Trước bàn thờ gia tiên

Huyền Thương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Buổi tối ngày này năm ngoái, ông nội gọi gia đình tôi tới nhà, bảo có việc gấp. Nghĩ đi nghĩ lại, hôm nay chẳng phải dịp gì đặc biệt, vậy ông có việc gì?

Không dám trái lời ông, bố mẹ tôi vội vã đưa tôi sang. Thì ra là liên quan đến việc tôi vừa trúng tuyển vào đại học hàng đầu theo đúng nguyện vọng mơ ước. Vì mẹ tôi phải đi làm ban ngày nên bà tôi đã thay mẹ nấu một mâm cơm cúng. Sau đó, ông sai tôi cùng ông bê mâm cơm dâng lên ban thờ gia tiên.

Rồi ông thắp lên một nén nhang. Cả nhà tôi đứng chắp tay trước ban thờ. Ông tôi xúc động kính báo với gia tiên về thành tích tôi đạt được. Giọng ông run run, có lúc như lạc đi. 

Trước bàn thờ gia tiên - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong sự quây quần của cả nhà, ông tôi giải thích: “Ngày trước, vì khó khăn và chiến tranh loạn lạc, bố mẹ của ông bà đều không được đến trường. Bà cũng thông minh, có năng lực học nhưng cũng chỉ được học hết lớp 7. Ông được gia đình tạo điều kiện cho học hết THPT. Còn hôm nay, cháu đã thay ông bà viết nốt ước mơ còn dang dở. Nghe tin cháu đỗ đại học, ông bà đều mừng. Ông tin, ông bà tổ tiên ở trên cao cũng chứng giám và phù hộ cho cháu học hành tấn tới”.

Ông tôi còn nói, một dòng họ, gia đình có phát triển được hay không là phụ thuộc vào thế hệ các con/cháu. Với gia đình tôi, sự phát triển của con cháu không được đánh giá bằng tiền của mà là sự học. Ông tôi tin rằng, con chữ sẽ giúp chúng tôi sau này có thể đi xa hơn nữa. “Con hơn cha là nhà có phúc, cháu ạ”.

Rồi ông lấy ra một chiếc phong bì, đưa cho tôi, nói rằng ông tặng tôi tiền học phí 1 năm đầu tiên. Đây là số tiền ông bà tôi tiết kiệm chi tiêu từ khoản tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng gom góp lại mà thành. Ông mong tôi bước vào đại học, hãy luôn cố gắng vì bản thân và vì tôi là thế hệ đang viết tiếp lịch sử của gia đình.

Nghe ông nói xong, cả nhà tôi đều xúc động. Tôi may mắn được sống với ông bà gần như trọn quãng đời học sinh. Cho tới khi học cấp 3, tôi mới chuyển về sống cùng bố mẹ (bố mẹ tôi lên Phú Thọ xây dựng vùng kinh tế mới rồi ở lại đó luôn. Tôi được bố mẹ gửi về thành phố nhờ ông bà trông nom). Ông bà tôi hàng ngày đều đưa đón tôi đi học. Nhà ông bà chật nhưng góc họp tập của tôi luôn đẹp và rộng rãi. Cứ tối đến, chỉ sau giờ thời sự là ông bà tắt ti vi để cho tôi có không gian yên tĩnh học tập. Dù khó khăn thế nào, nhưng nếu cần thiết cho việc học của tôi là ông bà sẽ đáp ứng tối đa.

Trước bàn thờ gia tiên - ảnh 2
Ảnh minh họa

Giờ tôi đã là sinh viên năm thứ nhất đại học. Nhìn các em học sinh đang háo hức chờ đợi kết quả trúng tuyển đại học, những ký ức hôm nào khi tôi được cùng ông đứng trước ban thờ gia tiên để báo cáo về thành tích học tập lại hiện về. Học đại học, mọi thứ đều mới mẻ. Sinh viên sẽ phải tự học, tự đọc, tự chủ động rất nhiều chứ không còn có giáo viên theo sát, chỉ bảo như ở trường phổ thông nữa. Có lúc, tôi cũng đã từng suýt trượt dài, chỉ cần một cái tặc lưỡi là có thể trốn học để đi chơi. Nhưng sau đó, tôi lại nhớ tới mong mỏi của ông bà gửi cho tôi, nhớ lại mình đã đứng trước ban thờ báo cáo tới tổ tiên như thế nào mà tôi tự răn mình không được lệch hướng.

Với tôi, truyền thống gia đình, những lời nhắn nhủ của ông bà chính là điểm tựa để tôi bước về phía trước. 

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.