“Từ nay ông cấm”

Chia sẻ

“Từ nay ông cấm các con cháu sang đây. Các con ai về nhà nấy, để yên cho ông bà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng”, bữa cơm trưa hôm ấy vậy là tan khi ông cầm chổi đuổi đàn con cháu hơn 10 người đi về. Đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lét, không dám cãi ông nửa lời.

1.

Ngôi nhà trở nên trống hơ trống hoác. Hai bàn ăn dọn đầy thức ăn lạnh tanh không có người đụng đũa. Ông thả người xuống chiếc ghế thở dài. Bà từ trong buồng đi ra, xem chừng ông đã bớt giận mới dám can dự:

- Ông làm gì mà nóng nẩy thế. Ông cứ để chúng nó ăn cho xong bữa cơm rồi có gì dạy bảo thì dạy. Trời đánh còn tránh miếng ăn. Đằng này, con cháu về thăm mà ông lại đuổi chúng nó về…

- Con nào thăm. Chúng nó về đây để trút bận lên người bố mẹ chúng thì có.

- Sao ông cứ cả nghĩ vậy. Tôi đâu có ca thán, rên rẩm gì. Ông cũng đâu có giúp được gì cho tôi?

- Chính vì tôi không đỡ được gì cho bà nên tôi mới bực lũ con cháu nhà này. Bà xem, giờ bà có ra hồn người nữa không?

Ông nói vậy là có lý của nó. Mới hôm kia, bà mới bị tăng huyết áp, sa sẩm mặt mày, đi còn phải có người đỡ. Bà nằm bẹp trên giường suốt một ngày làm ông lo quá. Ơn giời sau giấc ngủ đêm, hôm sau bà lại trở về được trạng thái bình thường.


Bà nghỉ chưa được bao lâu, sáng sớm hôm nay, trời còn tờ mờ ông đã thấy bà lục tục dậy. Ban đầu, ông tưởng bà đi tập thể dục, ai ngờ, lát sau bà đi về, trên tay xách la liệt đồ này, thức nọ. Nhìn mặt bà đỏ gay, thở hổn hển vì đồ nặng, lại phải đi bộ một quãng đường xa từ chợ về mà ông xót quá.

- Sao bà không gọi tôi đỡ cho bà?

- Thôi, gọi ông đi cùng, nửa đường ông mệt thì tôi còn phục vụ cả ông.

- Vậy bà mua gì mà nhiều vậy. Tôi và bà ăn mấy đâu mà tích trữ?

- Mua nhiều vì các con hẹn trưa nay đến nhà mình ăn cơm. 4 gia đình, ông xem cũng phải hơn 2 mâm đấy chứ có ít đâu.

Nghe đến đây, ông không nói gì, lẳng lặng bỏ vào phòng nằm. Bà cứ nghĩ vậy là xong, nào ngờ nỗi ấm ức đi theo ông tới tận giờ cơm trưa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi bà đã nấu xong cơm thì gia đình con trai cả đánh xe ô tô đến. Cháu nội khoe hôm nay sang nhà bà ăn trưa nên cả nhà cháu được ngủ nướng tới giờ mới dậy. Một lát sau đến lượt vợ chồng con thứ cũng lục tục tới. Thì ra, trước đó, chúng còn đưa nhau đi xem phim, phim tan thì về thẳng nhà ông bà ăn cơm. Tới khi mâm bát đã dọn ra đủ cả, cả nhà đợi mãi vẫn chưa thấy vợ chồng con út đâu. Gọi thì chúng không nghe điện, ông hạ lệnh là cả nhà cứ ăn cơm trước, không phải phần. Mọi người vừa đụng đũa thì chúng tới, mang theo lỉnh kỉnh các loại đồ. Con trai ông thanh minh cả nhà tranh thủ đi siêu thị để đi chợ cho tuần tới, lúc ra đợi thanh toán lâu quá nên đến muộn.

Bà vội đi lấy thêm ghế cho nhà con út thì… rầm, ông giằng lấy ghế trên tay bà, vứt ra sàn. Rồi ông quát lớn: “Các anh chị nào cũng có việc riêng. Vậy thì chúng tôi có thời gian riêng để nghỉ ngơi không vậy? Bà mấy hôm nay đã mệt rồi, lại còn phải phục vụ cơm nước cho cả đàn con cháu khỏe chân mạnh tay, thật là không chấp nhận được”.

Và rồi ông đuổi hết con cháu về, kèm theo lời giao hẹn: “Từ nay, anh chị nào muốn sang ông bà ăn cơm thì tự sang mà nấu. Ông cấm kiểu báo cơm, để mặc mẹ già nấu rồi mình thì tranh thủ ngủ nướng, đi chơi, đi mua sắm, nghe chưa?”.

