Trúc Bạch: Từ hoang tàn trở thành điểm đến

Chia sẻ

Từ thời con gái, những sáng cuối tuần mùa hè tôi thường cùng lũ bạn lên Trúc Bạch café, hôm ngồi café Quất, hôm lại sang mé đối diện café ven hồ dưới những tán cây cơm nguội. Bây giờ, những chiều nóng nực, tôi chở con lòng vòng các con phố rồi lại về Trúc Bạch café.

Vậy mà mãi gần đây tôi mới biết, vùng đất này từng là nơi giam giữ những cung nữ bị phạm tội, từng có thời điểm khiến dân cư trong vùng sợ hãi. Vậy mà bây giờ là điểm đến vui nhộn, là vùng đất có nhiều danh thắng tâm linh đặc sắc của Hà Nội.

Như một thói quen khó bỏ, hội bạn chúng tôi là những kẻ vào quán chỉ thích uống một món duy nhất: café. Vậy nên suốt một thời café Quất Tây Hồ - Trúc Bạch là chỗ hẹn hò tụ tập. Chúng tôi có thể nói hàng trăm đầu chuyện trong một buổi sáng cuối tuần vậy mà tuyệt nhiên không đứa nào biết rằng, nơi cả bọn đang ngồi từng là nhà tù của các cung tần bị tội trong Phủ Chúa Trịnh ở thế kỉ 18. Ở thời đó, hồ chưa có tên, là khu vực phía Đông Nam của Hồ Tây và vùng đất này thuộc về làng Trúc Yên. Làng Trúc Yên trồng nhiều cây trúc như thể một khu rừng trúc vậy nên người ta còn gọi là làng Trúc Lâm.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Sự ăn chơi trác táng của vua Lê - chúa Trịnh đã bị nhân dân lên án và còn lưu lại trong sử sách. Bởi vậy, nếu ở thời vua Lê Tương Dực, các nhà nghiên cứu và các học giả thường trích dẫn trong Đại Việt Sử ký tích ông vua này bày trò tiên nữ hái sen: bắt các mỹ nữ trút xiêm y rồi xuống đầm hái sen làm tiên giả mua vui thì vào thời chúa Trịnh Giang, một vị chúa cũng khét tiếng dâm đãng đã cho xây biệt viện bên mé hồ bên này, cạnh làng Trúc Yên lấy tên là điện Trúc Lâm để thỏa mãn thú chơi nhục dục. Biệt điện đó có còn có tài liệu gọi là Trúc Tầm viện. Có lẽ, không khó đoán khi một cung điện xây lên với mục đích xấu xa thì sau sẽ trở thành lãnh cung. Lãnh cung đó đã giam giữ những cung tần - mỹ nữ vì lý do nào đó phạm tội theo cách định tội của nhà chúa. Và tại đây, những mỹ nữ phạm tội phải tự nuôi sống mình bằng nghề chăn tằm dệt lụa.

Thứ lụa được làm ra từ bàn tay nuột nà của những người đẹp bị giam cầm như gói gém mọi tinh hoa, mơ ước và hy vọng còn lại của họ nên nó trở nên đẹp đẽ, mượt mà và bay bổng, trở thành thứ lụa nổi tiếng ở nhân gian. Nhờ vậy, khu vực này có tên là Trúc Bạch - lụa trắng làng Trúc. Cái tên đó còn được giữ tới ngày nay như một điều nhắc nhớ vừa ngân ngấn đượm buồn vừa lãng mạn, đẹp đẽ.

Nhưng thật tuyệt, cùng với thời gian, lãnh cung đó đã không còn, thứ lụa đẹp kia cũng chỉ lưu trong sử sách và cái tên Trúc Bạch tồn tại tới ngày nay.

Cho mãi tới gần đây, ngồi café lướt mạng, tôi mới biết quanh khu vực mình lui tới café hơn chục năm trời cất giữ bao danh thắng nổi tiếng: Đây tượng A- Di- Đà, một công trình nghệ thuật đẹp nổi tiếng về thủ công mỹ nghệ đúc đồng của làng nghề cổ truyền Ngũ Xã, được đặt tại chùa Thần Quang. Tại ngôi chùa uy nghiêm này còn có tượng thờ ông tổ nghề đúc đồng Ngũ Xã: nhà sư Không Lộ. Nhiều tài liệu cho biết Nhà sư Không Lộ là vị Quốc Sư đời vua Lý Thần Tông (1128-1138), ông có tên là Nguyễn Chí Thành, người Gia Viễn - Ninh Bình, có hiệu là Minh Không thiền sư.

Kia đền Thủy Trung Tiên, trên hòn đảo nhỏ xinh vừa lãng mạn, vừa uy nghi đẹp đẽ nơi thờ nàng tiên dưới nước mà nhân dân gọi nôm na khác là đền Cẩu Nhi, có dựng tượng của vị Chó Thần Nhỏ, một trong truyền thuyết báo điềm lành khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi. Xa xa xung quanh hồ Trúc Bạch có chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới được báo chí nước ngoài vinh danh. Ngôi chùa đã có 1.500 tuổi. Đền Quán Thánh, thờ một trong bốn vị “Thăng Long tứ trấn”. Chùa Châu Long, nơi công chúa Khiết Cô, con vua Trần Nhân Tôn đã tới tu từ khi còn nhỏ…

Cũng nhờ những di tích linh thiêng cùng các huyền tích truyền đời mà ngày nay Trúc Bạch đã trở thành một trong những điểm đến tuyệt vời khi du khách thập phương đến với Thủ đô.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.