Trẻ cần được sống trong môi trường yêu thương và an toàn!

Chia sẻ

Theo các con số thống kê, tình trạng ly hôn đang ngày càng tăng vọt theo từng năm. Sau ly hôn, ngoài đổ vỡ của người lớn còn có sự tổn thương sâu sắc trong mỗi đứa trẻ về mặt tinh thần và thể chất. Do đó, trước khi quyết định ly hôn hay tái hôn lần nữa, cha/mẹ cần đảm bảo một cuộc sống an toàn và trọn vẹn yêu thương dành cho con.

Tình trạng ly hôn trong gia đình trẻ gia tăng

Các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng trong 10 năm trở lại đây, đa số do phụ nữ đứng đơn. Số vụ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng nhiều. Hệ luỵ của các cuộc ly hôn là sự tổn thương của người trong cuộc, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con. Về mặt xã hội, trẻ sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn thường phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi, đánh chửi nhau, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển nhân cách, khiến các em có xu hướng mất cân bằng tâm sinh lý. Nhiều trẻ lo sợ, né tránh việc kết hôn trong tương lai. Thậm chí, sau ly hôn, người lớn có thể tiếp tục tìm hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mới, con riêng của họ vẫn sẽ cùng bố/mẹ về chung sống với bố dượng/mẹ kế. Tuy nhiên lúc này, cục diện gia đình đã thay đổi, buộc các thành viên phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Tình trạng “con anh, con tôi, con chúng ta” và những lo toan kinh tế dẫn đến cha mẹ ruột có thể bỏ mặc, lơ là, không chăm sóc con, còn bố dượng/mẹ kế ngược đãi con riêng, từ đó tạo ra những tổn thương tâm lý không phải lúc nào cũng hàn gắn được cho trẻ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Có những trẻ may mắn gặp được cha dượng/mẹ kế thương yêu nhưng cũng có nhiều trẻ phải chịu bạo hành thể chất (đánh đập, bạo hành, xâm hại tình dục…) lẫn tinh thần (mắng chửi, chì chiết, cấm cản…). Trong nhiều vụ việc, khi trẻ bị bạo hành, xâm hại, cha mẹ ruột biết nhưng lại “nhắm mắt làm ngơ”, viện lý do “đánh đập để dạy dỗ nên người”. Đến khi sự việc trở nên nghiêm trọng, cha mẹ ruột mới can thiệp thì đã muộn.

Trước khi quyết định tái hôn với anh H.V.T, chị H.H.Y (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã suy nghĩ rất lâu. Những vụ việc xảy ra trong một số gia đình có bố dượng/mẹ kế khiến chị sợ con trai 5 tuổi của chị sẽ gặp tổn thương trong một gia đình mới. Cho đến khi chị chứng kiến anh T hết lòng yêu thương, quan tâm con trai, cả hai thường rất quấn quýt nhau, chị mới dám quyết định đi thêm bước nữa. Chị Y cho biết, khi cha/mẹ kết hôn với người mới, tâm lý con trẻ bị xáo động nghiêm trọng. Do đó, chị phải làm tư tưởng trước cho con và người mà mình chuẩn bị kết hôn, xem xét tình cảm của họ để lựa chọn có nên tiếp tục tiến đến cuộc hôn nhân tiếp theo hay không. “Cha/mẹ khi tái hôn bên cạnh tìm hạnh phúc cho mình còn cần đảm bảo con chung/con riêng được đối xử bình đẳng, yêu thương từ các thành viên trong gia đình, đặc biệt, giúp con có một môi trường sống an toàn và hạnh phúc trong tổ ấm mới” – chị H.Y nói.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cũng cho biết, theo thống kê, mỗi năm, nước ta có khoảng 60.000 vụ ly hôn, cứ 4 đôi đăng ký kết hôn có 1 đôi ra tòa. Mặc dù không phải gia đình nào bố mẹ ly hôn, trẻ cũng bị bạo lực, song trẻ trong các gia đình ly hôn thường cần được quan tâm nhiều hơn, bởi các em không chỉ bị ảnh hưởng tâm sinh lý từ sự đổ vỡ của cha mẹ mà còn có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao hơn. Do đó, cha/mẹ sau ly hôn cần có trách nhiệm gắn kết tình cảm, yêu thương để trẻ được hưởng quyền lợi quan tâm bởi tất cả các thành viên khác trong gia đình của cả bố lẫn mẹ.

