống vợ chồng êm đềm. Có thể người này, người khác cho rằng chị thực dụng quá, tỉnh táo quá, nhưng không sao, đời dạy chúng ta rằng “ái tình thì mặc ái tình, tiền bạc phải phân minh”. Những điều chị lăn tăn, đắn đo, không phải là không có lý. Không ít phụ nữ khá giả, trong lúc tình yêu lên cao trào, đã tặc lưỡi chấp nhận “của em là của anh”, rồi đến khi nhận ra mình bị lợi dụng, thì mọi sự đã muộn, giấy trắng mực đen, đành mất tiền, mất tài sản mà không dám kêu ai. Nếu như anh chị thương yêu nhau, anh tự tin cùng chị vun đắp cuộc sống lứa đôi, anh chị độc lập kinh tế, cái gì chị chia sẻ được thì đó là sự tự nguyện, còn không thì thôi, thì không có gì đáng nói. Đằng này, một cuộc hôn nhân có điều kiện là báo hiệu điều không lành.

Thay vì chúng tôi khuyên chị đồng ý ghi tên anh vào sổ đỏ, bổ sung tên anh vào mọi giấy tờ sở hữu, chúng tôi nhắc chị suy nghĩ khác đi. Chị có cần thiết phải lấy chồng hay không? Chị đã có con trai, con gái khá lớn, nay mai lên chức bà nội, bà ngoại đến nơi. Vợ chồng bỏ nhau, nhưng chị không nên bỏ con. Hãy dành thời gian quan tâm đến cuộc sống và tương lai của hai đứa con khá lớn của mình, tạo sự đi lại, gần gũi, ấm áp, hâm lại mối quan hệ mẹ con. Việc chị yêu ai, quý ai, hãy tự quyết định, lựa chọn mối quan hệ nào đó không vi phạm pháp luật, nhưng cũng có thể không cần kết hôn, không ràng buộc nhau về tài chính, về nghĩa vụ, thương nhau thì về ở cùng nhau, chia sẻ vui buồn. Chị cũng lưu ý đến việc giữ gìn sức khỏe, quản lý tốt tài sản của mình, đừng chủ quan bởi việc làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tài sản riêng của mình và con cái là thứ chị có thể “dựa vào” khi tuổi về già, chứ đừng quá trông cậy vào ai. 

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát - ảnh 4
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nếu chị vẫn kiên quyết phải lấy chồng, phải kết hôn với người đàn ông chị đang gắn bó hiện nay, thì chị hãy nói thẳng, nói thật về những quan điểm, suy nghĩ của mình để anh ấy hiểu. Không vì sợ ảnh hưởng mối quan hệ mà phải nhắm mắt làm những điều mà mình không muốn. Hãy cho anh ấy biết rằng tài sản mình có là từ hồi còn sống chung với chồng cũ, là còn phải lo cho các con của mình, không thể ghi tên anh vào giấy tờ được. Nếu quyết tâm lấy nhau thì bắt đầu xây dựng “từ giờ phút này” một quỹ tài chính chung, còn mọi thứ đã có, sẽ là của riêng của người vợ. Anh ấy yêu thương chị thực sự, muốn gắn bó lâu dài, anh ấy sẽ đồng ý. Còn không thì chị cũng biết… sự thật!

Chị Liên ngẫm nghĩ, rồi cũng nói: “Em thấy các bác nói có lý. Em sẽ bình tĩnh, tỉnh táo hơn, không để mình cứ bị ấm ức như thời gian vừa qua nữa”!

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.