Trắng tay vì... tiền ảo

Chia sẻ

Chỉ vì nghe theo lời dẫn dụ đầu tư kinh doanh trên mạng thu lãi suất “khủng”, nhiều người “mạnh tay” chi tiền vào tiền ảo, dẫn đến bị lừa đảo, mất cả chì lẫn chài.

Từ nạn nhân thành tội phạm

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Nguyễn Hiểu Phong ra xét xử và tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại toà, Phong khai, những năm 2015-2016, khi thị trường tiền ảo vừa mới phát triển ở Việt Nam, bị cáo đã được mời gọi chơi. Nghe giới thiệu về lợi nhuận “kếch xù”, Phong tham gia chơi, nhưng lãi đâu chưa thấy, bị cáo đã phải “gánh” khoản nợ lên đến hơn 1 tỷ đồng. Do không có khả năng chi trả, bị cáo đã nghĩ ra cách lừa đảo những người khác để có tiền… trả nợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo cáo trạng, bị cáo Phong đã sử dụng một số tài khoản ngân hàng mang tên người khác để đăng tải các bài viết có nội dung: nhận đặt mua vé bóng đá trận chung kết AFF Cup năm 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, nhận đặt mua vé máy bay, nhận đặt phòng khách sạn và các dịch vụ du lịch, nhận thanh toán hoá đơn tiền điện chiết khấu cao trên các trang, nhóm chuyên về các dịch vụ du lịch trên mạng xã hội facebook như Hội canh vé giá rẻ, Hội săn vé máy bay giá rẻ, Hội vé rẻ, Nhượng vé máy bay giá rẻ… nhằm mục đích lừa đảo tài sản. Khi các bị hại liên hệ mua thanh toán các dịch vụ như trên, Phong đã nhắn tin thoả thuận và thống nhất về giá tiền. Sau khi thống nhất được về giá tiền, Phong yêu cầu các bị hại chuyển tiền đặt cọc và thanh toán các dịch vụ.

Đối với người mua vé bóng đá, Phong yêu cầu thanh toán hết số tiền hoặc đặt cọc 1 số tiền. Đối với bị hại đặt phòng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, Phong yêu cầu phải thanh toán trước 50% số tiền. Đối với người đặt mua vé máy bay hay thanh toán tiền điện, Phong yêu cầu thanh toán hết số tiền… Với thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Hiểu Phong đã thực hiện hành vi lừa đảo 96 bị hại, với số tiền hơn 757 triệu đồng. Trong đó, người bị lừa ít nhất là 500 nghìn đồng, người nhiều nhất gần 24 triệu đồng…

Sập “sàn”, bán nhà, mất bạn

Thấy bạn bè ào ào chơi tiền ảo, chị H.T.Y (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tò mò. Chị Y từng làm trong lĩnh vực công nghệ, nên muốn tìm hiểu cơ chế tiền ảo vận hành như thế nào và thế giới tài chính ra sao. Chị nghĩ, thử đầu tư một ít tiền, coi như một sự hy sinh để tìm hiểu thị trường tiền ảo. Đây có thể là cơ hội kinh doanh trong tương lai, khi mạng xã hội và công nghệ 4.0 đang chiếm lĩnh thị trường kinh doanh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo hướng dẫn và chia sẻ tận tình của người bạn, chị thực hiện các bước nộp tiền, chuyển tiền, đặt lệnh giao dịch. Chị bỏ ra 50 triệu đồng để lập ra một tài khoản đứng tên mình, với 10 đồng tiền Ethereum đầu tiên. Chỉ trong 1 ngày, số tiền lãi gửi thẳng về tài khoản chị đã là 500.000 đồng. Nghe theo lời dẫn dắt của bạn là “chuyên gia tài chính đỉnh cao”, vì muốn có món lợi “khủng”, chị đầu tư thêm 5.000 USD, rồi 10.000 USD vào tài khoản của mình. Thời gian đầu, lợi nhuận đều đặn trả hai phiên sáng, tối. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn, hệ thống tiền bắt đầu lên đỉnh điểm và chỉ sau 1 ngày đã tụt dốc xuống. Chị muốn rút toàn bộ tiền về để bảo toàn nhưng toàn bộ số tiền của chị rơi vào tình trạng “treo trên hệ thống”. Để lấy được ra, hệ thống đòi hỏi chị phải nộp vào số tiền bằng 150% số tiền có trong tài khoản. Vì sợ mất tiền, chị đã gom toàn bộ số tiền tiết kiệm mua nhà để nộp vào. Tuy nhiên, sau nhiều lần cố gắng nộp tiền vào để mong rút được khoản đầu tư, chị vỡ mộng hiểu ra, điều đó là vô vọng. Chỉ một thời gian ngắn, tài khoản của chị bị đánh sập, không thể vào được nữa. Chị gọi điện cho người bạn là “tuyến trên” trên hệ thống tiền ảo, nhưng chỉ đều nhận được cái thở dài: “Chính tớ cũng mất tiền”. Chị chỉ biết cắn răng chịu mất đi hơn 600 triệu đồng cho sàn tiền ảo.

