Tôi bị cách ly và hơi ấm tình người

Chia sẻ

Hà Nội đang trong tâm điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội ban hành nhằm kịp thời ngăn chặn các ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Nhiều hộ gia đình do có liên quan dịch tễ đến ca mắc Covid-19, buộc phải cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung hoặc tại nhà.

Câu chuyện về sự chia sẻ của người thân, bạn bè, cộng đồng cư dân đối với người cách ly và nỗ lực sống vui khoẻ để vượt qua dịch bệnh trở thành điểm sáng trong tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay.

Chia nhau từng chai sữa, mớ rau

Ngày 21/7, một buổi sáng bận rộn như bao ngày, chúng tôi nhận được thông tin về một trường hợp nam giới cùng tầng tại tòa nhà mình đang sống dương tính với Covid-19. Đây là ca bệnh có yếu tố dịch tễ phức tạp, trở về từ TP Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, tôi báo cáo lãnh đạo cơ quan và nhanh chóng trở về nhà để thực hiện yêu cầu cách ly, chống dịch. Trong buổi sáng hôm ấy, tôi cùng các cư dân trong tầng có F0 được lấy mẫu xét nghiệm. Cả tầng ngập ngụa mùi thuốc khử trùng, sát khuẩn.

Chồng tôi lúc đó đang đi công tác xa nhà. Khi khu chung cư bị phong toả, cán bộ y tế yêu cầu ai ở đâu ngồi yên chỗ đó. Chồng tôi buộc phải cách ly tại nơi công tác. Hai con đã về quê với ông bà từ trước khi có ca lây nhiễm F0. Gia đình tôi đang yên vui bỗng “mỗi người một nơi”, đồng nghĩa với nhiều lo lắng mới. Tôi cũng chưa kịp chuẩn bị gì khi bị cách ly, từ nhu yếu phẩm, thuốc men chăm sóc sức khoẻ, kể cả tài chính…

Liên tiếp hai ngày sau, các ca F0 mới tiếp tục được phát hiện. Từ việc cách ly 1 tầng, UBND quận ra quyết định cách ly toàn bộ khu chung cư. Nghe thông tin đó, rất nhiều người thân đã nhanh chóng mua nhu yếu phẩm, lương thực… tiếp tế cho các gia đình tại khu chung cư. Do được chuẩn bị tâm lý từ trước, mọi người không còn cảm thấy hoang mang hay lo sợ.

Dù trong khó khăn, mọi người vẫn luôn đồng lòng để vượt qua dịch bệnh (Ảnh: Tuấn Anh)Dù trong khó khăn, mọi người vẫn luôn đồng lòng để vượt qua dịch bệnh (Ảnh: Tuấn Anh)

Tôi gọi điện thoại nhờ ông bà nội chăm sóc các cháu nhỏ trong thời hạn 14 ngày cách ly, chia sẻ với mọi người rằng bản thân luôn ổn. Ban quản trị cắt cử một nhóm lễ tân làm nhiệm vụ mua đồ dùng thiết yếu hằng ngày, hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các cư dân đang phải cách ly nghiêm ngặt tại nhà. Mẹ tôi bảo con gái bị bí tiểu, thường xuyên kêu đau và khóc đêm. Chúng tôi không thể về đưa con đi khám, chỉ nhờ ông bà theo dõi cháu, đồng thời cho con uống nhiều nước, đảm bảo ăn nhiều rau xanh và vệ sinh hằng ngày. Tôi đang bị cách ly mà tâm lý không khỏi bất an. Cũng may, sau mấy hôm, cháu đã khỏi bệnh, vui vẻ trở lại.

Trong khó khăn mới thấy rõ tình người. Bạn bè tôi, người thì gửi ít rau củ quả, người đặt mua hộ thực phẩm. Có người nhờ tôi tặng cho mỗi hộ trong tầng 1-2 chai sữa (loại 1 lít) ngọt mát. Nhà bên cạnh có cháu bé 5 tuổi bị đau bụng, được bác sỹ kê đơn thuốc từ xa, dược sỹ gói thuốc nhờ lễ tân mang lên. Ai thiếu đồ gì chưa kịp mua, những gia đình khác sẵn sàng giúp đỡ. Cháu bé phòng cuối dãy chuẩn bị thi học kỳ mà máy tính bị hỏng, những người khác gác lại công việc, mỗi người cho cháu mượn nửa buổi để cháu bé yên tâm ôn thi. Chủ đầu tư của toà chung cư cũng đã tặng cho mỗi gia đình 10kg gạo, 1 triệu đồng/1 F0, F1 đang điều trị và cách ly. Nhận được gạo, các gia đình quyên góp tặng lại cho những hộ khó khăn hơn… Đến ngày thứ 6, một thai phụ trong khu chung cư trở dạ. Ngay lập tức, các y bác sỹ phường đã phối hợp đưa thai phụ đến bệnh viện. Nhờ đó, thai phụ chuyển dạ thành công, sinh con an toàn, vừa đảm bảo phòng chống dịch… Đó là thứ tình cảm chân thành mà những người đang cách ly ở đây luôn trân quý và giữ lại trong tim mình nhiều nhất.

