Tôi hạnh phúc vì các con gái của mình

Chia sẻ

Rất nhiều gia đình sinh con một bề là gái mà vẫn tràn ngập niềm vui. Thực tế ấy cho thấy, hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con trai hay con gái mà chính là nỗ lực cùng nhau vun đắp và giáo dục con cái như thế nào.

“Thổi” ước mơ cho con

Năm 2013, gia đình bà Hà Thị Điệp – ông Lê Cẩm Thạch (ở khu dân cư số 8, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhân dịp Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ II – 2013. Hai ông bà đã nuôi dạy hai con gái nên người, đều trở thành tiến sĩ và gia đình là tấm gương sáng về tình cảm và cách nuôi dạy con.

Vợ chồng bà Điệp có hai cô con gái: chị Lê Thái Hà, hiện là Tiến sĩ ngành Môi trường, công tác tại Bộ Y tế và chị Lê Hà Thanh, PGS. TS ngành Kinh tế, hiện là giảng viên đại học Kinh tế Quốc dân. Thành quả này có được, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân các chị, còn có có sự quan tâm, dạy bảo, định hướng của bố và mẹ, đặc biệt là sự trân trọng người con mình sinh ra, bỏ được quan niệm trọng nam khinh nữ để nuôi con thành tài.

Vợ chồng bà Hà Thị Điệp trong buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ của con gái đầu.Vợ chồng bà Hà Thị Điệp trong buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ của con gái đầu.

Bà Điệp chia sẻ: “Hai ông bà kể từ khi lấy nhau, luôn đặt ra những mục tiêu ngắn và dài hạn, tuy nhiên ở mức vừa sức, không nên quá xa vời, để cùng phấn đấu. Ví dụ như, không cố sinh con trai, không ép các con phải học hành nhiều mà dạy cho con tính tự lập, tự giác, chịu khó. Ông bà không dạy con cháu bằng lý thuyết suông mà dạy con cháu bằng việc tự rèn luyện bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày và trong từng việc làm dù nhỏ nhất.

Chính vì thế, giờ đây, các con gái của ông bà cũng dạy dỗ con cái mình như vậy. “3 cháu ngoại của tôi đều rất ngoan và học hành giỏi giang. Đặc biệt, cả 3 đứa đều biết làm việc nhà và thương ông bà, không ỷ lại những công việc vặt vào ông bà. Hai đứa con trai của con gái đầu tôi ở với ông nội, bố mẹ đi công tác triền miên mà cả hai biết tự sắp xếp thời gian đi học, ở nhà cơm nước và chăm sóc cho ông. Bố mẹ không phải lo lắng hay nhắc nhở gì!”. Điều thú vị là dưới nếp nhà ấy, dẫu con cái đều là người thành đạt, giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng mọi người chưa bao giờ để công việc chia rẽ tình cảm lẫn nhau. Hàng tháng, đại gia đình cùng quây quần để chia sẻ những điều mới, ôn lại chuyện cũ, xích lại gần nhau hơn. Con cháu cũng nhìn thấy được tình cảm của ông bà dành cho anh em, họ hàng mà noi gương, sống chân thành, tình nghĩa.

Ngày nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã nỗ lực cùng nhau vun vén, xây dựng hạnh phúc. Với họ, dù là trai hay gái, sinh con ra lành lặn, bình thường, nuôi dạy con ngoan hiền, học giỏi là viên mãn, tròn đầy... Chị Vũ Kim Thoa (quận Ba Đình, TP Hà Nội) là mẹ của 3 cô con gái có con đường học vấn và sự nghiệp rất thành công hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ và Singapore. Cả ba chị em Nguyễn Hà Linh, Nguyễn Quỳnh Mai và Nguyễn Linh Chi đều là cựu học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cô chị cả sinh năm 1986 sau khi tốt nghiệp Hà Nội – Amsterdam đã nhận được học bổng ngành Kiểm toán, du học tại Singapore và giờ đang giữ vị trí quản lý ở một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Cô em thứ hai Nguyễn Quỳnh Mai liên tiếp được nhận học bổng từ những năm tháng phổ thông cho đến đại học, giờ đã chuẩn bị hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Mỹ, chuyên ngành nghiên cứu về ung thư da. Nối tiếp thành công của các chị, cô em út Nguyễn Linh Chi cũng đang chuẩn bị bước vào những ngày học tiến sĩ tại Mỹ. 3 cô con gái tiến xa trên con đường học tập và sự nghiệp, đều khẳng định tài năng nơi xứ người, chính là niềm tự hào của chị Thoa.