Bà biết ông giận các con vì chúng vô tâm, chỉ biết hưởng mà không nghĩ cho sức khỏe của mẹ. Còn bà là vậy, ham làm, thương con cháu, không bao giờ kêu ca phàn nàn bao giờ. Chỉ cần còn tý sức lực là làm được gì cho con, cháu bà cũng sẵn sàng hết mức.

2.

Ông bà sinh được 3 người con, các con lại cho ông bà 6 đứa cháu. Tất cả chúng đều một tay do bà chăm sóc, bồng bề từ lúc còn đỏ hỏn. Khi các con chưa có điều kiện ra ở riêng, cũng một tay bà lo nội trợ, quán xuyến công việc của cả đại gia đình. Có bà rồi, 3 cô con dâu sướng tênh, tha hồ tập trung chăm lo cho sự nghiệp. Một ngày, các cô con dâu chỉ thay nhau rửa hai mâm bát vào buổi tối. Còn lại, việc dọn nhà, giặt giũ, chăm sóc trẻ con đã có bà làm hết cho. Có lẽ cũng nhờ vậy mà một cô đã lên được chức trưởng phòng. Một cô trở thành y tá trưởng. Một cô thì mở cửa hàng bán quần áo trên phố.

Ông bà cứ tưởng các con trưởng thành thì mình sẽ nhàn. Nào ngờ, hình như do bà quá đảm đang, lại biết điều mà con cháu thêm phần ỷ lại. Ngay cả khi ở riêng, chúng cũng đều ở gần, nói là để tiện bề qua lại, thăm nom bố mẹ nhưng thăm thì ít mà để tiếp tục “khai thác sức già” của bố mẹ thì nhiều. Đứa thì nhờ ông bà ngày hai buổi đưa đón con chúng đi học. Cô con dâu cả lấy cớ hay về nhà muộn còn nhờ luôn bà đi chợ hộ cho, thi thoảng còn nhờ bà sang dọn giúp cái nhà. Vợ chồng anh út lấy cớ cháu quấn bà còn cho con sang ở cả tuần. Chúng còn tỏ vẻ “tốt bụng” bảo hiện giờ các cháu còn mới đi học mẫu giáo nên còn được ở với ông bà, sau này, các cháu đi học tiểu học rồi thì chịu. Vợ chồng anh tiếng là có con nhỏ nhưng lúc nào cũng tểnh tềnh tênh sống kiểu vợ chồng son, nay đi chơi, mai café chém gió, hôm còn rủ nhau ra quán ăn đổi bữa. Đêm đến, chúng gọi video call cho con nói dăm ba câu, dặn dò bà nhớ trông cháu cẩn thận rồi… cúp máy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế là ở tuổi gần 80, bà lúc nào cũng cứ đầu tắt mặt tối. Ông thì lại mắc đủ kiểu bệnh, nhất là bệnh tiểu đường đã biến chứng lên mắt. Ông chỉ có thể ngồi thở, chờ bà phục vụ thôi chứ ông nào giúp được ai. Chưa kể, nhiều lúc bệnh tật khiến người khó ở, ông còn cáu giận cả bà. Còn bà thì chỉ biết im lặng, hết chăm cháu lại chăm ông.

Mấy lần, ông đã muốn gọi các con sang, nói chúng không được dồn việc lên cho ông bà mãi nhưng bà lại can ông. Bà bảo con cháu bận rộn, mình là bố mẹ không giúp con thì giúp ai. Bà ở nhà cũng chỉ ngồi không, chẳng nhẽ nhìn các con phải thuê người lo việc nhà, trông cháu. Ông nể lắm đành nhịn nhưng rồi thấy bà sức khỏe mỗi lúc một yếu dần. 3 tháng nay, bà kêu tức ngực, khó thở chắc là tim đã có vấn đề nhưng chẳng có thời gian đi khám. Ông sợ, nếu kéo dài như vậy, bà sẽ gục lúc nào không hay.

- Tôi đuổi chúng về lần này để chúng phải vắt tay lên trán mà suy nghĩ. Con cháu ruột rà cả đấy nhưng cũng không được phép quá vô tư, chỉ biết nghĩ cho mình mà không thương lấy bố mẹ. Tôi chống mắt xem từ nay chúng còn dám để mặc bà nấu mấy mâm cơm như vậy không?- ông nói với bà.

Nếu các con mà còn không thay đổi, đừng hòng ông cho chúng đến ăn cơm lần nữa.

LINH CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.