Trớ trêu vì lấy “con thầy, gái cơ quan”

Huyền Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có câu “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” với hàm ý là vui các chàng trai khi yêu không nên nhắm vào “3 đối tượng” trên vì quan hệ sau này dễ phát sinh nhiều phức tạp. Riêng với Thành phức tạp còn bị nhân hai vì vợ Thành không chỉ là “con của thầy giáo” mà còn là “gái cùng cơ quan” với anh.

Hồi đó, việc Thành yêu… con thầy giáo đã từng gây xôn xao. Chẳng là, sau khi tốt nghiệp THPT Thành thi vào trường sư phạm. Ra trường, Thành ở lại thành phố, lận đận mãi mà vẫn chưa xin được việc dù cũng thuộc diện có năng lực. Một lần, vô tình về trường cũ họp lớp, Thành gặp lại thầy giáo chủ nhiệm năm xưa, giờ đã là hiệu trưởng của trường.

Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi, biết hoàn cảnh của “cậu học trò” cưng, vừa hay nhà trường cũng đang thiếu giáo viên bộ môn đúng với chuyên ngành học của Thành nên thầy đã đồng ý tiếp nhận Thành về trường làm việc. Thành thực sự cảm động và luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của thầy. 

Tết năm đó, Thành đến nhà thầy giáo cũ, đồng thời cũng là cấp trên của mình để thăm hỏi. Nhờ thế mà Thành gặp Phương, con gái của thầy, cũng đang là giáo viên dạy học ở trường bên. Con gái thầy hơn Thành 1 tuổi, dung mạo ưa nhìn lại chưa từng yêu ai. Sau vài lần trò chuyện, quan hệ giữa Thành và Phương cũng có nhiều cải thiện. Trong mắt Thành, Phương là cô gái năng động, hoạt bát, dễ gần. Còn Phương lại cảm mến Thành vì sự hiền lành, chân chất.

Trớ trêu vì lấy “con thầy, gái cơ quan” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thành thừa nhận, nếu không có thầy giáo tác hợp thì Thành cũng chưa xúc tiến ngay việc cưới hỏi với Phương. Tuy nhiên, do Phương là con gái của thầy giáo cũ, anh thấy rất yên tâm về gia cảnh của cô. Thầy cũng hiểu con người, khả năng của Thành nên sớm coi Thành như người thân trong nhà. Bố mẹ Thành cũng vậy, ngay từ lúc còn chưa gặp Phương mà chỉ nghe kể về cô, đã đồng ý, còn giục anh sắp xếp để hai bên gia đình gặp gỡ, chính thức qua lại.

Và thế là, chỉ sau 4 tháng gặp gỡ, Thành và Phương đã kết hôn. Thành không rõ tình cảm anh dành cho Phương chính xác có phải tình yêu không, nhưng, tất cả đều chân thật. Nhưng ngày đó, xung quanh đám cưới của anh xuất hiện không ít xì xào. Có người cho rằng, anh lấy con gái của hiệu trưởng để “tiến thân”. Anh trông vậy mà tính toán, khôn khéo quá. Rồi có người ác khẩu, còn bảo giờ không dám trò chuyện nhiều với anh vì không khéo lại bị anh đưa chuyện… đến tai bố vợ.

Cưới nhau được hơn 1 tháng thì Phương mang bầu. Trường học của Phương lại ở xa nhà, mỗi lần đi lại cũng gần 20km. Vì muốn “tránh điều tiếng” lẫn hỗ trợ cho vợ, Thành đã xin chuyển công tác về cùng trường của vợ. Nhờ đó, hàng ngày, anh có thể đèo vợ đi làm. Hai vợ chồng giờ chỉ đi chung 1 chiếc xe nên xem ra cũng tiết kiệm được cả chi phí đi lại.

Nhưng, Thành không nghĩ, anh “tránh ổ voi” ở trường cũ, thì lại “gặp ổ gà” ở trường mới. Hai vợ chồng làm cùng một trường lại cũng nhiều rắc rối phát sinh. Đầu tiên là Thành thấy mình mất tự nhiên khi lúc nào quanh anh cũng có vợ. Tính Phương hay ghen chồng nên nhiều khi, Thành chỉ trêu đùa với các đồng nghiệp nữ cho vui cũng không qua được cửa ải của Phương. Ở cơ quan không tiện to tiếng nhưng cả ngày, Phương sẽ ghi nhớ mọi tội lỗi của Thành để đợi khi ra khỏi cổng trường là “tính sổ” với anh. Như cái lần anh chỉ vỗ vai, trêu đùa một nữ đồng nghiệp cùng bộ môn rồi bị Phương nhìn thấy, thế mà cả đoạn đường về hôm đó, Phương không nói với anh một lời.

Về tới nhà là Phương tra vấn, hỏi có phải Thành chê vợ giờ sinh con xong xồ xề, xấu xí nên… lả lướt với gái chưa chồng không? Thành giải thích thế nào, Phương cũng giận dỗi mất mấy ngày khiến Thành khốn khổ vì công việc vốn đã nhiều, nay lại thêm cả việc phải… lo làm lành với vợ.

