Chồng ngoại tình:

Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử?

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Pháp luật hiện hành có những quy định và chế tài xử phạt để bảo vệ hôn nhân và gia đình. Theo đó những người vi phạm chế độ một vợ một chồng sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Tuy nhiên trong thực tế, việc xử phạt hành vi vi phạm này vẫn chưa được sát sao và triệt để chỉ vì tâm lý chấp nhận và ngại tố cáo của người trong cuộc. Chính điều này đã dẫn đến kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chấp nhận chồng chung vì không sinh được con trai

Đã 3 năm nay, chị Nguyễn Thị V (Hà Nội) biết chồng có vợ bé con riêng bên ngoài nhưng đành im lặng chấp nhận cảnh chồng chung. Chị V bảo chỉ vì bản thân không thể sinh được con trai nối dõi cho nhà chồng nên phải cam chịu cảnh chung chồng. Dù được phân tích việc sinh con gái không phải là lỗi của chị nhưng chị không thể giải thích với chồng cũng như bố mẹ chồng lý do tại sao cũng là một người đàn ông đó nhưng ở với chị thì sinh toàn con gái mà đến với người phụ nữ kia thì lại có con trai. Vì thế chị đành cam chịu thiệt thòi chấp nhận để chồng sống cảnh “một bến hai đò”.

Thật ra lúc đầu biết tin chồng ngoại tình có con riêng, chị V đã được cô em ruột tư vấn phải kiện chồng và kẻ cướp chồng kia vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Nghĩ đến việc giữ chồng, chị cũng định làm thế với sự hậu thuẫn từ cô em gái. Thế nhưng chồng chị biết chuyện đã tuyên bố nếu làm lớn chuyện thì anh ta sẽ ly hôn. Nghe chồng tuyên bố thế, chị V bảo với em gái đành bỏ cuộc, kiện cáo để giữ được chồng chứ kiện xong mất chồng, con mất cha thì kiện làm gì. Vậy là để giữ cha cho con, chị V chẳng những không nghĩ đến chuyện tố cáo chồng và kẻ thứ ba kia mà còn phải “giữ mồm giữ miệng” để không ảnh hưởng đến chồng. Sự cam chịu của chị V đã vô tình tạo điều kiện cho hai người có hành vi vi phạm pháp luật kia sống vô tư, bất chấp quy định cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong nhà chấp nhận coi như... ổn

Trong hội đánh tennis, anh Thuận được xem là người đào hoa và có quyền uy nhất. Đào hoa vì anh vừa có vợ đẹp con ngoan lại có hẳn cô bồ xinh như mộng. Cô bồ ấy đang chuẩn bị sinh cho anh một đứa con trai nữa. Nói anh quyền uy vì lúc này dù đèo bòng như thế nhưng chuyện nhà anh Thuận vẫn “yên ấm”. Vợ anh dù biết chồng bồ bịch bên ngoài nhưng vẫn không ngăn cấm hay làm rùm beng ầm ĩ mà “vui vẻ” chấp nhận.

Mỗi lần ngồi vào tiệc rượu chén tạc chén thù, ai cũng tò mò hỏi anh bí quyết nào để “giữ yên hai bờ cõi”, anh bảo đơn giản chỉ cần trong nhà chấp nhận thì mọi việc coi như ổn. Một khi trong nhà không làm lớn chuyện thì làm sao xã hội biết, mà xã hội biết cũng chẳng để làm gì khi trong nhà phủ nhận chuyện ấy. Anh bảo vợ anh chỉ là một phụ nữ quê mùa chân thật. Từ ngày anh ra thành phố buôn bán đổi đời rồi mua nhà cửa chuyển hẳn cả gia đình ra, cuộc sống của chị đã một bước lên tiên. Giờ thì chị chẳng phải chân lấm tay bùn, chỉ ngồi chỉ đạo người giúp việc. Tiền chồng đưa cho tiêu thoải mái, thích gì mua nấy, du lịch ở đâu cũng được chồng đáp ứng. Chồng là dân buôn bán, quan hệ một chút ngoài luồng cũng phải chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì cứ việc ly hôn, nghe anh bảo nếu ly hôn thì chị sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, con cái anh nuôi tất.

 So với việc sở hữu cuộc sống an nhàn hiện tại với việc ly hôn để rồi tay trắng về quê sống một mình thì vợ anh không dại gì làm lớn chuyện. Vì vậy, khi biết anh ngoại tình chị cũng phải ngậm bồ hòn, chấp nhận cảnh chồng chung miễn sao anh Thuận không bỏ rơi vợ con, vẫn chu cấp đầy đủ cho mẹ con chị. Anh hứa và giữ lời hứa tuyệt đối. Bồ này bồ nọ thật nhưng vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình anh không bỏ bê. Đó là bí quyết bình ổn gia đình của anh.

Những bà vợ biết chuyện của anh Thuận, người thì phê phán anh sống ích kỷ, buông thả, người thì chỉ trích chị vợ nhu nhược, ai đời lại chấp nhận cảnh sống “ông chẳng bà chuộc” ấy. Họ bảo chỉ có người phụ nữ bất tài, cảnh sống tầm gửi nên mới như vậy, chứ thời hiện đại mà còn chấp nhận để chồng ra ngoài thê thiếp như vậy là không được. Luật pháp có những quy định bảo vệ quyền lợi người phụ nữ trong chuyện này, vậy thì sợ gì mà không đấu tranh.

