Trụ cột gia đình

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cứ mỗi tối thứ 5 hàng tuần, trước khi bước vào giấc ngủ, Tú lại mong mỏi, ngày mai thứ 6, bố sẽ đưa mình đi ăn sáng, rồi đi học…

Nhưng ước mơ ấy của Tú mãi chưa thành hiện thực, dù thứ 6 là ngày nghỉ duy nhất của bố trong tuần. Vì bố chỉ không đi làm vào hôm đó thôi, chứ không có nghĩa là bố không bận. “Bận” của bố, là ở bên những người bạn nhậu, bết bát, say sưa từ sáng tới tối, có khi là tới sáng mai… 

Tú buồn, vì đó cũng đâu phải ngày duy nhất bố say. Làm ở công trường xây dựng, lúc nào Tú cũng thấy trong túi đựng đồ nghề của bố là chai rượu. Cứ chiều đến, khi đã tới giờ nghỉ, bố và các chú lại lai rai tới nửa đêm mới về. Hôm nào tỉnh táo thì trong nhà chỉ nồng nặc mùi rượu, còn hôm nào bố say ngật ngưỡng, thì hôm ấy nhà cửa náo loạn, tiếng bố mắng mẹ, mắng anh em Tú, rồi những tiếng va đập loảng xoảng… Tú lớn lên với hình ảnh đó của bố.

Vậy mà, chưa một lần nào Tú nguôi ngoai mong mỏi được bố đưa đến trường, dù chỉ một ngày thứ 6. Phần vì đó là bố mình, mình phải thương bố, nhưng lý do lớn nhất là bởi Tú thương mẹ quá. Tú thấy mẹ thật là khổ vì phải chăm lo cho cả nhà, mà ít khi nhận được sự đỡ đần từ bố. Mẹ là công nhân may, rời nhà từ 7 giờ sáng và về nhà lúc 9 giờ tối. Vì thế, mẹ phải dậy từ 4, 5 giờ sáng để chuẩn bị ăn uống cho bố con Tú. Và khi về nhà, mẹ cũng chẳng được nghỉ ngơi mà phải lao vào dọn dẹp để anh em Tú có thời gian học hành. Bố - dù có không say thì cũng chẳng chịu làm việc, cứ nằm ườn ra đấy.

Trụ cột gia đình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rượu lấy đi tất cả của bố, có khi là cả tình yêu thương với những đứa con. Tú nhớ, có lần bố mắng mẹ - chẳng vì lý do gì cả mà cứ say là mắng thôi, thế là mắng lây sang cả Tú. Thì ra hôm ấy, Tú rủ mẹ đi uống trà sữa, “con khao mẹ vì hôm nay con được nhận tiền thưởng cuộc thi tiếng Anh, tận 300 nghìn. Mẹ con mình uống trà sữa xong còn bao nhiêu con cho mẹ hết”. Mẹ Tú vui lắm, vì Tú ngoan và chăm chỉ. Hai mẹ con đi chơi về hơi muộn, khi anh trai Tú đã đi học về và bố Tú cũng đã về nhà. Chưa thấy có cơm ăn, bố Tú gào lên: “Đàn bà con gái có mỗi việc cơm nước thôi cũng làm không xong! Bày đặt đi chơi đú đởn, mẹ con chúng mày định làm hư nhau à!”. Bố mắng không tiếc lời khiến Tú sợ quá, co rúm vào người mẹ. Hai cốc trà sữa em mua tặng bố và anh trai, tối đó, nằm gọn lỏn ở góc nhà, rồi hỏng lúc nào không biết…

Chuyện bị bố mắng - với Tú, thường xuyên như cơm bữa. Nhưng Tú là cô bé hiểu chuyện, em luôn tự thỏa hiệp với mình rằng, đấy là do bố bị rượu sai khiến, chứ thực tế, bố yêu gia đình và thương Tú lắm. Vậy mà bố vẫn làm Tú buồn. Vì bố chẳng bao giờ khen Tú điều gì cả, nhất là trong thành tích học tập. Tú học giỏi, được thưởng, đều chỉ biết chia sẻ với mẹ và có mẹ vui cùng. Tú đi học xa, đi thi giải này giải nọ trên thành phố, cũng là mẹ nghỉ làm để đưa đi và cổ vũ. Nhưng bố thì luôn làm ngơ. Bố từng bảo Tú, “con gái ấy mà, học cho lắm thì cũng lớn lên đi lấy chồng. Thà bây giờ học ít thôi, rồi đi làm sớm, có tiền nuôi bố mẹ, sau rồi kiếm tấm chồng, thế có phải nhàn nhã không?”…

Vừa rồi, ở lớp có tiết tập làm văn. Cô giáo ra đề: “Em hãy tả hình ảnh người trụ cột trong gia đình mình”. Cả lớp hý hoáy viết, còn Tú ngồi suy nghĩ mãi mới đặt bút. Dòng đầu tiên trong bài làm, em viết: “Trụ cột trong gia đình em là mẹ!”. 