Sống tích cực vượt qua dịch bệnh

Những ngày sau đó, mọi người thường xuyên cập nhật tình hình sức khoẻ, dặn dò nhau nghiêm chỉnh thực hiện quy định 5K, chia sẻ địa chỉ mua đồ tiếp tế. Thông qua zalo, facebook, chia sẻ về cách sống tích cực, chăm chỉ thể dục thể thao, làm đẹp, tận hưởng thú vui cá nhân, chuyện vui… khiến cho 14 ngày qua đi nhẹ nhàng, ấm áp…

Lúc khó khăn nhất cũng là lúc tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia thể hiện rõ nhất. Đó là tính cộng đồng, tình cảm trân quý giữa con người với con người được hiện thực bằng các hành động bình dị; là sự cống hiến quên mình vì người dân của y bác sỹ tuyến đầu chống dịch; sự nhiệt thành, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, sự lăn lộn của các thành viên ban quản trị, ban quản lý, tổ phụ nữ… cùng ăn ngủ với cư dân. Đặc biệt, đó là tinh thần đoàn kết của những tình nguyện viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả chia lửa với ban chỉ đạo. Đó là tình cảm của bố mẹ già không quản ngại đường xa, mưa gió, mua từng mớ rau, quả trứng… tiếp tế cho con... Bạn tôi – anh N.Đ.H, không may trở thành F1 do đi chung cầu thang máy với F0, là một trong những người phải đi cách ly tập trung. Anh cho biết, tại khu cách ly tập trung ở trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình (Thường Tín, Hà Nội), mỗi phòng khoảng hơn 30m2, có 4 F1. Điều kiện sinh hoạt nơi đây sạch sẽ, thoáng mát. Các anh được chuẩn bị chu đáo từ bàn chải, khăn mặt, nước rửa tay, khẩu trang đến nước lau nhà, xà phòng, thùng phân loại rác khác nhau... Mỗi ngày, nhân viên y tế phun khử khuẩn và đo thân nhiệt 2 lần. Loa nhắc nhở cũng như thông tin về tình hình dịch bệnh được phát thường xuyên. Camera được lắp đặt để phục vụ việc giám sát y tế… Chế độ ăn uống đủ chất lượng, thay đổi thực đơn hợp lý. Mọi người trong khu cách ly có thể làm việc bình thường vì có wifi. Các F1 trong phòng tự nhắc nhở nhau về an toàn vệ sinh dịch tễ, sinh hoạt, động viên tinh thần của nhau và gia đình… Nhiều người chủ động tập thể dục hoặc vận động người khác tập yoga, tập hít thở để bảo vệ sức khoẻ trong trường hợp xấu nhất. “Nếu không may phải lên khu cách ly, hành trang duy nhất là tâm lý chiến thắng. Còn lại mọi thứ ở đây đã đầy đủ cả” – anh H xúc động nói.

Các tình nguyện viên đưa gạo đến các tầng trong khu chung cư bị phong toả, cách lyCác tình nguyện viên đưa gạo đến các tầng trong khu chung cư bị phong toả, cách ly

Ngoài kia, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Chẳng ai nói trước được điều gì nhưng chắc chắn những người làm nghề y, những bác sĩ, tình nguyện viên sẽ luôn giữ nhiệt huyết, quyết tâm cùng nhân dân cả nước chiến thắng đại dịch.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết, cách ly xã hội tạo ra sức ép tinh thần đối với mỗi người. Về mặt tâm lý, họ bị đóng khung trong không gian hạn hẹp, không được ra ngoài. Nhiều người cảm thấy bí bách, khó chịu, tù túng, ngột ngạt và cáu bẳn. Trước đây, bố mẹ đi làm, các con đi học, cả ngày chỉ gặp nhau vào buổi tối hoặc cuối tuần thì nay họ có thể gặp nhau suốt 24 giờ trong 14 ngày, thậm chí lâu hơn. Lịch sinh hoạt thay đổi, kéo theo các ức chế khác… khiến họ nảy sinh mâu thuẫn.
Trước tình hình đó, mỗi người cần học cách thích nghi, điều chỉnh lối sống, đồng lòng vượt qua thử thách. Các bạn hãy chủ động và sẵn sàng tâm lý, tránh cảm giác hoang mang, lo sợ. Hãy tin rằng, việc hạn chế kết nối với không gian rộng lớn bên ngoài chỉ là tạm thời. Khi chúng ta vẫn đang được ngồi yên một chỗ thì vẫn có rất nhiều người đang ngày đêm vất vả ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Hãy thực hành lòng biết ơn, đóng góp cho cộng đồng bằng những điều nhỏ bé và bình dị, như có thể đóng góp vào quỹ vắc-xin nếu có điều kiện, hỗ trợ người dân trong khu cách ly vận chuyện thực phẩm, khuyến khích mọi người sống tích cực… Điều đó sẽ khiến cho bạn cảm thấy có giá trị và vui vẻ hơn.
Trong thời gian giãn cách xã hội, nếu gặp vấn đề về tâm lý, bạo lực, xâm hại… trẻ em/ người bảo hộ trẻ có thể gọi điện đến Tổng đài 111 của Cục Trẻ em để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, trung tâm chúng tôi hỗ trợ miễn phí cho người dân gặp vấn đề về tâm lý trong và sau quá trình giãn cách xã hội theo số hotline: 0963 061 414, thời gian từ 13h-20h30 các ngày thứ 4, thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.


QUỲNH AN
(Ghi theo lời kể của chị V.H.N, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.