Trớ trêu vì lấy “con thầy, gái cơ quan” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cũng biết tính Phương như vậy, ở trường, nhiều đồng nghiệp nam tinh nghịch càng cố tình trêu Phương. Họ gán ghép Thành với người này người kia để chọc cho Phương giận. Thành im lặng thì bị phê bình là “sợ vợ”, mà phớt lờ, không chạy theo dỗ dành Phương thì lại bị Phương giận.

Chưa hết, cùng làm một trường nên Thành bỗng dưng trở thành người vô sản. Tiền lương, thưởng, tiền thu nhập tăng thêm… của chồng Phương đều biết và giữ cả. Như luật bất thành văn, cứ cuối tháng là Phương thay mặt chồng, xuống kế toán ký tiền của Thành. Cô nói, đằng nào cô cũng chi tiêu sinh hoạt trong nhà nên cô lĩnh về một mối cho tiện. Thành vốn chỉ dạy ở trường, chẳng làm thêm bên ngoài nên anh cũng đâu có khoản tiền nào khác.

Thành thử, hàng tháng, tiền thì có mà Thành vẫn phải trông chờ Phương đưa tiền tiêu vặt cho mình. Chưa kể, từ ngày dạy cùng trường với vợ, anh đâm ra mất hết bạn bè, quan hệ bên ngoài. Ngày hai buổi, Thành đều đi đi, về về với vợ.

Trường có hoạt động gì tập trung ngoài giờ giảng dạy, Phương cũng nắm được. Thành muốn ra ngoài làm mấy cốc bia với bạn bè bên ngoài thì Phương sợ mất chồng nên giữ chắc anh, không chịu cho đi. Mà bịa ra lý do khác để “thoát thân” thì lịch làm việc, thời khóa biểu của Thành, Phương đều nắm được rất rõ.

Vốn tính hiền lành, Thành ít khi cự nự mà thường nhường nhịn Phương để giữ hòa khí gia đình. Tuy nhiên, nhiều lúc, anh cũng mất bình tĩnh, nói lại Phương mấy câu. Ấy thế là chỉ một lát sau, chuyện vợ chồng đã đến tai bố vợ. Phương nắm thóp Thành có nhiều việc phải “nể” bố vợ vì ông xin việc cho Thành, lại là thầy giáo cũ, cấp trên cũ của chồng. Mỗi lần về chơi nhà ngoại là Phương lại than thở về Thành, rồi lôi đủ thói hư tật xấu của chồng ra mà kể lể cho bố nghe. Nào thì Thành hay ngủ muộn, bừa bãi, quần áo bẩn mấy ngày chưa giặt, ăn uống thì chém to kho mặn…

Thành còn hay đánh ngã con, con khóc không biết dỗ dành… Phương cho rằng, giờ Thành là người một nhà rồi thì có kể lể như vậy cũng vẫn là đang “đóng cửa bảo nhau”.

Trớ trêu vì lấy “con thầy, gái cơ quan” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nhưng, Thành thì khác, anh thấy rất xấu hổ trước mặt bố vợ, cảm thấy như mình đang bị vợ “bóc trần”. Rồi có cả những buổi Thành còn bị bố vợ mời tới nhà nói chuyện, khuyên anh phải thế này, thế kia để xứng đáng là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho vợ, người bố tốt của con. Thành thấy mình như thể cậu học trò năm nào ngồi trước mặt thầy giáo nghe kiểm điểm vậy. 

Từ đó, mỗi lần vợ chồng xung đột, Thành lại nghĩ tới việc sắp bị bố vợ “dạy bảo” khiến anh có phần chán nản.

Ngày trước, khi quyết định đến với Phương, một số bạn bè của anh đã cảnh báo anh trước những “rắc rối” khi lấy “con thầy, gái cơ quan”, nhưng Thành lúc đó chưa hình dung được hết mà chỉ nghĩ, vợ chồng rồi thì có gì mà phải giấu giếm hay sợ bị “phơi bày”. Nhưng giờ thì Thành mới thấm thía hết những lời các bạn đã “tiên đoán” trước.

Thành thấy mình không còn một chút không gian riêng tư nào. Ở nhà anh đã gặp vợ, đến cơ quan cũng vẫn… gặp vợ. Gương mặt ấy, giọng nói ấy, ánh mắt ấy cứ theo anh suốt 24/24h, 7 ngày trong tuần. Thậm chí, anh còn có cảm giác, các đồng nghiệp của anh cũng đang “thông đồng với vợ anh” để đi guốc trong bụng anh. 

Dù chưa từng làm điều gì có lỗi với vợ, nhưng Thành không tránh khỏi cảm giác hình như mình đang bị cầm tù trong hôn nhân. Đã có lúc Thành nghĩ, giá như anh lấy một người vợ khác, cùng nghề cũng được nhưng đừng cùng trường, cũng không phải là con của thầy giáo kiêm “ân nhân” của anh thì có lẽ, anh đã được tự do, thoải mái hơn.   

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.