Trẩy hội đầu xuân an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa

Hoàng Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trẩy hội, du xuân đầu năm đến các di tích lịch sử văn hóa, chùa, đình, đền… là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam thể hiện sự ghi nhận công đức và lòng tri ân của các thế hệ đối với các bậc tiền nhân, phản ánh những nét đẹp văn hóa nhắc nhớ thêm lòng tự hào dân tộc, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, xã hội.

Hướng đến sự hài lòng của du khách

Trên con đường về suối Yến, bến Đục, chùa Hương, cảnh quan hai bên đường đã trở nên sáng, xanh, sạch, hai bên bờ suối Yến phong quang thoáng đãng, những người đón khách thường trực sự niềm nở, thân thiện. Sự đổi thay đó đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước Tết 2 tháng.

Phấn khởi về thành quả đó, bà Đồng Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn chia sẻ: Năm nay, phụ nữ thôn Yến và các thôn đã ra quân dọn sạch sẽ đường làng ngõ xóm, nhất là đường vào bến, lên thuyền, môi trường được khai quang, sáng, sạch, các chị em ở cả 6/6 thôn còn hồ hởi tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn về việc triển khai các nhiệm vụ đón khách. Đặc biệt là thái độ đón tiếp, phục vụ du khách, làm sao để hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Với số lượng hàng triệu du khách đến lễ chùa Hương trong mỗi mùa trẩy hội, lực lượng tham gia phục vụ lễ hội cũng lên đến hàng chục nghìn người, từ cán bộ lãnh đạo, các phòng ban đến nhân dân làm dịch vụ. Tất cả đều hướng đến việc phục vụ du khách tham quan, bái Phật được bình an, thư thái ngay từ những thời khắc đầu tiên về miền đất Phật.

“Chúng tôi liên tục quán triệt tới nhân dân rằng tuyệt đối nói không với việc chặt chém, ép giá du khách. Phải phục vụ du khách một cách niềm nở, chân thành nhất”- bà Đồng Thị Thanh Mai khẳng định.

Trẩy hội đầu xuân an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa - ảnh 1
Đình làng Mông Phụ - làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây
 (Ảnh Đăng Nguyễn)

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh, một tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm 2023 là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan lễ hội từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử; sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội".

Năm nay, mô hình dùng xe điện tham quan vẻ đẹp của xã Hương Sơn cũng được đưa vào sử dụng thí điểm. Huyện Mỹ Đức chú trọng công tác quảng bá hình ảnh chùa Hương thân thiện, mến khách. Người tham gia phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp.

Về công tác bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên suối Yến, kiên quyết xử lý hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của Ban Tổ chức lễ hội, các tuyến đường được thông thoáng, an toàn, xanh sạch, đẹp. Ông Nguyễn Bá Hiển cho hay, sẽ thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc Nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm… 

Khu di tích đình, chùa, Bia Bà - La Khê thuộc phường La Khê (Hà Đông) cũng là điểm thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày đến chiêm bái. Nơi đây, nhiều năm nay trở thành điểm sáng để các địa phương khác học tập và noi theo trong các mùa lễ hội về công tác tổ chức và đảm bảo về an toàn trật tự cho du khách đến hành hương, vãn cảnh. Nhờ sự quan tâm sát sao của lãnh đạo quận Hà Đông, Đảng ủy, HĐND-UBND phường La Khê có nghị quyết triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận và các lực lượng đóng quân trên địa bàn phường, phối hợp với các lực lượng chức năng của TP Hà Nội, quận Hà Đông đã có kế hoạch và triển khai cụ thể.

Chị Nguyễn Tuyết Nhung ở làng lụa, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cho biết, năm nào cũng đến lễ ở Bia Bà, ngoài việc chiêm bái, còn được có những phút giây vãn cảnh chốn linh thiêng, mang lại cảm giác bình an nhẹ nhàng. Ở đây có nhiều camera, hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, cây xanh và không gian yên tĩnh, an ninh đảm bảo, kể cả việc gửi xe cũng chỉ ở mức 5.000 đồng/xe máy, người dân làm dịch vụ xung quanh cũng thân thiện, cởi mở.  

Trẩy hội đầu xuân an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa - ảnh 2
Khuôn viên di tích Bia Bà La Khê – phường La Khê, quận Hà Đông (Ảnh Vân Nga)

Sẵn sàng cho mùa lễ hội an toàn lành mạnh

Theo bà Vũ Thị Minh Thu, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông, là người có nhiều năm phụ trách công tác lễ hội trên địa bàn quận, đối với khu di tích đình La Khê, chùa Diên Khánh, Bia Bà La Khê, quận luôn quan tâm chỉ đạo các ngành và chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, liên tục kiểm tra để đảm bảo không xảy ra tình trạng ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo khách…

UBND quận Hà Đông cũng rất quan tâm công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ tại các di tích và lễ hội. Quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra trước, trong và sau lễ hội năm 2023 để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể và nhân dân trong tổ chức, quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các lễ hội. Đồng thời, phát hiện và kịp thời xử lý các hoạt động xâm hại hoặc làm ảnh hưởng tới các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn. 

Tại quận Hoàn Kiếm, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, đình Đông Môn ở số 8 phố Hàng Cân, phường Hàng Đào, có niên đại từ thời Nguyễn, với vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính đã được hoàn thành tu sửa và đi vào đón du khách và nhân dân. Ngôi đình gắn liền với các di tích khác như: Đình Trương Thị, đền Bạch Mã; đình Đức Môn, chùa Cầu Đông… nằm trong khu phố cổ Hà Nội, là một yếu tố tạo ra sự đa dạng phong phú cho cảnh quan đô thị của quận Hoàn Kiếm.

Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, đối với lễ hội lớn như đền Và (phường Trung Hưng), đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), các lễ hội tại di tích làng cổ ở Đường Lâm,… ban quản lý di tịch xã, phường bố trí hướng dẫn viên giới thiệu cho khách tham quan về giá trị của di tích, lễ hội nhằm khơi dậy lòng tự hào truyền thống dân tộc. Đồng thời,thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt đồ vàng mã trong khu di tích. Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, thủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng, các biểu hiện tiêu cực, các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin, đổi tiền lẻ… diễn ra. Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã có công văn gửi các địa phương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023. Nhiều địa phương có di tích, có những lễ hội đều đã sớm lên kế hoạch, hoàn tất chuẩn bị trước Tết, sẵn sàng cho một mùa lễ an toàn, lành mạnh. 

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành Kế hoạch số 14/KH-SVHTT về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, nhấn mạnh tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức những lễ hội có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.