Triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình: Barie ngăn ngừa bạo lực

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đang được kỳ vọng sẽ là công cụ, hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nêu trên.

Nhiều điểm mới trong chế tài pháp luật phòng, chống BLGĐ

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là nguy cơ luôn thường thực trong mỗi gia đình, là một vấn đề xã hội nhức nhối, gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy cho xã hội, có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, uy tín, sức khỏe, tính mạng của các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, phòng, chống BLGĐ là một trong những vấn đề quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong thời gian qua.

Ở những quốc gia đang phát triển như ở Việt Nam hiện nay, quá trình đô thị hóa và những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, ảnh hưởng, hệ lụy từ mặt trái của công nghệ khiến vấn đề phòng và chống BLGĐ càng diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu không làm tốt công tác phòng, chống BLGĐ, tội phạm và nguy cơ bất ổn trong xã hội ngày càng gia tăng khiến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân đều có nguy cơ bị xâm phạm bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy việc hoàn thiện chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, có tính dự báo, tính khả thi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Tại Việt Nam, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ mối quan hệ hôn nhân và gia đình như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự và trực tiếp nhất là Luật Phòng, chống BLGĐ. Các văn bản pháp luật này là một hệ thống, một chỉnh thể thống nhất điều chỉnh, duy trì các mối quan hệ hôn nhân và gia đình sao cho bình đẳng, văn minh và tiến bộ.

Đặc biệt Luật Phòng, chống BLGĐ là văn bản pháp lý quan trọng để đưa ra những nguyên tắc phòng, chống BLGĐ, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân trong việc thực hiện phòng, chống BLGĐ, quyền và nghĩa vụ của người bị bạo lực và người thực hiện hành vi bạo lực, các biện pháp hành chính, chế tài có thể áp dụng để xử lý...

Triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình: Barie ngăn ngừa bạo lực - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Về bản chất, BLGĐ chính là mâu thuẫn, xung đột trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình dẫn đến có người bị tổn thương, bị xúc phạm, bị hành hạ, thậm chí bị xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng. Những người bị xâm phạm thường là những người yếu thế như vợ, con, người già... Trong cuộc sống, mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái và các mâu thuẫn khác là không tránh khỏi. Tuy nhiên, giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào để thể hiện văn hóa, văn minh, tuân thủ pháp luật, tôn trọng lợi ích của người khác, tôn trọng tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của người khác mới là quan trọng.

TS.LS Đặng Văn Cường cho rằng, Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi năm 2022 là văn bản pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam có vai trò trong việc duy trì mối quan hệ gia đình đảm bảo bình đẳng, trật tự, văn hóa, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trong gia đình, là cơ sở để xem xét xử lý các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong gia đình. Điểm nổi bật nhất của Luật sửa đổi lần này là tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm. Theo đó, Luật mới chứa nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Điểm mới nữa là thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, “trong phòng có chống, trong chống có phòng”. Nổi bật là việc sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi BLGĐ; bổ sung Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ...

Luật sửa đổi cũng bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó quan tâm việc bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống BLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống BLGĐ hoạt động đi vào chuyên nghiệp, hiệu quả.

Sẽ xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra BLGĐ

Chia sẻ về điểm mới của Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thực tế có rất nhiều vụ việc BLGĐ đã được báo chí và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn tồn tại việc người bị BLGĐ âm thầm bị hành hạ, tra tấn mà không được phát hiện và không có sự hỗ trợ từ bất cứ nguồn nào.

Nguyên nhân để xảy ra những vụ việc BLGĐ chính là do sự thờ ơ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tổ dân phố, tổ chức xã hội nơi người bị BLGĐ sinh sống. Để sự việc xảy ra như vậy, có trách nhiệm thuộc về những người đứng đầu tại địa phương. Một số nơi chưa thực sự quan tâm tới việc xử lý vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về phòng, chống BLGĐ, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương xảy ra BLGĐ còn chưa đồng bộ, chưa thực sự đi vào chiều sâu…

Mặt khác đôi khi nhiều nơi, người xử lý BLGĐ còn cho rằng hành vi BLGĐ là chuyện trong nhà “bát đũa còn còn có khi xô” huống gì mâu thuẫn vợ chồng chung sống cả đời nên còn có suy nghĩ xuê xoa. Có nơi đã đánh đồng giữa việc hoà giải với việc xử lý vi phạm dẫn tới các hành vi BLGĐ không được xử lý, mâu thuẫn gia đình và BLGĐ vẫn có nguy cơ tái diễn.

Triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình: Barie ngăn ngừa bạo lực - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý, trước đây Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi vụ việc BLGĐ xảy ra và chưa có một chế tài nào thật cụ thể, thật nghiêm khắc để áp dụng đối với người đứng đầu trong các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 đã quy định rõ: Người đứng đầu nhận được tin báo, tố giác hành vi BLGĐ mà không kịp thời phân loại, không kịp thời xử lý hoặc xử lý không đúng theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định thực hiện Luật. Nếu hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét để xử lý ở mức độ cao hơn.

Về việc phân cấp giải quyết vụ việc gia đình, ông Khuất Văn Quý cho hay: “Điều 19, Chương III của Luật Phòng, chống BLGĐ mới đã quy định có 6 địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ gồm: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi xảy ra hành vi BLGĐ; cơ sở giáo dục nơi người bị BLGĐ là người học; Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi BLGĐ; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ. Trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi BLGĐ đã/có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân thì Chủ tịch UBND cấp xã phân công công an xã, phường, thị trấn xử lý. Các trường hợp khác có thể giao cho các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương”.

“Để Luật sửa đổi tăng cường tính khả thi, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống BLGĐ với nhiệm vụ tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật có liên quan như: Bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, trợ giúp xã hội, phòng, chống tác hại của rượu bia, xử lý vi phạm hành chính... Sự phối hợp này là để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Đồng thời, kịp thời bảo vệ, hỗ trợ hiệu quả người bị BLGĐ. Bên cạnh đó, cần huy động sức mạnh của cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống BLGĐ; làm căn cứ để các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư tiến hành hoạt động giúp đỡ, bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý người có hành vi BLGĐ…” – TS.LS Cường nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.