Tự chủ là sống có trách nhiệm

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.

Bất bình đẳng giới tồn tại do phụ nữ thiếu trách nhiệm với bản thân

Lê Khánh Phương (29 tuổi) đang học lên năm thứ 3 đại học chuyên ngành Y khoa. 7 năm trước, khi đang học dở cao đẳng Y thì cô gái trẻ có bầu và lấy chồng, cũng là bác sĩ. Hai vợ chồng cùng làm ăn, cố gắng dành dụm và mở một phòng khám nha khoa. Sau một thời gian, phòng khám có uy tín, đông khách. Phương và chồng từ việc kinh doanh phòng khám đã mua được nhà riêng và xe ôtô. Cùng với sự phát triển ấy, cô cũng sinh tiếp cho chồng một cậu con trai nữa. Khi cả hai con đã lớn, công việc ở phòng khám đi vào ổn định, Phương quyết định học lên cao để sau này có thể chính thức tự mình làm chuyên môn. Tuy nhiên, đi học xa nhà nhưng tâm hồn cô luôn “treo” ở nhà. Vì lúc nào cô cũng thường trực chuyện con cái ăn ngủ, rồi phòng khám ít khách đi một chút cũng lo.

Sau đó là công to, việc nhỏ ở nhà chồng. Là dâu trưởng, lại vốn khéo léo, biết chu toàn nên từ ngày về nhà chồng, cô cáng đáng hết những việc như giỗ chạp, hiếu hỷ… Các em chồng và cả bố mẹ, rồi chồng vì thế sinh tâm lý ỷ lại. Đi học được 3 năm mà Phương gầy trơ ra do hay lo nghĩ. Đến ngày giỗ trong nhà, là cô lại xin nghỉ học để về. Lúc nào than vãn với hội bạn thân, cô cũng lặp đi lặp lại câu nói: “Chán lắm chúng mày ạ, tao lúc nào cũng căng hết đầu óc!”. Nhưng bảo cô buông, nghĩ cho mình một chút, biết giao việc cho người khác đi, thì Phương lại e dè, chưa gì đã “sợ người ta không làm tốt bằng mình!”.

Tự chủ là sống có trách nhiệm - ảnh 1
Ảnh minh họa

“Đời thay đổi khi ta thay đổi” - rất nhiều phụ nữ đều biết câu nói này nhưng không dễ để thực hiện. Bao nhiêu tháng ngày sống với tư duy “hy sinh tất cả vì chồng con”, rất khó để tự dưng có một ngày sống riêng cho bản thân mình. Suy nghĩ ấy cứ như thể đi ngược vào đường một chiều vậy, “chỉ có điên lắm thì mới quyết tâm được”, Hồng Linh (31 tuổi, ở Tân Triều, Thanh Trì, hiện là chuyên viên về pháp chế tại một tập đoàn nước ngoài) trải lòng như vậy. Gặp stress trong công việc, con thì hay ốm nên cô bàn với chồng, mình sẽ nghỉ việc một thời gian để tập trung chăm con và xốc lại tinh thần.

Nhưng chưa chờ vợ nói hết, chồng cô đã nhanh nhảu tuôn ra một tràng ý kiến phản bác: “2 suất lương còn sống chưa chắc đủ nữa là một mà em đòi nghỉ”, rồi “đi làm thì ngày nào chẳng như ngày nào mà em toàn than”, hay “về nhà anh đã nhận nấu cơm tối rồi, lễ Tết quà cáp cho em không thiếu, em còn đòi hỏi gì nữa”. “Mình không thể nói lại nữa, vì anh ấy nói toàn điều chí mạng, toàn những nỗi lo của mình. Anh nói xong mà mình thấy chuyện mình nghỉ việc như là tội ác với gia đình vậy”, Linh tâm sự. 

Điểm chung của Phương và Linh là chưa kịp lo cho mình bởi phải lo cho người khác. Với họ, phụ nữ là phải hy sinh, ôm hết mọi việc trong gia đình để làm hết mới là tốt. Cách tư duy này khiến cho họ không được tận hưởng hết được những niềm vui của cuộc sống và cũng vô tình đẩy cán cân của bình đẳng giới ngày càng lệch.

