Trả lương... cho chồng

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đầu năm lắm hội hè, đám hiếu hỉ, loáng cái ông Chiến đã hết sạch tiền. Chờ mãi không thấy vợ gửi như thường lệ, đang chuẩn bị chửi đổng lên thì ông nghe tiếng ngoài cổng có người gọi. Đứa cháu họ ở ngay gần nhà chạy sang, bảo “thím gửi tiền về cho chú đây này!”.

Thì ra, thay vì mang về đưa trực tiếp như mọi lần thì lần này, bà Tại lại nhờ cô cháu, bà gửi tiền vào số tài khoản của nó, sau đó cô cháu ra ngân hàng rút tiền rồi đưa cho ông Chiến. Cầm được tiền rồi, ông Chiến rất hí hửng, nhưng vẫn cứ bực bà Tại. Ông cầm máy, ngay lập tức gọi để cho vợ một trận. Nhưng chưa kịp gọi thì bà Tại đã gọi cho ông. Không thèm a lô, ông vào thẳng vấn đề luôn:

- Bà bây giờ to còi phết nhỉ! Gửi tiền cho chồng mà giờ còn không thèm tự đưa, lại còn bày đặt gửi ngân hàng! Làm như bố thí cho tôi ấy nhỉ?

- Tôi bận không về được, ông thông cảm cho tôi. Đầu năm nhà chủ đi miết có về nhà mấy đâu, tôi phải lo ăn uống cho bọn trẻ nữa…

- Thôi bà văn ít thôi, lên thành phố được mấy bữa mà bày đặt văn với vở! 

Rồi như đã bõ cơn tức, ông dập máy luôn. Không cả hỏi han vợ lấy một câu…

Mỗi tháng, bà Tại “trả lương” cho ông Chiến 3 triệu đồng, là để ông không uống rượu nữa. “Giờ ông mà không uống thì tôi đưa tiền không thiếu một đồng, còn nếu ông uống thì tôi không đưa nữa!”. “Bà dọa tôi đấy à?”, “Tôi không dọa. Ông nhìn lại ông xem, suốt ngày chỉ rượu chè, nhà cửa còn cái gì nữa đâu…”.

Bà Tại “chốt” như thế trước ngày lên thành phố làm giúp việc. Hơn 60 tuổi rồi, bà vẫn nghĩ chắc cả đời này mình sẽ sống mãi ở sau lũy tre làng cho an phận vậy. Con cái, dù cũng chỉ đủ ăn, nhưng cũng đã dựng vợ gả chồng cả rồi, cháu chắt thì cũng đã lớn, bà đã hết nhiệm vụ chăm nom. Ấy thế mà, vẫn còn ông Chiến.

Trả lương... cho chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chồng bà Tại từng nát rượu nhất cái làng này. Đám nào, cỗ bàn ở nhà ai cũng không hề thiếu ông. Người ta nhớ nhất về ông Chiến không phải ở cái tình cảm với làng xóm, mà là cái tiếng hò dô “1, 2, 3 uống!” của ông, nó ngà ngà, ngật ngưỡng và chẳng tròn vành rõ chữ nữa. Những khi ấy là ông đã quá say rồi, người ông có khi một nửa là rượu và lời hò, dô khi ấy là rượu nói, chứ ông còn biết trời trăng gì mà nói nữa. Nhưng ông vẫn uống, uống tới khi người không còn chỗ mà chứa rượu nữa, người đổ hẳn ra trước ông vẫn uống, người sắp cúi rạp xuống đất ông vẫn uống và chỉ đến khi, ông đổ sập ra trước mâm cỗ, lúc ấy cái chén mới thôi được rót đầy. Đó cũng là khi bữa cỗ đã tàn cuộc, những ông bạn nhậu khôn lỏi, bẻm mép đã lẻn về trước, để mặc kệ ông nằm lăn ra đấy.
Người mang ông về, lấy chậu cho ông nôn, dọn dẹp đống tàn tích của cuộc say và nghe cả những lời ông chửi bới chỉ có một mình bà Tại. Đôi khi, đó còn là những cú đạp, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Khi rượu vào, người ta hay oán tất cả. Ông Chiến đánh bà Tại vì nhà nghèo nên ông không nở mày nở mặt được với ai, vì không có tiền nên bạn bè khinh ông, không mời rượu ông. Ông đánh bà còn vì bà già, bà xấu, “bà chẳng được cái tích sự gì”… Rồi ông nằm vật ra giường, ngủ một giấc tới khi tỉnh rượu, rồi lại chễm chệ ăn uống trong khi bà Tại hầu hạ dạ vâng, như chưa có gì. 

