Trút giận sang con

Nguyễn Huyền
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa cơm tối hôm nay diễn ra lặng lẽ hơn mọi ngày, hai đứa con cúi xuống ăn một mạch rồi đi lên nhà học bài. Cứ như thể, chúng đang cố tình tránh mặt mẹ càng nhanh càng tốt…

Mang tâm trạng nặng nề vì áp lực công việc của cơ quan vẫn còn đè nặng, tôi ngồi vào mâm cơm với bộ mặt cau có. Thường thì những lúc thế này, tôi không muốn có thêm sự bực bội từ con cái đem lại. Nếu có thì đó sẽ là ngòi nổ để tôi bung hết những cảm xúc tiêu cực trong người và trút lên đối tượng “gây lỗi”. Trong nhà, hai đứa nhỏ và chồng tôi luôn là đối tượng thường xuyên đón nhận những cơn trút giận của mẹ và vợ.

Dù “lỗi” của họ nhỏ bằng “con kiến” hay to đùng như “con voi” thì tôi cũng sẽ ứng xử giống nhau nếu như hôm đó công việc không trôi chảy, bị cấp trên khiển trách. Chồng tôi nhiều lần bị tôi trút giận vô lý đã phản kháng lại. Kết quả, hai vợ chồng xảy ra những trận cãi vã nảy lửa rồi chiến tranh lạnh với nhau cả tuần.

Nhưng, với hai đứa nhỏ, chúng chẳng có được cái “quyền cãi mẹ”, vì thế luôn phải nhận những cơn giận vô cớ của tôi. Mỗi lần tan sở trở về với cảm giác khó chịu, bực bội quẩn quanh lẩn khuất trong lòng, nếu bắt gặp cảnh tượng ngổn ngang bề bộn của hai đứa nhỏ bày bừa đồ chơi khắp phòng khách, sách truyện bừa bãi trên bàn ăn, giày dép để không đúng chỗ… là thế nào tôi cũng trút hết cơn thịnh nộ lên chúng.

Thường thì những cơn giận đó luôn bung ra khi về đến nhà nên đến khi vào bữa cơm tối, ai cũng mang tâm trạng nặng nề. Nhất là hai đứa nhỏ, có bữa chúng ngồi ăn cơm mà nước mắt vẫn rơi vì bị mẹ mắng. Tôi chẳng để ý đến điều đó, và cho rằng việc mắng con như thế là đúng, là chúng có lỗi.

Trút giận sang con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chiều nay, một dự án do tôi đảm nhận bị chậm tiến độ. Buổi họp kiểm điểm trách nhiệm kéo dài cả buổi chiều khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Vừa trở về nhà, con gái út ào ra cửa muốn nhào vào ôm mẹ nhưng bước chân của nó khựng lại khi bắt gặp ánh mắt tôi cau có nhìn vào cái balo của nó vứt dưới sàn nhà. Mặt con hoảng sợ, rón rén lùi lại, thu dọn đồ rồi đi vào phòng.

Đứa con trai lớn cũng đang định khoe gì với mẹ nhưng thấy em gái như vậy cũng theo em lên phòng. Tôi buông người xuống sofa nghỉ một lát rồi vào bếp xem bữa tối thế nào.

Hóa ra chiều nay, bọn trẻ đi học về sớm đã cắm cơm, luộc rau sẵn, trên bàn ăn còn có đĩa trứng rán được bày trí rất cầu kỳ, chắc là hai anh em đã cùng nhau vào bếp và tạo bất ngờ cho mẹ. Nhưng tôi không để ý đến điều đó mà tập trung vào mấy cái dao, thớt đang để bừa bộn trên bàn bếp. Thế là tôi lập tức lớn tiếng:

- Đức Minh đâu xuống đây mẹ bảo, con bày bừa thế này à? Sao con chẳng làm được cái gì nên hồn cho mẹ thế, xuống đây mau…

Thằng bé ở trên tầng nghe tiếng mẹ quát vội chạy xuống, trong lúc vội vã, nó trượt chân cầu thang ngã lộn xuống. Thấy con cà nhắc đi lại, tôi đay nghiến thêm: Sao con hậu đậu thế, đi đứng cũng không nên hồn.

Con trai tôi nén đau vào bếp dọn dao, thớt để về chỗ cũ rồi lặng lẽ làm thêm một số việc tôi sai bảo thêm. Một lúc sau, chồng tôi về, cả nhà vào bữa cơm, hai đứa trẻ ăn vội vàng cho xong bữa rồi lên phòng học. Tôi vẫn còn chưa thoát khỏi tâm trạng mệt mỏi nên chẳng để ý đến bọn trẻ nhiều.

Đêm khuya, sau khi ngồi sửa lại mấy hạng mục của dự án xong, tôi về phòng ngủ. Ngang qua phòng con gái, thấy con ngủ mà không tắt đèn, tôi ghé vào. Đúng lúc con bé ngủ nói mơ: “Mẹ, mẹ đừng mắng con, con sợ, con sợ…”. Rồi con bé co rúm người lại, nước mắt trào ra. Nhìn con như vậy, lòng tôi bất chợt thắt lại. Tôi đã làm gì để giấc ngủ của con vẫn còn cảm giác sợ hãi thế này?

Đêm đó, tôi trăn trở mãi, chẳng thể chợp mắt nổi. Công việc bận bịu, bao gánh nặng lo toan cuộc sống, từ lúc nào tôi tự cho mình cái quyền trút giận lên con cái, không còn để ý, quan tâm đến tâm trạng của con. Nói cho cùng tôi phải học lại cách làm mẹ và làm bạn cùng con. Đáng lẽ ra, tôi nên chọn cách nói chuyện tình cảm, yêu thương bảo ban nếu con trót mắc lỗi thay vì chỉ trích, quát mắng chúng.

Tôi biết, vào một ngày không vui nào đó tiếp theo, có thể áp lực công việc hoặc thêm nhiều nỗi mệt mỏi khác lại đặt lên vai. Nhưng chắc chắn từ nay tôi không để điều đó ảnh hưởng tới con. Tuổi thơ con hồn nhiên nhưng con cũng dễ nhạy cảm và tủi thân. Con làm sao đã hiểu được câu chuyện bộn bề mưu sinh của người lớn.

Sáng hôm sau, tôi gạt hết mọi nỗi buồn, lo lắng công việc, nhẹ nhàng đánh thức các con dậy. Ôm con gái vào lòng, nó hồn nhiên, nở nụ cười trong veo tựa đã quên hết bao giận hờn tối qua khiến lòng tôi nhẹ nhõm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.