Tài sản mất trắng, số tiền tiết kiệm mua nhà cũng “không cánh mà bay”. Chồng chị biết chuyện, ngày nào cũng trách móc vợ. Vợ chồng chị vì thế mà xung đột liên miên. Chị khóc lóc nói “đầu tư chỉ vì muốn cuộc sống gia đình nhanh chóng ổn định”, là vì “nghĩ cho gia đình”, còn anh thì chỉ biết thở dài không biết bao giờ mới tiết kiệm lại số tiền ấy…

Trong một phiên toà xét xử một vụ án lừa đảo đa cấp tại TAND TP Hà Nội, bà L.T.Đ (60 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) thở dài, chỉ vì đam mê tiền ảo, bà phải bán đất, bán nhà, nợ nần chồng chất. Rồi để gỡ gạc tiền mất, bà lao vào kinh doanh đa cấp, rủ thêm bạn tham gia làm “tuyến dưới”, tiếp tục bị mất trắng do bị lừa đảo.

Bà Đ cho biết, khi bà về hưu, các con đã yên bề gia thất, có cuộc sống riêng không ở chung với bố mẹ nên đã sắm cho mẹ một cái smartphone để tiện liên lạc. Từ ngày có smartphone, lúc rảnh rỗi, bà lại lên mạng để đọc tin tức và trò chuyện với các con, cháu. Tuổi già sống vui, sống khoẻ, bà tham gia các hội nhóm trên Facebook, vô tình quen biết chị T, khoảng 40 tuổi, trông khá thành đạt. Chị T thường đăng các hình ảnh hội thảo quy mô lớn, đi du lịch đó đây, mặc váy áo lộng lẫy, thể hiện mình là một phụ nữ thành đạt và quyền lực. Sau nhiều lần trò chuyện, chị T gửi cho bà những clip chia sẻ về cách kinh doanh qua mạng thời đại 4.0. “Tôi được biết đó là đầu tư Forex tầm cỡ. Hằng ngày, đầu tư tiền tệ quốc tế dưới hình thức ký gửi vốn cho chuyên gia chơi. Người đầu tư không phải trực tiếp chơi, không mất thời gian mà lợi nhuận thu được cũng cao. Nhiều người trở nên giàu có từ những phần lợi nhuận thu được. Nghe cũng hay hay, tôi cũng đầu tư mấy chục triệu đồng, nghĩ là có lãi sẽ dưỡng già” – bà Đ kể.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà bất ngờ khi sáng hôm sau tỉnh dậy và nhìn vào số tiền lãi đổ về tài khoản cao hơn gấp nhiều lần bà gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Chị T còn đinh ninh, nếu làm theo ý của chị, thì số tiền lãi còn tăng lên theo cấp số nhân. “Nhiều người phải thuê chuyên gia tư vấn để phát triển kinh doanh đầu tư của mình. Ở đây, mọi người đều chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau thu lợi nhuận tốt nhất. Cô yên tâm, cứ tin ở cháu” – chị T trấn an bà Đ. Nghe lời T, bà Đ tiếp tục đóng tiền vào tài khoản. Bà Đ thế chấp sổ đỏ để tiếp tục tham gia. Nhưng khi vừa chuyển tiền cho T thì giao dịch sàn ảo bắt đầu “có vấn đề”. Bà đợi mãi chẳng thấy tiền lãi đổ về nữa, còn T nhắn tin trong nhóm là đã cháy tài khoản. Bà Đ hốt hoảng hỏi và đòi chị T phải trả số tiền đóng được, nhưng chị T cứ xin lỗi và bảo “đầu tư phải có may, có rủi”.

Mất tiền, bà Đ thất thần, chẳng biết làm thế nào. Trong lúc hoang mang chưa biết làm sao để bù lại số tiền đã mất trắng thì đối tượng Đoàn Văn Đạt (SN 1979, quê Hải Phòng) và đồng phạm Nguyễn Văn Hoạt (SN 1958, quê Hà Nội) rủ rê tham gia đa cấp. Đạt thông báo, nếu góp 1.000 USD sẽ nhận lãi 3% trong 36 tháng liên tiếp; góp 4.000 USD nhận lãi 6% trong 36 tháng; góp 13.000 USD nhận lãi 9% trong 36 tháng và gói 40.000 USD nhận lãi 12% trong 36 tháng. Ngoài ra, nếu giới thiệu được thêm người tham gia, cá nhân sẽ được trả thêm hoa hồng. Bà Đ vay mượn tiền mua 4 mã ID (trị giá 100 triệu đồng) để sinh lãi, đồng thời, rủ rê thêm hàng xóm, bạn bè tham gia. Thời gian đầu, bà được Đạt được trả lợi nhuận như cam kết.

Thực chất, tập đoàn giải trí toàn cầu Global Gaming Venture Limited (GGV) chuyên kinh doanh casino, sòng bạc… mà Đạt mời gọi nhà đầu tư đã ngưng trả lợi nhuận cho người đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù biết điều này, song bị cáo Đạt vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư. Đến tháng 6/2017, 13 người đã nộp tiền cho Đạt, tổng 4,7 tỷ đồng. Đạt chi trả lãi 540 triệu đồng, số còn lại thì chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân… Một lần nữa, bà Đ bị lừa đảo. Trước phiên toà xét xử bị cáo Đạt và bị cáo Hoạt, bà Đ nước mắt ngắn dài, yêu cầu bị cáo trả lại số tiền đã lừa của mình để bù lại số tiền đã mất sau khi tham gia tiền ảo và đa cấp…

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.