Trụ cột gia đình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Buổi trả bài tập làm văn, khi các bạn đều được cô giáo trả bài thì chỉ mỗi Tú là không. Tú ngơ ngác, em rất sợ bị chê hay điểm kém, vì khi ấy, chắc chắn mẹ sẽ rất buồn. Tú sợ mẹ buồn lắm. Mẹ khổ quá vì bố rồi. Nếu mình còn làm mẹ khổ nữa, thì không biết mẹ chịu đựng thế nào! Tiếng cô giáo cắt ngang dòng suy nghĩ ấy: “Tú, tan học em ngồi lại một chút nhé!”.

Cô giáo hỏi Tú thật nhiều, rằng vì sao em lại tả mẹ là trụ cột gia đình, trong khi tất cả các bạn đều nhắc đến bố. Tú ngập ngừng mãi, rồi quyết định kể hết mọi chuyện cho cô giáo. Em hỏi cô: “Trụ cột gia đình tức là người lo lắng cho tất cả thành viên, và là người vững chãi nhất để bảo vệ gia đình đúng không cô? Nếu vậy, thì đó chỉ có thể là mẹ em, vì bố em lúc nào cũng say cả…”.

Cô giáo như hiểu ra điều gì. Hôm ấy là thứ 5.

Sáng hôm sau, khi Tú vẫn nghĩ rằng bố sẽ lại nhậu nhẹt cả ngày, thì em ngạc nhiên thấy bố quần áo chỉnh tề, nghiêm túc và khẽ khàng nói: “Tú chuẩn bị nhanh lên, bố đèo đi học”. Tú vừa ngơ ngác vừa vui, ăn vội vàng bát cơm rang rồi xách ba lô lên vai, phi ngay ra xe máy của bố đang chờ.

Chiều hôm ấy, bố cũng đón Tú đi học về. Tú đang chạy ù ra cổng trường thì ngỡ ngàng vì bố đã đứng chờ sẵn. Về nhà, trong bữa cơm tối, toàn là món anh em Tú thích như cánh gà rán, khoai tây chiên…  Tú thấy mình cứ như đang ở trong giấc mơ. Vì bố còn cực dịu dàng và chẳng hề la mắng mẹ con em như bao ngày thứ 6 khác.

Trụ cột gia đình - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thì ra, sau khi đọc bài văn và hỏi Tú thật kỹ, cô giáo đã quyết định gọi điện cho bố của Tú và mong bố sẽ đến gặp cô, để trò chuyện thêm về Tú. Ban đầu, bố còn ngần ngại, định từ chối, “lâu nay toàn mẹ nó đi họp phụ huynh mà cô giáo”. Nhưng khi cô giáo trả lời: “Tú đã viết một bài văn về anh”, thì bố đã đồng ý đến gặp.

Bố rơi nước mắt khi đọc bài văn ấy. Đúng là bài văn ấy viết về bố, nhưng chỉ là những lời trách móc rất buồn bã của một cô con gái cực kỳ yêu thương bố. Trong bài văn, Tú nói về sự tần tảo của mẹ, và mong mỏi một lần bố sẽ thay đổi, quan tâm đến gia đình nhiều hơn. “Con mong bố và mẹ sẽ cùng nhau làm trụ cột gia đình, để cùng nhau san sẻ khó khăn và ở bên chúng con. Con mong bố sẽ khen con – dù chỉ một lần thôi, hoặc chỉ vài lời khen ngắn ngủi cũng được. Xin bố đừng bảo con là con gái thì vô dụng, lớn rồi bay đi”, Tú viết.

Cô giáo đưa bài văn để bố mang về cho mẹ cùng đọc, khi cả hai anh em Tú đã đi ngủ. Mẹ cũng khóc. “Em không nghĩ nó suy nghĩ người lớn như thế! Con bé chắc hẳn đã rất buồn”. “Là tại anh vô tâm quá! Anh chỉ biết nghĩ cho bản thân, anh đã quá xem thường con gái mình! Anh sẽ bỏ rượu, sẽ về sớm với em và các con, sẽ không để em phải một mình cáng đáng nữa”…

Cuộc sống sẽ vẫn chảy trôi. Và bố, chẳng biết lời hứa bỏ rượu có thật sự bỏ được dễ dàng không, nhưng có một sự thật mà Tú đã viết trong bài văn của mình: “Dù thế nào, con vẫn rất yêu thương bố mẹ”.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.