Chẳng bao giờ có quan niệm “trọng nam khinh nữ”, vợ chồng chị Thoa luôn là những người bạn, đồng hành trên suốt chặng đường của các con. Bằng tình thương, và cả những kỷ luật “thép”, kỷ luật “mềm”, anh chị đã truyền đam mê, động lực để các con tự phấn đấu. Vợ chồng chị Thoa không định hướng các con đi du học ngay từ đầu, bởi anh chị đều thuần công chức, tiềm lực tài chính khó mà đủ để “tự túc” đưa cả ba cô con gái cùng “cất cánh”. Tuy nhiên, họ có những cách để giúp con phát triển toàn diện, là bệ đỡ chắc chắn để các con có đủ kỹ năng sống khi học tập tại xứ người. “Mình phải xác định cái gì là chính. Nếu văn hoá là cái chính thì năng khiếu, thể thao là bổ trợ, để các con giảm áp lực. Nếu con bỏ nhạc thì con phải tập trung sang học cái khác. Con tự biết cái gì con phù hợp hơn. Có điều kiện cho con đi học là tốt nhưng nên đi như thế nào để đảm bảo sức khoẻ. Các con đi học triền miên như thế thì có hại chứ không có lợi. Khi con đi học thêm về, con phải có thời gian làm bài tập. Đó là lúc con biến kiến thức của thầy cô thành kiến thức của con. Nhưng con cứ đi học miệt mài mà không có thời gian tự học thì chẳng có ích lợi gì”. Bởi vậy, các con của chị Thoa đã có những năm tháng rất thoải mái “vừa học vừa chơi”, không bị nặng nề áp lực và lúc nào cũng được bố mẹ truyền cảm hứng, chia sẻ hết khó khăn, vui buồn. “Bố mẹ nhớ luôn tôn trọng con, phải làm cho con tin tưởng mình tuyệt đối”, chị Thoa chia sẻ bí quyết.

Gia đình hạnh phúc của chị Vũ Kim Thoa với 3 con gái thành đạtGia đình hạnh phúc của chị Vũ Kim Thoa với 3 con gái thành đạt

Niềm hạnh phúc mang tên “con gái một bề”

Từ các câu chuyện của những gia đình hạnh phúc một bề là gái, có thể thấy rằng, điều quan trọng hơn cả không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người có ích. Để có được niềm vui và hạnh phúc như hiện tại, các gia đình có 2 con một bề là gái đã luôn nỗ lực vun vén, tạo sự đồng cảm, thấu hiểu giữa vợ và chồng để cùng nhau chăm lo gia đình hạnh phúc.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thu Trang (phường Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội) cũng từng “đấu tranh tư tưởng” rất nhiều. Bởi sau khi sinh hai con gái, gia đình chồng chị Trang vẫn muốn con dâu “cố” thêm chút nữa, để có đứa cháu đích tôn cho dòng họ. Chồng chị Trang là con trưởng, đứng giữa mẹ và vợ, bối rối không biết phải xử lý ra sao. “Lúc đó tôi thấy mình phải cứng rắn đưa ra quyết định. Tôi nói chuyện với bố mẹ chồng, rằng với điều kiện hai vợ chồng bây giờ, chỉ 2 con là đủ. Ông bà cũng đã có cháu trai, nên việc vợ chồng tôi không có con trai cũng có thể thông cảm được, thời hiện đại rồi, đó không còn là “tội lỗi” gắn lên người phụ nữ nữa”, chị Trang cho biết. Phải mất mấy năm, bố mẹ chồng mới dần thay đổi quan niệm và thôi không giục chị đẻ tiếp nữa. Cùng với đó, họ cũng ngày càng yêu quý các con chị hơn, không còn xa cách như trước.

Theo chị Trang, ngày nay, áp lực từ việc sinh con một bề là gái tuy không còn nhiều, nhưng vẫn khiến một số chị em cảm thấy thua thiệt, bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phải sinh được con trai vẫn còn đó. “Tôi cố gắng không để mình bị cuốn vào tư tưởng cũ mòn ấy, lạc quan và nuôi dạy các con thật tốt, thật bình đẳng, để các con thấy mình vẫn luôn nhận được tình yêu thương đong đầy từ bố mẹ”. Vừa định hướng cuộc sống lại vừa tôn trọng sở thích, khả năng của con là bí quyets nuôi dạy con ngoan, giỏi của chị Trang. Con gái lớn chăm chỉ, cần cù, anh chị cho cháu học cao lên thạc sĩ, rồi định hướng du học. Con gái nhỏ có năng khiếu nghệ thuật, anh chị đưa cháu đến học trường nghệ thuật từ sớm để phát triển khả năng. “Mỗi năm cứ có thời gian là cả nhà đưa nhau đi du lịch, vì vậy mà bố mẹ với con cái như những người bạn, gắn bó với nhau. Đối với tôi, hai “nàng công chúa” chính là niềm hạnh phúc, là món quà mà tôi thấy mình phải thật sự trân trọng và vun đắp”, chị Trang chia sẻ.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.