Trị chồng lười

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chồng Hoa hiền lành, tốt tính, chỉ có điều là suốt ngày ôm điện thoại không chịu giúp vợ việc nhà. Mệt mỏi với cảnh chồng lười, Hoa lên kế hoạch trị chồng bằng cách thật nhẹ nhàng nhưng lại hiệu quả đến không ngờ.

Gần 7h tối Hoa mới tan làm. Khi hàng xóm chuẩn bị dọn cơm tối thì nhà Hoa vẫn đang im phăng phắc. Nam - chồng Hoa vẫn đang nằm sofa chơi điện thoại. Hai đứa con chạy đi chơi đâu đó vẫn chưa về.

Hoa mệt mỏi lê chân vào trong nhà. Nếu như là mọi ngày trước đây, cô sẽ nhanh chóng xắn tay lao vào bếp nấu cơm để bữa tối không quá muộn. Thế nhưng hôm nay, quả thực cô thấy quá chán nản, cô chán ông chồng lười việc nhà, tất thảy từ việc lớn đến nhỏ Hoa đều phải lo toan. Dạo gần đây công việc của Hoa quá bận rộn, ngày nào cũng đi sớm về muộn, nên cô nghĩ đây là thời điểm để chỉnh đốn lại anh chồng lười nhác của mình.

Hoa gọi hai đứa con về, tắm giặt sạch sẽ rồi nấu cháo cho con ăn. Sau đó, Hoa ngồi chơi với con mà chẳng mảy may vào bếp. Quần áo phơi khô giăng đầy ngoài ban công, Hoa cũng không lấy và gấp ngay ngắn cho vào tủ như mọi khi.

Trị chồng lười - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đến gần 8h, Nam rời khỏi mắt chiếc điện thoại hỏi vợ: “Sao giờ này không cơm nước gì à vợ?”. Hoa bực mình, đáp: “Xem điện thoại đủ no rồi, cần gì ăn đâu”. Khi Hoa nói vậy, Nam không những không nhận ra vợ đang giận dỗi mà còn tỏ vẻ khó chịu, hậm hực:

- Làm được mấy việc nhỏ nhặt trong nhà mà suốt ngày lên giọng.

- Mấy việc lặt vặt đấy, anh giỏi thì làm đi cho vợ con nhờ. Bao nhiêu lần nhỏ to bảo chồng đừng ôm điện thoại nhiều nữa mà chăm con, giúp vợ việc nhà. Nhưng không, anh vẫn chứng nào tật đấy. Anh thấy em đi làm cả ngày, về nhà có ngơi tay chân lúc nào không? Anh nhìn lại bản thân mình đi - Hoa nói trong tủi thân.

Nghe những lời vợ nói, Nam càng phản ứng gay gắt hơn. Anh đi ra ngoài, đóng cửa cái rầm khiến Hoa giật mình. Từ tối hôm đó, hai vợ chồng giận nhau, không ai nói với nhau lời nào.

Sáng hôm sau, Hoa không nấu ăn sáng như mọi khi, mà cô dẫn hai con đi ăn bên ngoài rồi đến trường luôn. Còn Nam, anh vốn quen được vợ gọi dậy mỗi sáng, chuẩn bị sẵn mọi thứ từ bộ quần áo đến đôi tất, hộp cơm mang đi làm ăn trưa… nên khi tỉnh dậy bỗng thấy không quen với nhịp sống mới. Mặc vội bộ quần áo chưa được là lượt, Nam vội vàng phi ra khỏi nhà để không muộn giờ làm. Trưa hôm đó, Nam gọi cơm hộp trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Bởi lẽ, anh là người đàn ông chăm chỉ mang cơm đi làm nhất công ty.

