Trên đỉnh núi Trầm

Nguyễn Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Ai bẻ gió vít cong đầu nỗi nhớ

Vượt đá cheo leo ta lên tới đỉnh Trầm

Giơ tay với kéo trời cao gần lại

Dõi mắt nhìn thu gọn cả mười phương.

Đó là cảm xúc của tôi khi leo lên đến đỉnh núi Trầm. Cảm giác ở cái nơi không xa trời mà cũng chẳng xa đất thật tuyệt. Không xa trời là bởi chỉ khẽ ngước lên thôi tôi sẽ bắt gặp những làn mây trắng bay trên đỉnh đầu mình, dường như chỉ khẽ kiễng chân lên thôi là tôi có thể chạm tới. Chẳng xa đất là bởi đứng ở trên đỉnh núi Trầm tôi vẫn nhìn thấy rõ mồn một mọi thứ nơi cánh đồng dưới chân núi. Một bức tranh được vẽ nên bởi tạo hoá tuyệt đẹp ngay giữa thủ đô Hà Nội.

Quần thể núi Trầm thuộc địa phận làng Long Châu, tỉnh Hà Đông xưa, nay là xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20km. Đây là quần thể di tích có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ thứ 16. Hiện nay khu di tích tâm linh này thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quần thể gồm núi Trầm và ba ngôi chùa: Chùa Trầm, chùa Vô Vi và chùa Hang, tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp giữa thiên nhiên.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến trong quần thể là chùa Vô Vi. Theo lời giới thiệu thì đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự. Chùa Vô Vi cách chùa chính khoảng 1km. Bước lên mấy chục bậc đá, ở một chặng dừng nghỉ, tôi bắt gặp tấm bia đá lớn phía bên trái, khắc bài thơ của Trần Văn Tăng viết bằng chữ Nôm.

Trèo thêm một đoạn nữa tôi phải bật lên sung sướng khi bắt gặp một quả chuông đồng cổ. Quả chuông này được đúc năm 1814 thời nhà Nguyễn. Chúng tôi háo hức ghi lại vài kiểu ảnh cùng quả chuông rồi tiếp tục trèo thêm 100 bậc đá quanh co để lên lầu Nghinh phong trên đỉnh núi. Mặc dù khá là mệt nhưng chúng tôi vô cùng thích thú khi trước mắt là toàn bộ khung cảnh của vùng danh thắng núi Trầm và ngắm cảnh đồng quê trù phú một vùng ven sông Đáy.

Trên đỉnh núi Trầm - ảnh 1
Tác giả trên đỉnh núi Trầm

Rời chùa Vô Vi chúng tôi đi thêm 1km nữa để đến thăm chùa chính -chùa Trầm. Khuôn viên chùa chính thoáng mát được bao quanh bởi tường gạch. Cảm giác rất nhẹ nhõm khi bước vào một không gian yên bình, xanh mát. Nhìn sang phía bên trái là núi Trầm sừng sững. Chùa được xây lưng tựa núi Trầm, mặt nhìn ra sông Đáy, tạo nên một thế “núi ôm nước bọc”, vừa vững chãi, vừa đầy sức sống.

Điểm tiếp theo chúng tôi đến là chùa Hang. Chùa Hang nằm ngay cạnh chùa chính. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang lớn dưới chân núi Trầm. Sâu bên trong Hang có thờ tượng Phật, bên trên các vách đá khắc các bài thơ chữ Nho. Hang được chiếu sáng bằng những tia sáng nhỏ nhoi lọt qua trên đỉnh núi và những ngọn nến nên trông khá  huyền bí. Tôi như bước vào một thế giới khác, hoàn toàn thoát tục.

Trong động còn có hai lối đi. Lối đi lên đỉnh núi và lối xuống hang mà dân địa phương gọi là đường lên trời và đường xuống âm phủ. Nơi đây vào ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Tôi vẫn còn thấy tấm biển ghi lại điều này trên cửa hang. Sau khi thắp hương cầu bình an, chúng tôi thoả thích ngắm nhìn các nhũ đá nhiều hình kỳ lạ trên vách đá.

Ra khỏi động chúng tôi bắt đầu chinh phục núi Trầm. Chúng tôi quyết định không đi theo con đường mòn để lên đỉnh núi ở phía bên kia mà thử sức leo núi đá. Đó là một lối đi khá dốc nằm cạnh hang Long Tiên. Tôi phải leo lên các vỉa đá, vượt qua các bụi cây um tùm mới lên tới đỉnh. Nhưng khi leo lên đỉnh núi Trầm thì tôi oà lên sung sướng. Trước mắt tôi là toàn cảnh núi Trầm. Chúng tôi tranh thủ chụp ảnh cùng tảng đá lớn trên đỉnh núi rồi xuống núi kết thúc hành trình khám phá núi Trầm.

Rời núi Trầm, chúng tôi ai cũng vui vì đã có một chuyến trải nghiệm thú vị và thầm hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.