Tình yêu qua thử thách chiến tranh

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi xung phong ra tiền tuyến. Giữa cuộc chiến khốc liệt giành lại độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, họ tình cờ gặp nhau, rồi bén duyên và nảy nở tình yêu đôi lứa. Thuở ấy, những bức thư tay, những trang nhật ký không chỉ là lời nguyện ước dành cho nhau, mà còn là động lực để họ được tiếp thêm sức mạnh, chiến đấu cho ngày mai độc lập. Tình yêu thời chiến - là khao khát hiến dâng cho Tổ quốc, bởi chỉ khi Tổ quốc độc lập, thì hạnh phúc lứa đôi mới được vẹn tròn.

Sức mạnh của tình yêu

Năm 1974, sau 8 năm yêu và chờ đợi nơi chiến trường, ông Trần Công Thắng và bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đã được gặp lại nhau và nên duyên vợ chồng. Họ từng là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi xung phong ra chiến trận, cùng chiến đấu tại Trường Sơn. Mưa bom, bão đạn đưa đôi lứa đến gần nhau. Ông Thắng làm công binh đảm bảo thông suốt cho tuyến đường bên Tây Trường Sơn.

Còn bà Ánh lái xe vận tải bên Đông Trường Sơn. Tình yêu thời chiến, trong chiến tranh là điều gì đó rất khó diễn tả. Nó khiến cho bà Ánh dám đi qua những trọng điểm bắn phá ác liệt để hy vọng mình sẽ gặp người yêu. “Xông vào hiểm nguy mà tôi chẳng sợ sệt gì, chỉ háo hức, phấn chấn mong gặp được ông ấy”, bà kể. Còn trong bức thư gửi người yêu, ông Thắng tâm tình: 
"Ánh, em thân yêu!

Mối tình của chúng ta đã được tròn hai xuân rồi nhỉ? Tình của chúng ta đẹp thật, đẹp như mùa xuân vậy. Thế mà giờ đây chúng ta sắp phải xa nhau. Vì nhiệm vụ công tác anh không được sống gần em nữa”. 

Giản dị mà thiêng liêng như thế, tình yêu ấy đi qua chiến tranh, trở thành động lực để họ chờ đợi nhau.

Tại phòng trưng bày “Tình yêu trong chiến tranh” do Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức, có 12 câu chuyện tình xúc động, và được đặt tên riêng. Câu chuyện tình yêu của vợ chồng nhà giáo Lê Nguyệt Bảo và Phạm Hoài Thủy (Gia Lâm, Hà Nội) được đặt tên là Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau. Thầy giáo Phạm Hoài Thủy và cô giáo Lê Nguyệt Bảo gặp nhau và nên duyên chồng vợ từ một giải bóng chuyền tổ chức ở Lào Cai năm 1963. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, năm 1972 đáp lại Lệnh Tổng động viên, kêu gọi tầng lớp trí thức lên đường nhập ngũ, nghe theo tiếng gọi non sông, thầy Phạm Hoài Thủy xếp bút nghiên, rời bục giảng lên đường đánh giặc. Khi ấy, họ đang có với nhau 2 người con và bà Nguyệt Bảo đang có bầu đứa con thứ 3.

Tình yêu qua thử thách chiến tranh - ảnh 1
Lá thư ông Trần Công Thắng gửi người yêu.

Chồng đi bộ đội, bà ở nhà bươn trải để nuôi bố chồng mẹ chồng, em chồng, 2 đứa con và em bé sắp chào đời. Những cánh thư chính là sợi dây nối liền giữa hai đầu thương nhớ, giúp người tiền tuyến, người hậu phương có thêm động lực để hy vọng một ngày đoàn tụ. Xa nhau đằng đẵng 4 năm, dù người viết thư chủ yếu là chồng, còn bà Nguyệt Bảo không có thời gian viết vì quá bận, nhưng chưa một lần bà thôi tự hào về người chồng đi bộ đội. “Vì anh ấy được đi bộ đội mà tôi ở nhà cũng không nề hà bất kỳ chuyện gì để chăm sóc gia đình, trồng rau nuôi gà, có khi 2 giờ sáng vẫn còn đi bắt sâu”, bà nói.

Nợ nước trên tình nhà

Bất chấp sự khốc liệt của chiến tranh, nhiều mối tình đã nảy nở, đơm hoa, tiếp thêm sức mạnh giúp những người lính vượt qua gian khó. Ác liệt là thế, nhưng tình yêu đôi lứa vẫn nảy nở và bền chặt như lẽ tự nhiên, bất chấp khoảng cách đơn vị ở xa nhau, số lần gặp nhau thưa thớt đến quặn lòng. “Việc riêng xen lẫn việc chung/ Tình yêu nảy nở giữa rừng Trường Sơn...” là những vần thơ ông Lê Hữu Toàn (TP Hải Dương) viết tặng vợ, bà Mai Thủy Chiến - người đồng đội năm xưa.

