Truân chuyên con đường tìm hạnh phúc của người khuyết tật

Chia sẻ

Tình yêu vốn dĩ là điều bình thường của cuộc sống. Nhưng với người khuyết tật (NKT), đó vẫn còn là “kỳ diệu”, là xa xỉ, khó mà nắm bắt được. Nỗi mặc cảm và những định kiến khắc nghiệt đã ngăn cản họ đến bến bờ hạnh phúc, ngay cả với những phụ nữ khuyết tật có may mắn được học cao, đi nhiều, từng phần nào thoát khỏi mặc cảm.

Muôn trùng rào cản cũng không bằng mặc cảm chính bản thân mình

Trần Hồng Vân năm nay 34 tuổi, là Chủ tịch Hội NKT thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Trước khi đảm nhiệm công việc này, cô gái trẻ bị khuyết tật vận động từng có thời gian tham gia vào các tổ chức phi chính phủ, hoạt động xã hội vì NKT rất năng nổ và để lại nhiều dấu ấn, nhất là về bình đẳng giới và tạo cơ hội cho phụ nữ khuyết tật được có việc làm và tìm hạnh phúc cho bản thân. Trong một cuộc trò chuyện nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 mới đây, Vân nói rằng: “NKT, nhất là phụ nữ, rất thiết tha tình yêu và hạnh phúc!”.

Vì muốn thấu hiểu hơn nữa những hoàn cảnh khuyết tật như mình nên học xong phổ thông, Vân lựa chọn theo học ngành Tâm lý của đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. ”Suốt những năm tháng học đại học, tham gia hoạt động xã hội và làm việc cho một vài tổ chức phi Chính phủ, và cả sau này khi về làm việc tại Hội NKT thị xã Sơn Tây, tôi nhận thấy vẫn còn đó rất nhiều NKT chưa vượt qua được mặc cảm khiếm khuyết. Mặc cảm đó đeo bám người phụ nữ nặng nề hơn cả. Có người mãi không vượt qua được ánh mắt kỳ thị, có người trầm cảm nặng vì bỗng dưng tai nạn đến, cuộc đời như chấm dứt vì trở thành NKT. Điều đó cản trở các chị em tìm hạnh phúc, tìm mái ấm, chọn cuộc sống khép kín hay sẵn sàng làm mẹ đơn thân. Hoặc nếu chọn hôn nhân, thường các chị lựa chọn người đàn ông đã từng đổ vỡ, hoặc nghiện ngập, vào tù ra tội, bởi các chị nghĩ “mình chỉ xứng đến vậy thôi”…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi vẫn nghĩ rằng, mình may mắn hơn nhiều NKT vì đã được gia đình và bạn bè không xa lánh, mặc cảm. Từng nghĩ mình nghị lực và lạc quan hơn nhiều người cùng cảnh khiếm khuyết với mình, là được học đại học, tham gia công tác xã hội và được đi đó đi đây. Từng nghĩ mình tìm được hạnh phúc thật sự bên người đàn ông tốt bụng và tuyệt vời hơn – anh hoàn toàn lành lặn. Và từng rất lạc quan rằng mình đã không bị thứ mặc cảm đáng sợ kia vây lấy.

Nhưng chính tôi cũng không thể vượt qua. 3 mối tình đi qua, tưởng chừng rất hạnh phúc và cuối con đường là ánh sáng của tình yêu và hy vọng, nhưng đã vụt tắt chỉ bởi gia đình bên ấy khó chấp nhận người con dâu “lạ lùng”. Họ sợ con cái mình sẽ khổ vì phải chăm sóc thêm NKT, rồi nỗi hoài nghi về... khả năng được làm cha, làm mẹ “nếu cho chúng nó lấy nhau”. Nhận ra điều đó, dù có lạc quan đến mấy, tôi vẫn không thoát khỏi sự tủi hổ. Tôi chủ động dừng lại mối quan hệ. Từ đó đến bây giờ, đã ngoài 30 tuổi, với tôi, hạnh phúc vẫn là thứ rất mong manh. Vì vậy, tôi chọn vùi đầu vào công việc và làm thêm kinh doanh online để có thể vơi đi phần nào nỗi cô đơn và khao khát tìm hạnh phúc vẫn còn cháy bỏng”.

