“Tội” của mẹ chồng

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm mùng 3, bà đi chợ xuân mua muối. Bà hàng xóm vốn thân thiết mới bông đùa, “mua nhiều vào về đưa cho con dâu nó nấu, có thế thì cuối năm mới đỡ khổ được”.

Ốm từ 30 Tết, mà nay đã hết Tết rồi, bà Toàn vẫn chưa hết ốm.

Đùa ấy mà là thật. Cái số bà Toàn, từ ngày chưa có con dâu thì sướng, ông Toàn - chồng bà chiều bà hết mực. Thế mà khi Quyền - thằng con trai duy nhất của bà cưới vợ, thì đời bà cứ như nhảy dù, một phát từ phu nhân xuống làm ô-sin vậy.

Nếu như hai, ba năm đổ về trước, cứ chiều 30 Tết xong xuôi cỗ cúng Tất niên là ông Toàn lại khoát tay “đuổi” bà Toàn ra khỏi nhà để đi chơi bằng được. Tầm ấy, bà hay cùng các bà hàng xóm thân thiết có thể đi cà phê, hay lượn chợ hoa, phố xá, ngắm nghía không khí xuân đang về. Nhưng chiều 30 năm nay, bà Toàn hối hối hả hả xong cỗ rồi dúi hết phần việc còn lại vào tay chồng để lo ăn uống, tắm rửa cho… cháu nội.

“Tội” của mẹ chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Những bà bạn của bà Toàn đã quen với cảnh ấy hai năm nay rồi. Họ tặc lưỡi, coi như bà Toàn tạm “nghỉ phép” tụ tập, đành chờ cháu bà lớn rồi sẽ rủ bà đi chơi trở lại. Nhưng nếu cứ cái cảnh tự mang việc ôm vào người thế này, thì chẳng biết bao giờ bà Toàn được trở lại như ngày xưa.

Loan – con dâu bà Toàn từ lúc sinh con tới giờ - khi thằng bé đã hơn 2 tuổi, chọn việc ở nhà chăm con, không đi làm. Vợ chồng bà Toàn không ý kiến gì, tôn trọng lựa chọn của các con, bởi kinh tế không phải là nỗi lo quá lớn của nhà bà, với cả Quyền – con trai bà một mình đi làm cũng vẫn đảm đương cho gia đình nhỏ được. Thế nhưng, nếu chọn việc ở nhà trông con, thì ít nhiều, Loan phải nhận trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con của mình. Ấy thế mà, người ta chỉ thấy bà Toàn ôm cháu, cho cháu ăn, lúc nó biết bò, biết đi thì chạy theo nó, chứ chẳng mấy khi thấy người bế bồng là mẹ nó cả.

Trách con dâu một, thì có nhẽ phải trách bà Toàn hai. Cũng vì con đầu cháu sớm nên bà chăm chút hai mẹ con Loan rất tận tình. Mẹ chồng càng chăm kỹ, Loan càng sinh tâm lý ỷ lại, thế là bây giờ thành ra, giao phó con luôn cho bà nội. Một ngày của Loan là ngủ dậy, ăn sáng rồi nằm xem điện thoại, tivi, hay cuối tuần thì tót đi chơi với chồng, với bạn. Rảnh lắm hay “bỗng dưng” nhớ con thì mới nhào vào ôm nó tí. Còn bà Toàn, cũng ngủ dậy, nhưng phải lo cho cháu xong thì mới được ăn sáng. Có hôm, bà tưởng mình không thẳng nổi cái lưng vì thằng cháu nghịch quá, rạp người đuổi theo nó, ngẩng lên thì đã hết ngày từ khi nào.

“Tội” của mẹ chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cái cảnh ấy, ông Toàn rất chướng mắt. Không biết bao nhiêu lần, ông cho gọi vợ chồng Quyền – Loan ngồi nói chuyện rõ ràng. “Con của chúng mày, chúng mày phải có trách nhiệm nuôi. Bà chỉ hỗ trợ, chứ không phải thành giúp việc không công thế này…”.

Nói chán nói chê, nói tái nói hồi, nhẹ có, nặng cũng có, mà sự việc vẫn đâu vào đấy. Loan vẫn lười như thế, và bà Toàn – vì cái lý do thương cháu cũng vô tình tiếp tay cho cái sự lười của con dâu. 

Cứ thế, nên 30 Tết này, bà Toàn cho cháu ăn uống xong mới bế cháu ra đầu ngõ, nơi có nhóm thanh niên đang tụ tập, quây quần liên hoan Tất niên, mở nhạc xập xình. Bà Toàn bế cháu ra đó xem cho vui, nhân tiện kiếm cớ ngồi buôn chuyện với mấy bà bạn cũng đang ra đó xem, chờ đến Giao thừa. Ai dè, trời tối, sương xuống ảnh hưởng sức khỏe thế nào mà bà bỗng thấy chóng mặt, buồn nôn, người đi lảo đảo, phải bế cháu về gấp. Về nhà, bà vội giao thằng bé cho mẹ nó rồi nhanh nhanh chóng chóng đi vào giường. Cô con dâu vô tư bảo: “Ấy ấy sao mẹ lại đưa nó cho con, giờ con với anh Quyền đi chơi, xem bắn pháo hoa rồi mới về…”.

