Truyền thông tốt giúp xóa bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giới

Bà và ảnh: TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để thay đổi nhận thức của người dân về định kiến giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, theo các chuyên gia, công tác truyền thông cần được đổi mới, không chỉ hướng đến phụ nữ mà còn thúc đẩy nam giới chia sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình…

Thay đổi nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới

Tại Hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức mới đây, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan”.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, để thu hẹp khoảng cách giới hàng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức các lớp tập huấn bình đẳng giới nhưng gặp nhiều khó khăn. Rào cản từ phía xã hội, rào cản dẫn tới nhận thức của người phụ nữ coi đó là trọng trách của mình. Những định kiến giới về việc nhà, chăm con là của phụ nữ đã ăn sâu, cố hữu vào nhận thức của nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Ở nhiều gia đình, chồng muốn giúp vợ làm việc nhà thì bị chính bố mẹ ngăn cản, không cho phép. Không ít phụ nữ cho biết, khi sinh con nhỏ, chồng muốn tắm và chăm sóc con cũng phải giấu giếm mọi người.

“Công tác truyền thông nâng cao nhận thức vô cùng quan trọng trong việc tháo gỡ các rào cản, nâng cao nhận thức. Cách thức truyền thông cũng cần phải thay đổi cơ bản. Truyền thông không chỉ hướng tới phụ nữ mà còn phải thúc đẩy nam giới chia sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình, để họ có điều kiện chăm sóc bản thân và tham gia các hoạt động xã hội” - bà Bích Loan cho biết.

Truyền thông tốt giúp xóa bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

Theo bà Loan, mô hình vợ chồng cùng ghi nhật ký mà Bộ đang thực hiện ở nhiều địa phương rất thành công. Sau một năm thí điểm, nhiều nam giới nhận thức được vợ đang phải gánh vô vàn công việc không tên như chơi với con, cho con ngủ, nấu cơm, rửa bát… nên đã “xắn tay” vào chăm sóc mái ấm với vợ. Kết quả của mô hình cho thấy, thời gian làm việc nhà của phụ nữ giảm 1 giờ đồng hồ, còn thời gian làm việc của nam giới tăng lên, dù không đáng kể.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Ánh, đại diện Ủy ban Dân tộc cho rằng, để xóa bỏ rào cản, tạo cơ hội và quyền năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số thì rất cần có thời gian dài để tuyên truyền nâng cao nhận thức của nam giới. Phụ nữ cần được tạo điều kiện để có cơ hội ngang bằng với nam giới khi tham gia các cuộc họp, hỗ trợ phụ nữ giảm bớt thời gian và gánh nặng trong việc nhà, ngay cả các tiêu chí khi thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở cần quan tâm đến các chỉ số giới…

Đa dạng hóa mô hình giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống

Chia sẻ về một số bài học nhằm giảm thiểu gánh nặng CVCSKL đối với phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, GS.TS kinh tế học Haroon Akram-Lodhi, đại học Trent, Canada cho biết, ở một số nước trên thế giới đã thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ giảm thiểu gánh nặng của CVCSKL. Cụ thể, Phần Lan miễn phí gửi trẻ từ 8 tháng tuổi đến khi trẻ bắt đầu đi học tiểu học (7 tuổi), Na Uy và Đan Mạch giảm phí trông trẻ cho phụ nữ thu nhập thấp. Các nước Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy chuyển hỗ trợ tài chính vào tài khoản của cha mẹ để chi trả một phần phí nuôi con.

Tại Thụy Điển, gia đình có con nhỏ được nghỉ phép 16 tháng với mức 80% lương trong năm đầu tiên và không phải trả tiền khi di chuyển trên các phương tiện công cộng. Một số nước ở châu Phi như Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tanzania đầu tư cho dịch vụ, giáo dục mầm non đã đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.

GS Haroon cũng đề xuất, các nước cần có chính sách thân thiện với gia đình, hướng tới dịch vụ chăm sóc trẻ em, nhất là những năm tháng đầu đời; đầu tư vào hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ chuyên nghiệp; trả lương hậu hĩnh cho người trông trẻ có chứng chỉ… để giảm gánh nặng cho phụ nữ. Đặc biệt, nam giới cần được khuyến khích tham gia nhiều hơn trong chăm sóc con và vun vén hạnh phúc cùng vợ. 

Truyền thông tốt giúp xóa bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh 2
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Ths. Lê Thị Hồng Giang, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị, để giảm gánh nặng việc nhà và chăm sóc trẻ đối với phụ nữ, cần tăng khả năng sử dụng các dụng cụ và đồ dùng tiết kiệm thời gian, công sức cho đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo tính đáp ứng giới cho các công trình cơ sở hạ tầng; thay đổi khuôn mẫu giới, tăng sự tham gia của nam giới trong công việc chăm sóc không lương liên quan đến phân công lao động; có chiến lược truyền thông cụ thể và hiệu quả; phát triển các dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng như xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, các điểm trường, cải thiện cơ sở vật chất và bữa ăn tại trường, linh hoạt giờ đón và nhận trẻ…

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng khẳng định: Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Trung ương Hội ưu tiên các nội dung trọng tâm liên quan đến “Công tác tuyên truyền, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số” và “Thúc đẩy bình đẳng giới gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số”. Cùng với đó là tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng. Tiêu biểu như: Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng, thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, triển khai “chiến lược truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, tổ chức các hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ trẻ em vùng dân tộc thiểu số, triển khai xây dựng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nhân rộng các mô hình quỹ tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội thu nhập và lồng ghép giới, hỗ trợ ứng dụng 4.0 cho phụ nữ…

Nói rõ hơn về Dự án 8, bà Lò Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam cho biết, Hội tập trung truyền thông qua 3 giai đoạn nhằm giảm bớt và thay đổi nhận thức về bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, xác định lấy cộng đồng là trung tâm tuyên truyền, vận động những người có uy tín trong cộng đồng như trưởng thôn, già làng, trưởng bản…, tập huấn giúp họ nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức, từ đó là tấm gương để lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới đến đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các mô hình tiết kiệm vay vốn được thực hiện đa dạng, khuyến khích chị em tham gia hoạt động kinh tế, nâng cao vị thế trong gia đình, tự tin thể hiện quan điểm tại các cuộc họp ở cộng đồng cư dân…” – bà Thủy nói.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.