Tự hào hai tiếng Việt Nam

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khái niệm “công dân toàn cầu” đã trở nên quen thuộc trong thời nay. Điều này được thể hiện bằng việc ngày càng nhiền bạn trẻ người Việt khao khát được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, học tập và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Muốn trở thành những công dân toàn cầu thực thụ, người trẻ Việt phải yêu tổ quốc Việt Nam, dùng những kiến thức, kỹ năng mình đang có để góp phần xây dựng đất nước, góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước mình với bạn bè quốc tế.

Lòng yêu nước – la bàn cho người trẻ

Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh (SN 2000) vừa mới trở thành cử nhân ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Văn Lang. Đam mê thiết kế, sáng tạo, luôn dành nhiều thời gian học hỏi từ các nhà thiết kế, các bộ sưu tập nổi tiếng của thế giới, cô bạn cóp nhặt bài học về nghề cho mình từ đó. Và cùng với tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam nồng nàn, Mỹ Hạnh đã chọn đề tài đất nước mình cho đồ án tốt nghiệp, mang tên “Ơ kìa Việt Nam”.

Cảm hứng của đồ án đến từ những lần Hạnh đi du lịch và đi thực địa, phục vụ cho học tập. Đến một miền đất mới, ăn những món ăn và trải nghiệm cuộc sống, phong cảnh của mỗi nơi là một điều rất lý thú, nhưng cái khó là không thể “gom” hết tất cả hay ho ấy bỏ vào balo để mang về nhà. Từ đó, Mỹ Hạnh ấp ủ mong muốn truyền tải những hình ảnh và đặc trưng của các địa danh nổi tiếng thông qua thiết kế của mình.

“Với mong muốn có thể làm mới hình ảnh và quảng bá thêm về các địa danh Việt Nam, mình lựa chọn đề tài này để phát triển và thực hiện trong giai đoạn tốt nghiệp. Đến khi mình làm đồ án tốt nghiệp, giảng viên hướng dẫn đã hướng mình chuyển đề tài thành 'thiết kế bộ artwork', để không chỉ sử dụng các hình ảnh này trên áo thun mà còn có thể sử dụng được đa dạng hơn cho những sản phẩm lưu niệm khác nhằm tăng tính ứng dụng thực tế”. 3 tháng, đồ án ra đời với hình ảnh 12 địa danh nổi tiếng về du lịch của Việt Nam. Cái tên “Ơ kìa Việt Nam” cũng được Hạnh ướm đặt với ý đồ cụ thể. “Cụm từ “Ơ kìa” lặp đi lặp lại trên tất cả các phiên bản minh họa của địa danh để làm nổi bật mong muốn khi người xem nhìn vào minh họa luôn cảm thấy độc đáo, hào hứng với những thắng cảnh của nước ta”- tân cử nhân cho hay.

Tự hào hai tiếng Việt Nam - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nguyễn Nhật Huy (SN 2001) là một trong 130 học sinh sinh viên xuất sắc tiêu biểu toàn quốc làm theo lời Bác năm 2020. Là “dân” chuyên công nghệ, nhưng bạn trẻ này có niềm đam mê sâu sắc với lịch sử về đất nước, bác Hồ. Với Huy, những dòng sự kiện, con số trong sách hay những chương trình về sử học giúp bạn khơi dậy được trí tưởng tượng về mỗi trận đánh của ông cha, để càng thêm trân trọng, tự hào về nền độc lập, tự do của đất nước.

“Tôi thấy thấm hơn và càng thấy giá trị trong lời dạy của Bác là Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam trong xu thế hội nhập, không để bị hòa tan”- Huy bộc bạch.

Cũng từ sở thích lịch sử, Huy càng biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Từ những bài học về Bác thuở còn thơ, bạn tìm hiểu thêm qua sách, báo những câu chuyện về phong cách, đạo đức của Bác. Huy đọc kỹ nhiều tác phẩm của Bác, như: Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Di chúc, Dân vận, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... Cậu ghi chú những điểm, câu nói ấn tượng thành các tệp để lúc rảnh rỗi đọc, ngẫm nhớ lâu hơn.