Sướng hơn nhờ chịu thay đổi 

Đang là giảng viên đại học, có hai con nhỏ sàn tuổi nhau nhưng chị Nguyễn Thùy Linh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) vẫn hoàn thành luận án tiến sĩ cấp học viện. Hai vợ chồng ít khi được ông bà nội ngoại hỗ trợ vì ở xa, anh Tùng, chồng chị Linh hỗ trợ bằng việc đưa đón con đi học, nấu ăn và chăm con sau giờ làm. Chị Linh vừa dạy ở trường, vừa dạy thêm, vừa hoàn thành luận án và không hề phải bỏ bê một buổi học múa nào - niềm đam mê lớn của chị. Chị vẫn hoàn thành luận án đúng mục tiêu đề ra.

Nhiều gia đình trẻ hiện nay có lối sống khá cởi mở. Người chồng sẵn sàng tạo điều kiện, quán xuyến việc nhà, chăm sóc các con để vợ có nhiều thời gian hơn cho công việc, học tập và thăng tiến. “Vợ chồng mình lúc nào cũng như con thoi, nhà cửa có khi để cả tuần không dọn, nhưng cả hai không ai kêu ca, than phiền chút nào cả. Chồng luôn động viên mình cố gắng, việc mình tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nâng cao trình độ khiến anh thêm trân trọng và yêu mình, chứ không hề có suy nghĩ phụ nữ học đến đại học thôi là quá lắm rồi. Rồi mọi chuyện cũng sắp xếp đâu vào đấy hết cả, nếu như vợ chồng thay đổi tư duy về vị thế của mỗi người trong gia đình”.

Tự chủ là sống có trách nhiệm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Còn Thảo Chi (27 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) thì từ nhỏ đã sống trong gia đình “trọng nam khinh nữ”. Bố Chi là con trai trưởng, và cũng là con trai duy nhất của ông bà nội cô. Vì thế mẹ Chi mang một trọng trách nặng nề của người con dâu trưởng. “Lề thói nhà mình là đàn bà phục tùng đàn ông. Trong nhà, ông nội là nhất, rồi đến bố. Bà nội không có tiếng nói bằng bố. Chưa bao giờ mình thấy bố quét nhà hay vào bếp. Bố về muộn, nhưng xe đến cửa là ở trong nhà mẹ đã bày cơm xong xuôi rồi…”, Chi kể. Cô gái trẻ mang theo những hồi ức ấy cùng lớn lên và thể hiện nó khi đi lấy chồng. Kết quả, “mình không đủ sức chịu đựng được như mẹ. Quá mệt mỏi khi cả ngày đi làm, về nhà phải lao vào bếp nấu cơm trong khi chồng con không hề mó tay vào”.

Rồi Chi nghĩ có điều gì đó không ổn. Cô cần phải sắp xếp lại công việc trong gia đình và phân công cho từng người, để ai cũng có trách nhiệm. Thời gian đầu, chồng con Chi còn khá gượng ép, con trai cô làm đâu vương vãi đấy, nhiều hôm còn vỡ cả bát đĩa… Nhờ sự… nín nhịn và khích lệ của Chi, giờ trong nhà cô ai cũng biết làm việc nhà thuần thục. Riêng Chi có thêm thời gian cho bản thân.

Tại buổi giao lưu chuyên đề “Bí quyết phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ để cuộc sống luôn hạnh phúc, thành công” tổ chức nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, TS tâm lý Lý Thị Mai cho rằng, phụ nữ ngày nay được sống trong đủ đầy điều kiện hơn so với thế hệ trước. Vì vậy, chị em càng cần tự tin và biết chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Đó sẽ là vốn liếng để người phụ nữ cảm thấy mình được tự chủ. “Khi yêu quý bản thân, người phụ nữ sẽ tự giác muốn trau dồi kiến thức và dành tình yêu thương đến cho các thành viên gia đình và những người xung quanh. Tự chủ cũng sẽ là thế mạnh của phụ nữ, giúp chị em khéo léo vun vén gia đình, biết sẻ chia để được chung tay gánh vác. Tôi muốn nói hơn cả việc trở thành một người vợ hoàn hảo trong gia đình, tự chủ sẽ giúp người phụ nữ khẳng định được bản thân mình”, bà Mai nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.