Bà Toàn cũng đến tội, chả còn sức mắng cho con dâu một trận nữa, lại bế cháu rồi mang vào phòng khách, “quẳng” cho ông Toàn cũng mới duỗi được người ngồi xem đoạn cuối Táo quân, sau khi một mình mổ mấy con gà…

Thấy vợ mặt tái mét, ông Toàn hoảng quá, gọi với ngay hai vợ chồng con trai đang chuẩn bị rồ ga tót đi chơi: “Hai đứa ở nhà ngay, mẹ chúng mày sắp chết đây này!”. Được cái ông Toàn thương vợ, nên ông làm lớn luôn cho con cái biết mà có trách nhiệm. Quyền chạy vào trước, Loan lẽo đẽo theo sau, ông Toàn phân công: “Cái Loan trông con đi, còn thằng Quyền đi gọi bác sĩ về đây!”. Nhưng chưa kịp đi thì bà Toàn lại khoát tay, cố ngồi dậy bảo: “Không phải gọi, đi ra hiệu thuốc mua cho mẹ kháng sinh liều cao, chắc là mẹ cúm thôi, uống một liều cho khỏi luôn còn đón năm mới”.

“Tội” của mẹ chồng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cả nhà quýnh quáng nên cũng không suy nghĩ gì thêm nữa, nghe mẹ dặn thế Quyền đi ngay. Nào ai ngờ, uống xong 1 nắm thuốc liều cao, bà Toàn càng lịm đi, người mềm oặt như một sợi bún. Đã qua Giao thừa rồi, sang năm mới rồi, pháo hoa nổ lúc nào không hay, ông Toàn rầu rĩ vì thương vợ. Hai vợ chồng con trai đã đi ngủ vì tưởng mẹ uống thuốc xong là êm chuyện. Thấy con cái vô tư, nhất là đứa con dâu vô tâm quá thể không biết hỏi han, ở bên mẹ chồng lấy một phút, ông điên lên, định dựng cả nhà dậy. Nhưng có mắng thì bà Toàn cũng có khỏi ngay được đâu.

Sáng sớm mùng 1, bà Toàn được bác sĩ đến nhà truyền dịch, rồi dặn không được uống thuốc lung tung nữa, cố gắng nghỉ ngơi, bồi bổ rồi sẽ khỏe lại, vì bà bị suy nhược cơ thể một thời gian dài. Nhưng hài hước nhất là, khi bác sĩ vừa về, bà Toàn còn chưa được rút dây truyền, thì Loan đã thong thả xuống phòng bà, hỏi mẹ chồng:

- Mẹ ơi, thằng Bi đến giờ ăn sáng rồi!

Bà Toàn không chịu nổi câu nói này của con dâu, bà thều thào: “Thế bây giờ mẹ nấu cho nó kiểu gì? Hay con cầm ống truyền, đưa mẹ vào bếp rồi mẹ nấu cho cháu nhé?”.
Cũng biết ngại nên Loan chữa ngượng: “Thì ý con là hỏi bình thường mẹ cho cháu ăn gì để con nấu ạ?”.

Ông Toàn đang lúi húi bê bát cháo vào cho vợ, nghe được câu ấy như nổi cơn tam bành, ông bảo: “Con của chúng mày mà hỏi cứ như người dưng ấy nhỉ? Tết nhất thiếu gì đồ ăn, bún miến, cháo đầy ra đấy, xé thịt vào mà nấu cho nó!”. Rồi ông lại thấy Quyền đi vào, ông mắng luôn cả con trai, mắng inh ỏi cả lên rằng Quyền không biết dạy vợ. Thế là sáng mùng 1 nhà cửa náo loạn hết cả. Quyền cãi bố, “lỗi cũng tại mẹ, không chịu dạy bảo gì vợ con”. Loan thì khóc lóc, kêu “tại cháu bện bà quá…”. Chả ai chịu nhận lỗi, cứ thế um sùm mãi một lúc lâu.

Chỉ đến khi thằng bé con lẫm chẫm bước vào, vừa đi vừa mếu, cứ “bà ơi, bà ơi…”, cả nhà mới dừng lại. Ai cũng đứng im phắc nhìn thằng bé, chỉ có bà Toàn là vội vã tháo dây truyền, chạy bổ ra ôm cháu. Ai không biết tưởng bà giả vờ ốm. Chỉ có ông Toàn là thở hắt ra, chán nản: “Tại hết ở bà!”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.