Càng kính yêu Bác, Huy càng học tập ở Bác về sự giản dị, khiêm nhường và không ngừng học hỏi. Đặc biệt, là thanh niên, càng phải xung kích đi đầu. “Mình nghĩ lời dạy, tấm gương của Bác chưa bao giờ là sai trong thời kỳ thanh niên, người trẻ Việt được hội nhập quốc tế nhiều hơn, được đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều nền văn hóa. Càng vậy, mỗi người trẻ càng cần phấn đấu hơn và không được quên, Tổ quốc luôn ở trong tim mình”.

Thế hệ trẻ đang đứng trước nhiều thay đổi

Sống trong hòa bình, không còn phải nghe tiếng bom đạn, thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và cả thách thức, để đổi đời, để mang hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, yêu hòa bình và giàu truyền thống đi xa khắp thế giới. Tại một buổi giao lưu với các tân sinh viên khoa Quốc tế, đại học Quốc gia Hà Nội, ông Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ từ 2014-2016 cho rằng “thế hệ trẻ đang đứng trước thách thức, những quy tắc và những chuẩn mực đang thay đổi”. Cùng với những thay đổi ngày càng sâu sắc của thế giới, theo quan điểm của ông Vinh, người trẻ phải có tư duy và cách tiếp cận vấn đề đa chiều.

Tự hào hai tiếng Việt Nam - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có nghĩa là đôi khi đúng hay sai không quan trọng, mà phải tiếp cận vấn đề bằng sự phản biện, từ đó mới có sự hiểu biết rộng và bao quát được vấn đề. “Học hỏi từ người khác để mở rộng mình là rất quan trọng”, ông nói. Đại sứ Phạm Quang Vinh gửi đến các bạn sinh viên ba từ khóa cần ghi nhớ đó chính là “công dân toàn cầu”, là “người Việt Nam”, và là “chính mình”. Thanh niên Việt Nam không được phép quên mình là người Việt Nam, nói tiếng Việt từ khi sinh ra và đó chính là điểm tựa để trở thành công dân toàn cầu.

Càng đi xa, người trẻ càng không được cho phép mình quên đi nguồn cội. Để làm được điều đó, gia đình cần trở thành điểm tựa vững vàng nhất của mỗi người. Hệ giá trị gia đình luôn được xem là thành trì vững chắc cho mỗi cá nhân hoàn thiện và phát triển. Để gia đình mãi là điểm tựa, không gì khác ngoài mỗi thành viên yêu thương, sẻ chia và tôn trọng lẫn nhau. Như gia đình cựu chiến binh Nguyễn Anh Cường và vợ là bà Nguyễn Hà Thạch ở phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đang sống tứ đại đồng đường nhưng luôn giữ nếp hòa thuận, kính trên nhường dưới. Đông con cháu, nhưng không vì thế mà các cháu xa cách ông bà vì khoảng cách thế hệ, mà ở nhà ông Cường, cháu cùng ông học tiếng Anh, ông dạy cháu trân trọng lịch sử.

Những đứa trẻ được lớn lên trong ký ức của ông, được đến gần hơn với những giá trị truyền thống từ nhiều đời truyền lại. Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Mai Lan (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), dù giờ đây các cháu của bà đã đi du học ở nhiều nơi, nhưng nhờ sự “cầm trịch” của bà Lan, “chỉ đạo” lập các nhóm gia đình trên mạng xã hội để cả nhà lúc nào cũng được biết về nhau, nên tuy xa mà gần, tình cảm của người lớn dành cho các con, cháu chắt và ngược lại đều dạt dào, trở thành điểm tựa để các cháu cất cánh nơi trời xa.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.