Tờ tiền trong cặp sách của con

Nguyễn Thị Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, chị tình cờ phát hiện bị mất 1 tờ 200.000 đồng ngay tại nhà, điều mà trước đây chị chưa từng nghĩ tới. Chị lâu nay vẫn tin là con mình thật thà, ngoan ngoãn, làm sao có thể ăn trộm tiền của mẹ được.

Bình thường, vốn bận rộn với công việc và tỷ thứ phải lo cho gia đình, chị ít khi để tâm mình có bao nhiêu tiền trong ví. Cứ đi làm về, cái túi bên trong có ví tiền được chị đặt ngay ngắn trên chiếc tủ giầy ở gần cửa. Ngày hôm sau, chị lại vô tư mang túi đi làm mà chẳng hề kiểm tra còn gì, mất gì bên trong.

Lúc đi chợ, hay mua sắm lặt vặt, chị lấy tiền trong ví ra trả, cuối tháng có lương thì lại nhét thêm tiền vào. Cũng có đôi lúc, khi thấy tiền trong ví có vẻ vơi đi, chị cũng chỉ ngờ ngợ vậy thôi rồi vội cho qua. Chị nghĩ chắc là mình tiêu vào khoản gì đó rồi chứ tiền mất làm sao được.

Nhưng lần này thì khác. Buổi chiều, chị vừa trả tiền cho shipper nhưng lấy phải tờ 200.000 đồng bị rách nên người ship trả lại chị. Chị cẩn thận để tờ tiền vào ví để đợi lúc nào tiện sẽ mang ra ngân hàng đổi lại. Vậy mà sau đó khi mở ví ra thì tờ tiền bị rách đã không cánh mà bay.

Cả chiều tối hôm đó, chị vừa nấu cơm vừa nghĩ miên man. Lẽ nào là con gái lấy tiền của mẹ khi chị không để ý. Đúng là lúc chiều, chị thấy con trước khi đến lớp học thêm có quanh quẩn ở chỗ tủ giầy. Chị lại nghĩ là con mải chọn giầy nên không hỏi han gì. Còn chồng chị, anh cũng đi làm, trong ví lúc nào cũng đủ tiền tiêu thì càng chẳng có lý do gì để lấy tiền của chị cả.

Chị đợi mãi rồi cũng tới lúc con gái đi học về. Chị cứ hy vọng mình nghi oan cho con, nào ngờ, sau một hồi lúng túng, con đã òa khóc thừa nhận đã lấy trộm tiền của chị. Chị bàng hoàng hơn khi đây không phải là lần đầu tiên con lấy trộm tiền. “Mỗi khi cần tiền tiêu, con đã lấy trộm tiền trong ví của mẹ rồi giấu trong cặp sách”, con chị sụt sùi.

Tờ tiền trong cặp sách của con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lúc này, không kìm được cơn giận dữ xen lẫn thất vọng, chị đã nổi đóa, gọi con là đứa con hư, kẻ trộm tiền. Rồi chị cảnh báo, nếu sự việc này bị phát tán thì không biết ông bà, các cô bác trong gia đình sẽ nhìn nhận về con như thế nào, liệu con còn tự tin mà đứng trước mặt mọi người vậy không.

Con chị khóc lóc vật vã rồi lặng lẽ bỏ vào phòng, đóng kín cửa. Bữa tối đó, con không ra ăn cơm, chị cũng không thể nuốt nổi miếng nào mà chỉ ngồi thẫn thờ ở phòng khách đợi chồng về. Chị muốn chia sẻ với anh về nỗi buồn của lòng mình, rằng anh chị đã có một đứa con ăn trộm tiền.

Tối đó, khi chồng đi làm về, anh chị đã có một cuộc nói chuyện riêng với nhau. Khác với mường tượng của chị, anh không hề nổi đóa, cũng không đánh giá con là đứa trẻ hư. Thay vào đó, anh khuyên chị bình tĩnh và thử nghĩ lại xem, liệu cách chăm sóc con của chị có vấn đề gì không? Liệu anh chị đã thực sự hiểu con, đáp ứng mong muốn của con chưa hay lại đang vô tình đẩy con tới chỗ phải trộm tiền của bố mẹ.

Chị thừa nhận lâu nay chị luôn nghĩ là con còn nhỏ, chưa cần phải tiêu tiền. Mọi nhu cầu của con từ ăn uống, mua sắm quần áo, sách vở chị đều trang bị đầy đủ cho con thì con còn cần tiền làm gì nữa.

Tuy nhiên, chị đã quên rằng, đôi khi, con cũng muốn có tiền để đưa bạn đi ăn, hay là trả tiền trong những cuộc tụ tập, ăn uống cùng các bạn. Con cũng muốn mua những món đồ nho nhỏ mà con thích. Và vì không có tiền, lại biết nếu xin thì chị sẽ không đồng ý nên con đã chọn cách lặng lẽ ăn trộm tiền như vậy.

Sau đó, anh chị cũng đã có một cuộc trò chuyện nghiêm túc và cởi mở với con. Anh chị đã phân tích cho con hiểu, bất kể là lý do gì thì việc ăn trộm tiền, dù là của ai cũng đều không tốt. Tuy nhiên, anh chị đồng ý con cũng có nhu cầu được chi tiêu nên từ nay mỗi tháng sẽ cho con một khoản tiền nho nhỏ. Tuy nhiên, con sẽ thẳng thắn chia sẻ với bố mẹ về việc tiêu tiền của mình hoặc đề đạt nếu có nhu cầu chi tiêu thêm khoản gì đó chứ không được có hành vi trộm tiền như vừa qua.

Đến nay, việc con chị từng ăn trộm tiền của mẹ đã xảy ra được mấy năm và không ai biết gì về việc này. Con chị đã rất biết ơn khi bố mẹ giúp con giữ kín bí mật để con không bị xấu hổ với mọi người trong nhà. Con cũng không bao giờ lặp lại sai lầm, mỗi khi cần tiêu tiền đều thẳng thắn chia sẻ với bố mẹ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.