Mang câu chuyện của chính mình để chia sẻ, Vân thừa nhận, dù cuộc sống hiện đại đã “gỡ bỏ” rất nhiều định kiến và mặc cảm cho NKT, xã hội đã mở rộng vòng tay hơn, rất nhiều chị em khuyết tật tìm được bến bờ hạnh phúc, nhưng một thực tế đau lòng là khao khát yêu thương vẫn còn xa tầm với nhiều người. Rất khó để có thể đo đếm được khao khát ấy của các chị em lớn đến chừng nào. Mong rằng, trong tương lai, sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp các chị em được tạo điều kiện mở lòng, tự tin tiếp cận cuộc sống, dũng cảm chọn lựa và bảo vệ hạnh phúc cho chính mình, dù hành trình này còn rất gian nan.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tình yêu của NKT: Đến bao giờ mới được bình thường?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San cho rằng, cơ thể khiếm khuyết không có nghĩa bạn không có quyền yêu và được yêu. Cuộc sống của NKT cũng vậy, họ gặp nhiều khó khăn, nhiều rào cản, nhưng điều đó cũng không liên quan đến việc họ mưu cầu tình yêu cho mình. Vì vậy, việc NKT yêu là chuyện hoàn toàn bình thường và xứng đáng.

Tuy nhiên, hiện nay, đâu đó còn có người suy nghĩ rằng NKT là thấp kém. Khi chứng kiến những sự việc rất đỗi bình thường của NKT như đi lại, học hành, phấn đấu làm việc, sinh con đẻ cái... họ lại coi đó như một điều “lạ lùng”, một “nghị lực”, một “tấm gương vượt khó”... Họ coi cuộc sống với một cơ thể khuyết tật là điều gì đó không thể “bình thường”, thậm chí là tệ hại. Vì vậy, họ phản ứng bằng cách ca ngợi những điều rất bình thường của NKT. Trong đó có cả tình yêu.

Nhưng thật ra, trong tình yêu, dù là của người bình thường hay NKT, thì mọi thứ đều công bằng. Cũng sẽ có giận hờn, thương nhớ, cả hy sinh và vun vén cho nhau, bằng cách này hay cách khác. Tình yêu chính là chấp nhận những ưu điểm và khuyết điểm về cơ thể và tính cách của đối phương. Khi một người không khuyết tật yêu một NKT, chính là họ hiểu rõ những rào cản trong cuộc sống của người đó, và đã quyết định rằng người yêu của mình quan trọng hơn tất cả. Chỉ cần được yêu, được bên nhau, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Tình yêu không phải là sự thương hại, vì vậy nó không liên quan gì tới khuyết tật của bất cứ ai. Quyết định đến với nhau lâu dài, cặp đôi nào cũng phải có cho mình nghị lực và quyết tâm vượt qua những giông tố.

Việc NKT yêu nhau, hay người không khuyết tật yêu NKT, điều đó là hoàn toàn bình thường. NKT phải vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và người không khuyết tật cũng vậy. Chúng ta không có gì khác nhau. Bởi vậy, chúng ta hãy thay đổi cách nhìn, rằng trong tình yêu, ai cũng có niềm hạnh phúc và nỗi khổ cực của riêng mình. NKT cũng vậy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chỉ khi đó, bạn mới nhận ra rằng, việc mình muốn có tình yêu, gia đình hay si mê ai đó là bình thường. Tình yêu có thể có kết quả, hoặc không, nhưng bạn hoàn toàn xứng đáng với nó. Còn với bản thân NKT, trong khi chờ đợi xã hội mở lòng, thì đứng trước thử thách của tình yêu, các bạn không chỉ cần sức mạnh, niềm tin, sự kiên trì mà đôi khi còn cần cả sự liều lĩnh. Như lời chia sẻ của chị Đỗ Thúy Hà, Công dân Thủ đô Ưu tú, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa – người phụ nữ đang có gia đình hạnh phúc bên chồng và 2 con, cùng một sự nghiệp đáng nể: “Tôi quan sát bằng đôi tay của mình, tập trung lắng nghe, cảm nhận bằng khứu giác. Người bình thường nỗ lực một thì tôi nhắc nhở mình phải cố gắng gấp 10, gấp 100 lần...”.

Sẽ rất khó, nhưng đâu phải là không thể?

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.