Phụ nữ đừng tự biến mình thành kẻ thiệt thòi

Hôn nhân đầu đổ vỡ đã khiến cho chị Hạnh như chim sợ cành cong. Nhưng rồi cuộc sống tự lập cùng với con riêng quá khó khăn, chị tiếp tục tái hôn với một người đàn ông khác cùng cảnh ngộ. Kết hôn được một năm thì chị phát hiện chồng đi lại với vợ cũ và tiếp tục có với nhau thêm một đứa con nữa. Không muốn mang tiếng bỏ chồng lần thứ hai, chị đành chấp nhận cảnh chồng vẫn thường lén lút đi về chốn cũ. Được vài năm sau, chồng chị bỏ chốn cũ tìm chốn mới. Lần này là một cô bồ còn sống độc thân. Một nách hai con, một đứa con riêng, một đứa con chung, nghề nghiệp thu nhập thấp, chị không thể nghĩ đến chuyện ly hôn. Vậy là với việc nắm kinh tế trong gia đình, chồng chị tự cho mình cái quyền được làm chồng nhiều người và bắt vợ phải cam chịu sống trong hoàn cảnh ấy.

Trong nhà không tố, pháp luật làm sao xử? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chị Hạnh bảo biết luật quy định rõ ràng nhưng nếu tố cáo chồng thì chị cũng chẳng có lợi lộc gì. Với bản tính đèo bòng ấy chắc gì chồng chị từ bỏ chuyện trăng hoa, tình cảm vợ chồng chẳng tốt lên mà lại xấu đi. Thôi thì tầm tuổi này chị sống vì con cái là nhiều, con ngựa chạy mãi cũng chùn chân, đàn ông trăng hoa mấy rồi cũng về với vợ con. Chị Hạnh tự an ủi mình như thế rồi âm thầm sống trong sự thiệt thòi.

Nhưng, sự cam chịu ấy lại không mang đến cho chị cái đích như mong muốn. Một ngày anh chồng quay về quyết liệt đòi ly hôn. Bấy giờ chị mới ân hận giá như ngay từ khi đầu chị cứ tố cáo anh ta vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng để pháp luật trừng trị, biết đâu anh ta sợ mà không dám đèo bòng thêm đến nỗi bị nhân tình nắm điểm yếu bắt về ly hôn vợ, mang hết tài sản cho cô ta.

Tình trạng phụ nữ chấp nhận sống cảnh chồng chung nhưng cơ quan chức năng ít khi can thiệp được xuất phát từ việc giấu giếm và chấp nhận của các gia đình, đặc biệt là của các bà vợ. Không có đơn tố cáo, không có bằng chứng của nạn nhân thì cơ quan chức năng không thể can thiệp và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí có người vợ sống cảnh chồng chung bị ngược đãi quá, bất đắc dĩ phải làm đơn nhờ chính quyền can thiệp. Thế nhưng khi cơ quan chức năng tìm đến dùng biện pháp ngăn chặn và xử lý thì chính người vợ này lại vội vàng xin rút đơn và từ chối mọi sự can thiệp giúp đỡ của chính quyền, thậm chí là nhận lỗi cho mình đã “hiểu nhầm” tố cáo sai, không có chuyện chồng vi phạm pháp luật. Rõ ràng tâm lý sợ hãi đã khiến họ cam chịu, không dám đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của bản thân.

Mặt khác, kiểu xử lý theo nguyên tắc có đơn tố cáo thì mới xuống xử lý còn không thì coi như không biết của một số cán bộ chức năng cũng phần nào tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng tồn tại. Điển hình đã có rất nhiều vụ việc một người chồng có vợ bé con riêng ngược đãi vợ hợp pháp mấy năm trời nhưng chính quyền vẫn không xử lý. Nguyên nhân là do chẳng nhận được đơn tố cáo người chồng kia vi phạm gửi tới. Đây cũng chính là điểm bất cập mà việc xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng chưa thật sự có hiệu quả. Do đó, để bảo vệ hạnh phúc và quyền lợi trong hôn nhân, bên cạnh sự xử lý nghiêm minh từ pháp luật, thì bản thân phụ nữ phải kiên quyết với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, không dung túng, chấp nhận dưới hình thức nào. Cam chịu trước hành vi sai trái sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân họ và con cái sau này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Để học đường không còn bạo lực

Để học đường không còn bạo lực

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng trường học không bạo lực, xây dựng môi trường Thủ đô bình đẳng, an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em.
Dạt dào những thanh âm đẹp ngợi ca Hà Nội

Dạt dào những thanh âm đẹp ngợi ca Hà Nội

(PNTĐ) - Rất nhiều các đêm nhạc đã và đang được tổ chức chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) tạo nên không khí sôi động cho đời sống nghệ thuật. Nhiều chương trình được đánh giá chất lượng, với sự quy tụ của những ngôi sao hàng đầu đã góp phần tái hiện những ngày tháng lịch sử giải phóng Thủ đô, khắc họa vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn của Hà Nội…
Nghĩ tới ngày mai

Nghĩ tới ngày mai

(PNTĐ) - Có những ngày Miên chìm nghỉm trong mớ kí ức ăm ắp về chồng. Tưởng như chẳng thể gượng dậy được nếu như không có cái đạp của đứa con trong bụng và tiếng bé Gạo kêu “con đói quá”...