Chung tay xây dựng gia đình vì hạnh phúc của trẻ

Khi cha mẹ tái hôn, con cái là những người bị ảnh hưởng đầu tiên, bởi các con còn quá nhỏ, tâm sinh lý chưa ổn định. Mọi tác động từ sự đổ vỡ hôn nhân của bố mẹ hay những mặt trái của cha mẹ khi tái hôn đều ảnh hưởng tới sự phát triển của con trẻ. Thế nhưng, sự chuẩn bị tâm lý kỹ từ các bậc phụ huynh và tình yêu thương của những người lớn sẽ giúp con trẻ dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất để những đứa trẻ thích nghi cuộc sống mới khi cha mẹ tái hôn bên cạnh tình yêu thương trẻ còn là sự chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Các thành viên trong gia đình nên ngồi lại với nhau để chia sẻ, thống nhất về cách ứng xử, đưa ra quy ước trong gia đình, trong đó, phải đảm bảo sự tôn trọng, an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, cha/mẹ ruột cũng cần dạy cho con các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là các kỹ năng về ứng phó với bạo lực gia đình, phòng tránh xâm hại, giáo dục giới tính… để có thể tự bảo vệ mình trước những biến cố xảy ra. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em xuất phát từ gia đình, người thân. Các tổ chức xã hội, đoàn thể cơ sở và cộng đồng dân cư cần kiên quyết, mạnh mẽ lên án các biểu hiện của bạo hành trẻ em...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Song, để tránh bạo hành trẻ em xảy ra tại các gia đình ly hôn hoặc tái hôn, bên cạnh công tác tuyên truyền, sự vào cuộc trong ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em của các cơ quan chức năng, việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững phải được quan tâm, thực hiện hiệu quả hơn.

Trước khi kết hôn, các cặp đôi cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Trong gia đình, vợ chồng cần có trách nhiệm vun đắp tổ ấm, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, nhường nhịn, thấu hiểu và thuỷ chung với nhau, bình tĩnh và khéo léo trong giải quyết xung đột, giảm tải tình trạng ly hôn. Khuyến khích các cặp vợ chồng trước khi làm đơn ly hôn cần hoà giải cơ sở, hàn gắn quan hệ gia đình. Các cấp ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng gia đình, chú trọng giáo dục đời sống gia đình, truyền thống tốt đẹp như lòng thuỷ chung, trách nhiệm của vợ chồng với nhau và trách nhiệm với con cái… Thẩm phán giải quyết án ly hôn phải là những người có kinh nghiệm, có kiến thức pháp lý và xã hội; khi hòa giải, xét xử, thẩm phán phải kiên trì hòa giải đoàn tụ, giải thích, chỉ rõ hậu quả khi ly hôn; cần nắm vững căn cứ cho ly hôn trước khi quyết định…

Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, cần tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về việc giữ gìn, xây dựng gia đình hạnh phúc cho các cặp vợ chồng trẻ, nâng cao trách nhiệm trong việc chăm sóc trẻ đối với những cặp vợ/chồng sau ly hôn, từ đó, giảm thiểu các vụ việc liên quan đến trẻ em trong các gia đình ly hôn hoặc tái hôn.

Để xây dựng hạnh phúc gia đình, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ từ Trung ương đến Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc như các câu lạc bộ nuôi dạy con tốt, làm cha trách nhiệm, gia đình 5 không, ba sạch, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc… Nhiều mô hình có sự tham gia tích cực của nam giới và các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, Trung ương Hội đã biên soạn và phát hành nhiều tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc… Lồng ghép và tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, vai trò của gia đình, mở các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau; hỗ trợ, lên tiếng trước các vụ việc trẻ bị xâm hại, bạo lực… Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, nền tảng để mỗi cá nhân phát huy năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội bền vững, ổn định và phát triển, đồng thời là bài toán giảm thiểu các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra…

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.