Tìm hiểu về các biện pháp tránh thai hiện đại

ThS. BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó trưởng khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai được các cặp vợ chồng lựa chọn. Mỗi biện pháp đều có tác dụng và ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, chưa thật sự nhiều người hiểu đúng về cách sử dụng, thời điểm sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân.

Những biện pháp tránh thai phổ biến 

Theo phân loại, có thể chia các biện pháp tránh thai thành: Tránh thai vĩnh viễn (triệt sản nam, nữ), và tránh thai tạm thời (phương pháp nội tiết như thuốc tránh thai khẩn cấp, định kỳ, thuốc tiêm, que cấy tránh thai; đặt vòng; dùng bao cao su; màng ngăn âm đạo; diệt tinh trùng; xuất tinh ngoài âm đạo; tính ngày…). Mỗi biện pháp sẽ có hiệu quả khác nhau, cũng như thời gian hiệu quả không giống nhau. 

Chẳng hạn, về thời gian, que cấy tránh thai có hiệu quả trong 3 năm, vòng nội tiết hiệu quả trong 5 năm, vòng tránh thai TCU (dụng cụ tử cung chứa đồng) hiệu quả từ 8-10 năm; tuy nhiên, vòng tránh thai, vòng nội tiết lại có mức độ hiệu quả lên tới 99%, cao hơn nhiều so với vòng tránh thai TCU và các biện pháp tạm thời khác.

Tìm hiểu về các biện pháp tránh thai hiện đại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp hay định kỳ có gây vô sinh không?

Thuốc tránh thai có tác dụng ngăn sự rụng trứng, làm thay đổi dịch nhày của cổ tử cung khiến tinh trùng khó đi vào tử cung. Đồng thời, thuốc cũng làm cho nội mạc tử cung mỏng đi, khiến trứng không thể làm tổ. Thuốc tránh thai có nhiều loại: Thuốc tránh thai khẩn cấp (chỉ chứa progestin, sử dụng sau khi giao hợp không được bảo vệ hoặc sử dụng biện pháp tránh thai thất bại, uống càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ sau giao hợp), thuốc tránh thai định kỳ, mỗi ngày 1 viên vào giờ cố định.

Các loại thuốc này có cơ chế tác động lên nội tiết tố. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định sử dụng thuốc tránh thai sẽ dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, sẽ có những ảnh hưởng tạm thời tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Chẳng hạn viên uống tránh thai khẩn cấp có thể khiến người dùng thấy nhức đầu, buồn nôn, xuất hiện kinh nguyệt sớm, kéo dài. 

Hay với thuốc tránh thai định kỳ, thường phải hết vỉ đầu tiên (trong điều kiện uống đúng liều, đúng giờ) thì sau khi kết thúc chu kỳ kinh thuốc sẽ phát huy tác dụng và ngược lại.

Cấy que tránh thai vào thời điểm nào thích hợp

Que tránh thai phổ biến trên thị trường hiện nay là loại nang (que) mềm, hình trụ, chất dẻo sinh học (Implanon chứa 68mg etonnogestrel), chứa nội tiết Progestin học, tác dụng tránh thai trong 3 năm. Phương pháp này chỉ nên áp dụng với người không có bệnh lý nội khoa; cấy khi mới dùng thuốc tránh thai hoặc sau khi sinh con được 6 tuần; thời điểm cấy phải được khẳng định là không có thai.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, que cấy tránh thai nên được cấy vào đúng ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Khi đó, ngay sau khi sạch kinh, que cấy sẽ phát huy tác dụng. Trường hợp cấy que theo nhu cầu, thường sau 7 ngày mới phát huy tác dụng. Phương pháp này có hiệu quả tránh thai rất cao, lên tới 99%, nhưng các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dùng áp dụng thêm biện pháp tránh thai bao cao su để đảm bảo an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn bởi phương pháp nào cũng có xác suất nhất định.

2 tuần sau khi bỏ que tránh thai chị em có thể mang bầu trở lại mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay gây dị tật cho thai. Phương pháp này tương đối an toàn, nhưng một số ít trường hợp cơ địa quá nhạy cảm có thể gặp phải tình trạng nổi mụn, tăng cân; hoặc gặp tác dụng không mong muốn là bị mất kinh, ít kinh, thưa kinh.

Một số lưu ý khác

Khi áp dụng các biện pháp tránh thai, chúng ta cần lưu ý, tránh gặp vấn đề không mong muốn. Chẳng hạn khi sử dụng bao cao su cần dùng đúng cách, lựa chọn sản phẩm có chất lượng; đặt dụng cụ tử cung đôi khi có thể gây đau bụng, kinh nhiều, hoặc viêm nhiễm vùng chậu, viêm âm đạo. Đối với những chị em sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày cần lưu ý những chỉ định, chống chỉ định của thuốc, không dùng thuốc tránh thai đối với người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, có tổn thương mạch máu, bệnh gan nặng, đau nửa đầu, viêm tụy, đã biết hoặc nghi ngờ do có u ác tính… Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi lựa chọn phương pháp tránh thai.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.