Tính lương hưu hằng tháng của lao động nữ

Báo Phụ nữ Thủ đô
Chia sẻ

(PNTĐ) -Lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường thì điều kiện nghỉ hưu và tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng như trường hợp của tôi sẽ là bao nhiêu %?

Câu hỏi
Tôi đang làm tại một cơ quan hành chính sự nghiệp cấp xã, đến đầu năm 2023 tôi 56 tuổi và đủ tuổi nghỉ hưu. Tính đến thời điểm đó, tôi tham gia và đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm 7 tháng. Xin hỏi Báo PNTĐ, lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường thì điều kiện nghỉ hưu và tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng như trường hợp của tôi sẽ là bao nhiêu %? Xin cảm ơn!

Tính lương hưu hằng tháng của lao động nữ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời
Theo khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về điều kiện hưởng lương hưu, “lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì được hưởng lương hưu”.

Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”.

Như vậy, làm việc trong điều kiện bình thường, đã tham gia và đóng bảo hiểm xã hội 16 năm 7 tháng, khi nghỉ việc vào đầu năm 2023, đủ 56 tuổi thì chị được hưởng lương hưu.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Theo khoản 4 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, “mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: Đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%”.

Hướng dẫn cụ thể nội dung này, Điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định: “Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%”.

Thêm nữa, theo khoản 2 Điều 17 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, “khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm”.

Căn cứ các quy định nêu trên, nghỉ việc hưởng lương hưu khi 56 tuổi, có 16 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của chị được tính như sau:

- Số năm đóng bảo hiểm xã hội của chị là 16 năm 7 tháng, số tháng lẻ là 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của chị là 17 năm.

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng: 15 năm đầu tính bằng 45%; từ năm thứ 16 đến năm thứ 17 là 02 năm, tính thêm 2 x 2% = 4%. Tổng cộng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của chị là 49%.

Như vậy, mức lương hưu hằng tháng của chị được tính bằng 49% nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.