Là bộ đội thông tin, phục vụ ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, cuối năm 1973, ông Toàn quen bà Chiến là nữ cán bộ Trạm Sốt rét (Ty Y tế Quảng Trị) được tăng cường từ tỉnh Thái Bình vào. Thấy bà Chiến và các nữ đồng đội gồng mình chiến đấu với những cơn sốt rét, gầy gò và thiếu thốn trăm bề nhưng không nề hà những nhiệm vụ khó khăn, vẫn băng rừng, lội suối đi khám chữa bệnh cho nhân dân ở các làng bản xa xôi.

Chung một lòng nồng nàn yêu nước và chiến đấu hết mình cho ngày độc lập phía trước, nên họ càng thấy thương nhau vô cùng. Tình yêu nước và những nhớ thương của lứa đôi kéo họ lại gần nhau. Biết khoảng cách xa nhau, thư tay cũng thi thoảng lắm mới nhờ gửi được nên họ tự động viên nhau từ xa. Hai trái tim cứ thế cùng chung nhịp đập, như trong thơ gửi người yêu, ông Toàn đã viết: “Cuộc đời phải có niềm tin/Đến ngày thống nhất sẽ tìm được nhau”. Đúng là họ đã về bên nhau vào những tháng ngày thống nhất đất nước đã đến gần. Cuối năm 1974, ông bà được đơn vị tuyên bố nên vợ nên chồng.

Nhưng việc nước nào đã xong, cưới nhau rồi, họ lại trở về đơn vị, tiếp tục xa nhau biền biệt vì những công việc sau cuộc chiến vẫn còn bộn bề. Phải đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, họ mới được nghẹn ngào nắm tay nhau. Rời quân ngũ, trở về công tác, sinh sống ở Hải Dương, an vui với cuộc sống bình dị đời thường, hết tiếng bom đạn, hai ông bà chăm chút cho nhau mỗi ngày, như gìn giữ những ký ức đã qua của một mối tình son sắt.

Tình yêu qua thử thách chiến tranh - ảnh 2
Vợ chồng nhà giáo Lê Nguyệt Bảo và Phạm Hoài Thủy. 

Rất nhiều tình yêu thời chiến được đền đáp xứng đáng khi đôi lứa gặp lại nhau, tình yêu hòa chung với niềm vui độc lập dân tộc. Nhưng có không ít gia đình, cặp đôi mãi mãi lìa xa nhau, người ở lại chỉ còn biết nhớ về người ra đi qua những ký ức, những cánh thư dặn dò, chứa chan nhung nhớ.

Dẫu vậy, nợ nước phải trên tình nhà, lòng yêu nước thiết tha khiến tình yêu ấy dù đã cách xa nhưng chưa bao giờ phai nhạt. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày chồng hy sinh tại chiến trường, trong những ngày kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, nhưng chưa một lần nào bà Phan Thị Bé, vợ liệt sỹ Phan Huy Chương thôi khắc khoải nhớ thương. Điều ở lại với bà là 30 bức thư ông gửi về từ chiến trận. 30 bức thư, lúc là nồng nàn, khi lại khắc khoải nhớ thương, rồi động viên, khích lệ vợ con, và cũng chất chứa cả những hờn giận như bao đôi trẻ khác. Nhưng bao trùm lên tất cả là niềm tin vào thắng lợi, vào ngày đoàn viên, sum họp khi đất nước thống nhất.

“Anh thương em, anh nhớ em, anh ôm em vào lòng. Anh hôn em nhiều cái, em có hồi hộp không. Anh sẽ gục đầu vào vai em, vào má em. Em ơi! Em của lòng anh thương nhớ, em của riêng anh mà thôi”.

Lời hẹn ước “anh sẽ về với em, khi nước nhà thống nhất” của người lính gửi vợ ở quê nhà đã không thành sự thật. Nhưng, cũng như lời ông viết, “Chiến tranh là vậy. Anh phải xác định tư tưởng cho em trước… Anh là chỉ huy, là Bí thư chi bộ, là chính trị viên trong đơn vị, phải gương mẫu, dũng cảm hơn ai hết…”, bà hiểu rằng, là người lính, chồng bà, hay bất cứ người chiến sỹ nào đều có thể ngã xuống. Với họ, sống là phải anh dũng, hy sinh phải vẻ vang để bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, là hậu phương, là người ở lại, bà càng phải mạnh mẽ để tiếp tục sống và lo cho các con.

Khói lửa chiến tranh càng khiến tình yêu thêm rực rỡ. Dù đó có là những sự hy sinh, là những ngày dài biền biệt không biết đến khi nào sẽ gặp lại. Nhưng với những mối tình thời chiến, dẫu có ác liệt thế nào, thì “đêm ngày trong chiến đấu, anh với em, sống vẫn gần nhau”.

Ảnh: Tư liệu

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

(PNTĐ) - Nữ cựu chiến binh Trần Thị Kim Dung, chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ dân phố Kim Bài - thị trấn Kim Bài là một trong những tấm gương sáng trên địa bàn huyện Thanh Oai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống, bà là tấm gương bình dị, luôn tận tâm, trách nhiệm, vì công việc chung, vì cộng đồng. Trong gia đình, bà là người mẹ hiền, người vợ đảm đang.
Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - Tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Việc "lên tiếng” và giải quyết các vụ việc này cần phải được coi trọng hơn nữa, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và can thiệp nhanh chóng.
Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.