Tình em

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi

Tình yêu là sự sống

Nên nắng hửng trong lòng

Mạch đời căng máu nóng

 Anh đi xa bao núi…

Tình em như khe suối

Lưu luyến và nhớ thương

Chảy theo anh khắp rừng

 Anh đi xa càng xa

Tình em như cỏ hoa

Âu yếm và thiết tha

Theo anh dài nương rẫy

 Anh đi xa xa mãi

Đường giải phóng gian nan

Tình em là buồm căng

Qua bão bùng sóng lộng

 Tình em là lửa hồng

Rực cháy giữa đêm đông

Mặt trời lên đỏ mọng

Như môi em tươi hồng

 Vì sao khuya đỉnh đồi

Là mắt em xa xôi

Làm cánh gió em ơi

Chắp cánh chim em ơi

Chắp cánh ta yêu nhau

Trọn đường đời chiến đấu

 Anh đi biệt tháng ngày

Tình em như sông dài…

                                  Ngọc Sơn

Tình em - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Thi phẩm “Tình em” gồm 32 câu thơ thể năm chữ, dạt dào cảm xúc trữ tình, rút từ tác phẩm "Trường Sơn - đường khát vọng", NXB Chính trị quốc gia, 2009. Tác giả bài thơ tên khai sinh là Hồ Ngọc Sơn (1932, Quảng Ngãi), vào bộ đội rồi tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1961, ông trở về miền Nam chiến đấu trên chiến trường Khu V và Tây Nguyên (sau ông trở thành phóng viên báo Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ, từ năm 1975 là Trưởng Phòng Tuyên huấn kiêm Tổng Biên tập báo Quân khu V). Bài thơ ra đời năm 1962 khi Ngọc Sơn nhận được bức thư đầy tình cảm của vợ từ Hà Nội gửi vào mặt trận Gia Lai.

Ngọc Sơn cảm động và thương vợ vô cùng, cảm xúc trào dâng dào dạt, anh sáng tác ngay bài thơ "Tình em". Những vần thơ ở đây là tiếng nói từ sâu thẳm trái tim của chiến sĩ gửi người vợ yêu quý của nhà thơ trong những tháng ngày xa cách. Sau khi hai người đám cưới, sống bên nhau được mươi ngày thì chồng vào chiến trường đang trong giai đoạn ác liệt.

Mở đầu là những vần thơ thể hiện sự quan sát và những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, về tình người: “Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi”. Sự xa cách trong tình yêu cũng như gió với lửa. Gió có thể dập tắt một tình yêu nhỏ nhưng lại làm bùng cháy một tình yêu lớn. Tình yêu son sắt, chân thành  thấm đẫm trong lá thư của người vợ hậu phương đã tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho người chiến sĩ nơi xa: “Anh đi xa bao núi…/ Tình em như khe suối/ Lưu luyến và nhớ thương/ Chảy theo anh khắp rừng/ Anh đi xa càng xa/ Tình em như cỏ hoa/ Âu yếm và thiết tha/ Theo anh dài nương rẫy”. Các điệp từ anh/ em cứ đan cài quấn quýt nhau như chim liền cánh, như cây liền cành.

Vào thời điểm bấy giờ, thử thách lớn nhất không phải là đạn bom ác liệt mà là cuộc đấu tranh quyết liệt để giữ vững cho được lòng tin, tin vào chính mình, tin ở người yêu, tin tưởng vào ngày mai thắng lợi. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh với những  màu sắc thiên nhiên sống động, rất gần gũi với người chiến sĩ. Điệp từ "Tình em" láy đi láy lại tới 6 lần, trở thành âm hưởng chủ đạo mang sắc thái trân trọng, ngợi ca người ở nhà. Tác giả đã sử dụng vô cùng đắc địa biện pháp tu từ so sánh kép liên tiếp “Tình em” như: Sự sống, cỏ hoa, sông dài, buồm căng; như khe suối chảy theo anh khắp rừng; như buồm căng giúp cho con thuyền anh vượt qua được bão bùng sóng lộng

Chưa hết, vẫn nguồn mạch yêu thương dào dạt, nhà thơ tiếp tục ngợi ca và trân trọng: “Tình em là lửa hồng/ Rực cháy giữa đêm đông/ Mặt trời lên đỏ mọng/ Như môi em tươi hồng/ Vì sao khuya đỉnh đồi/ Là mắt em xa xôi/ Làm cánh gió em ơi/ Chắp cánh chim em ơi”. Những hình ảnh đó đều là vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh vừa thân thương gần gũi, vừa ấm áp ngọt lành lại vừa rất bay bổng, lãng mạn, giàu giá trị thẩm mỹ. Tình yêu ấy là đôi cánh diệu kỳ tiếp thêm sức mạnh cho anh và em:  “Chắp cánh ta yêu nhau/ Trọn đường đời chiến đấu/ Anh đi biệt tháng ngày/ Tình em như sông dài…”. Tình yêu lứa đôi trong bài thơ luôn gắn bó mật thiết với lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ quốc, với mục tiêu chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1962, nhạc sĩ Huy Du tình cờ đọc bài thơ này trên báo Văn nghệ. Đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh người lính, ông xúc động phổ nhạc bài thơ tiết tấu uyển chuyển thơ nhạc hòa quyện ngân nga thể hiện tâm tình người vợ bộ đội trong chiến tranh. Thi phẩm được giai điệu âm nhạc chắp cánh, trở thành bài ca  bất hủ cùng năm tháng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.