Chiều Hoa đi làm về, cô đón con sang ông bà ngoại gửi mấy bữa vì cô bận thức đêm để chạy dự án. Về nhà, cô chỉ cắm nồi cơm còn lại mua thức ăn sẵn. Ăn uống xong, nhà cửa cô cũng chẳng muốn dọn dẹp mà vào phòng làm việc. Nam ngồi ôm điện thoại một lúc, rồi lại đứng lên đi đâu đó. Chưa bao giờ không khí trong nhà cô lại căng thẳng, lạnh nhạt đến như vậy.

Trị chồng lười - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một tuần sau đó, Hoa vẫn chỉ mua đồ ăn sẵn về nhà hoặc có hôm thì ăn mì gói. Nhà cửa không có bọn nhỏ ở nhà nên Hoa cũng chẳng lau dọn sạch sẽ. Nam đi đâu, làm gì cô cũng không quan tâm. Cô chờ đến lúc Nam phải nhìn ra lỗi của mình, xuống nước trước thì mới có thể bỏ qua.

Gần chục ngày trôi qua, mệt mỏi với cuộc chiến tranh lạnh với vợ, những bữa cơm hộp và đồ ăn sẵn mua ngoài hàng, Nam đã chủ động làm hòa với vợ.

Hoa đi làm về sau một ngày mệt mỏi. Hôm nay là ngày chốt xong dự án nên cô làm việc căng thẳng, tập trung đến mức quên cả thời gian ăn trưa. Vừa bước vào nhà, Hoa bất ngờ khi thấy chồng đang lau nhà, đồ đạc được dọn dẹp gọn gàng. Trong bếp, nồi cơm cắm đã chín, trên bếp là nồi gà luộc đang sôi ùng ục, bên bồn rửa bát là rổ rau muống rửa sạch sẽ...

Hoa ngỡ ngàng, thực sự là vẫn không tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt. Cô bước vào nhà, không lộ rõ thái độ mà đi tắm giặt để lấy lại cảm giác thoải mái sau những ngày tháng ăn ngủ với những con số, những kế hoạch. Sau đó, khi còn đang nằm trên giường nghỉ ngơi thì thấy tiếng Nam gọi vọng vào: “Dây ăn cơm đi nào”.

Trị chồng lười - ảnh 3
Ảnh minh họa

Hoa bước ra bàn ăn, một đĩa thịt gà luộc, một đĩa trứng tráng và món rau muống luộc với nước canh dầm sấu. Hoa lặng lẽ ngồi xuống bàn ăn. Không biết có phải do hết áp lực công việc hay đang đói mà hôm nay cô thấy đây là bữa cơm ngon nhất từ trước đến nay. Hoa vẫn im lặng, không chịu mở lời trước với chồng thì Nam nói: “Thực sự là anh sợ cái cảnh ăn cơm hàng và về đến nhà như cái nhà trọ lắm rồi. Từ mai anh sẽ giúp vợ việc nhà. Mình làm hòa nhé. Đừng có lạnh nhạt với anh nữa, tội lắm”.

Nghe chồng nói vậy, Hoa bật cười, khẽ liếc chồng rồi gật đầu đồng ý. Cô vui lắm khi cuối cùng kế hoạch “trị chồng” của mình cũng đã thành công. Ngày hôm sau, cô sang nhà ngoại đón hai đứa nhỏ về nhà. Đứa nào cũng ríu rít: “Mẹ hết bận rồi à? Mẹ có thời gian chơi với con rồi đúng không?”. Hoa cười tươi đáp lại: “Ừ, bây giờ bố làm việc nhà giúp mẹ nên mẹ có nhiều thời gian chơi với các con hơn đấy”.

Ba mẹ con Hoa tung tăng dắt tay nhau vào nhà thì thấy chồng cô đang lúi húi nấu cơm trong bếp. Hoa nhanh nhẹn vào bếp phụ chồng, nấu những món ăn theo yêu cầu đặc biệt của các bạn nhỏ. Lâu lắm rồi Hoa mới thấy trong lòng nhẹ nhàng đến vậy, không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc đến nhường nào.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.