Rượu mang đi khỏi nhà ông Chiến nhiều thứ. Tài sản đi gần hết và sức khỏe của ông, nó cũng cuốn đ i quá nhiều. Liên tiếp phải đi bệnh viện vì vấn đề gan mật do sử dụng rượu quá nhiều, nhưng nó cũng như nước chảy lá khoai với ông Chiến. “Vớ va vớ vẩn! Đau bụng tí tẹo mà nó bảo xơ gan! Bác sĩ bây giờ chỉ có lừa lọc với moi tiền dân là giỏi! Nào, hai ba, nâng chén các ông ơi!”, ông Chiến lại hò dô, và đương nhiên, hội nhậu nhẹt của ông cũng nào có để ý chuyện bệnh tật của ông làm gì, vui thì cứ vui thôi…

Bà Tại không nỡ nhìn chồng như thế. Nhất là khi bà chứng kiến ông ngày càng xanh xao, vàng vọt. Nhưng với bà, phụ nữ đâu thể cãi lại chồng. Những lần bà nói một cách yếu ớt: “Thôi ông đừng uống nữa!”, có khi chưa dứt câu thì đã nhận được cái quắc mắt của chồng. Rồi còn chưa kể biết bao lần bị đánh, bị mắng nữa. Toàn là nước mắt chảy ngược vào trong. 

Nhà cửa chẳng còn gì, con cái cũng ngại khi đưa cháu về với bố mẹ. Cái cám cảnh ấy thôi thúc bà Tại phải ra đi. Vài tháng đầu, bà gửi tiền đều đặn và nhờ các con trông bố hộ. Ông Chiến uống ít đi thật, có tháng còn không uống giọt nào. Nhưng mấy tháng giáp Tết, rồi trong Tết, nhà nào mà chẳng uống rượu, đi chơi đâu mà chẳng được mời, thế là ông lại uống. Uống lắm thành bon mồm, thế là ông quên béng lời vợ dặn, uống say sưa đến bí tỉ. Bà Tại ngày Tết chỉ về được mấy hôm rồi lại đi, vừa lo dọn dẹp nhà cửa, tiếp khách khứa, không có thời gian nghỉ ngơi huống chi là dặn chồng. Bà đành thở dài, bó tay thật sự.

Trả lương... cho chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ông Chiến cầm nắm tiền cô cháu vừa đưa, lại chuẩn bị bỏ phong bì đi hội hè, tụ tập. Đến đám, ông gặp vợ chồng bà hàng xóm vừa đi chăm cháu ốm trên thành phố về. Bà vợ ngỡ ngàng, bảo ông Chiến: “Ối tôi tưởng ông ở trên đó chăm bà, bà Tại bảo chồng lên chăm mà? Sao giờ đã ở đây?”.

Ông Chiến ngớ người, vẫn đang tỉnh, chưa uống rượu nên nhanh chóng ông bắt kịp được câu chuyện. Thì ra, bà Tại đang nằm trên bệnh viện thành phố. Bà bị ngã xe trên đường đi đón mấy đứa con của nhà chủ. Gia đình chủ tốt bụng, quý bà Tại thu xếp cho bà ở phòng bệnh xịn, rồi thuê người chăm nom cho bà chóng khỏe để về còn đỡ đần. Vô tình, vợ chồng bà hàng xóm gặp bà Tại. Để đỡ ngượng, bà Tại đành bảo có chồng lên chăm, khỏi là về nhà mấy bữa…

Ông Chiến thẹn không biết để đâu cho hết. Chả nhẽ lại hỏi địa chỉ bệnh viện để lên thăm, ông kiếm cớ lảng đi rồi về nhà, không cả dự buổi rượu. Về nhà, ông bần thần mãi. Trong mắt ông, bà Tại không ốm đau – đúng hơn là không thể ốm đau bao giờ. Vì lúc nào ông tỉnh cơn say cũng là thấy bà đang lúi húi việc này việc nọ, lúc nào ông đói là cũng có bà cơm nước cho ăn… Ba mươi mấy năm bên nhau, ông chưa bao giờ nghĩ tới một ngày bà ốm. Buồn hơn, là bà ngã bệnh khi đang trên đường lo làm, lo ăn, lo cho ông tiền. Còn ông ở nhà chỉ biết đòi tiền và mắng nhiếc.

Có một cái gì đó buồn buồn, nghèn nghẹn dâng lên trong lòng ông. Ông Chiến nhìn quanh nhà, cành đào bà Tại mua vội, cắm vội trước chiều 30 Tết – lúc bà vừa xuống xe khách và lao vội về nhà để sửa soạn cho năm mới. Hoa đào đã rụng nhiều, sàn nhà đầy bụi bẩn vì nhiều ngày chưa quét dọn. Vốn ông Chiến sẽ kệ đấy, vì cuối tuần kiểu gì bà Tại chẳng về quét cho ông. Nhưng giờ bà đau thế, có về cũng chắc gì quét được.

Vậy là lần đầu tiên, ông Chiến cầm cái chổi. Vừa đưa chổi, ông vừa thầm nghĩ: “Lát nữa, mình sẽ gọi bà ấy, rồi lên thăm”…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.